ClockThứ Tư, 17/11/2021 15:07

Lo nguồn lao động giai đoạn thích ứng mới

TTH - Dù đã có nhiều nỗ lực, giải pháp, tuy nhiên bài toán nhân lực cho giai đoạn thích ứng là điều không phải dễ giải quyết.

Khắc phục nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, vùngCân đối nguồn lực lao động

Giai đoạn thích ứng mới, đòi hỏi chất lượng nhân lực du lịch cũng thay đổi

Khó ở lĩnh vực lưu trú

Thích ứng trong bối cảnh mới, vấn đề được đánh giá khó khăn của du lịch là thiếu hụt lao động. Theo thống kê của Sở Du lịch đến cuối tháng 10/2021, hơn 7.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch bị thất nghiệp, không có thu nhập hoặc chuyển ngành nghề khác.

Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, trong các lĩnh vực của du lịch: lưu trú, lữ hành, vận chuyện, có thể thấy chỉ lĩnh vực lưu trú cơ bản là có sự sẵn sàng, bởi lâu nay vẫn duy trì hoạt động nhất định. Riêng với đội ngũ lái xe, hướng dẫn viên, nhân viên các công ty lữ hành hiện đa số vẫn chưa thể sẵn sàng. Tình hình nguồn nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi và khai thác du lịch khi thích ứng.

Trước những chuyển biến mới của yêu cầu thích ứng, sau một thời gian buộc phải cho các nhân viên ở một số bộ phận nghỉ việc, Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương đã bắt đầu tuyển dụng mới ở 11 vị trí, với số lượng cần tuyển là 37 lao động. Trong đó, nhiều vị trí cho thấy nhu cầu nhân lực thay đổi so với thời điểm trước dịch bệnh, như nhân viên bảo trì, nhân viên IT. Ngoài ra, qua tìm hiểu, các khách sạn cao sao, như Khách sạn Silk Path Huế, Khách sạn Senna Huế, Khách sạn Eldora… cũng bắt đầu tuyển dụng lao động, với nhu cầu từ 10 - 20 người.

Đại điện Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương cho biết, nhận thấy khả năng phục hồi trong thời gian đến, nên khu nghỉ dưỡng tiến hành tuyển dụng. Việc tuyển dụng được triển khai sớm, vì giai đoạn này để tuyển dụng được lao động chất lượng không phải dễ. Nên cần có thêm thời gian để đào tạo lại nguồn lao động mới có thể đáp ứng được nhu cầu công việc.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh, lưu trú là lĩnh vực có tính sẵn sàng cao nhất nhưng lại thiếu hụt về lao động nhất để trở lại. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng rất dễ hiểu bởi sự sẵn sàng chủ yếu ở những cơ sở cao sao. Đại đa số khách sạn thấp sao, cơ sở lưu trú nhỏ vẫn còn khá lúng túng, tiếp tục chờ đợi và chưa dám tuyển dụng lao động. Trong khi đó, lưu trú chiếm hơn 90% lao động trong ngành. Với sự chuyển động này, khả năng sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn về lao động khi du lịch hoạt động bình thường trở lại.

Đối với các đơn vị lữ hành cũng bắt đầu có kế hoạch trở lại nên bắt đầu tuyển dụng lao động. Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Chi nhánh Huế cho biết, khác với lưu trú, lao động ở lĩnh vực lữ hành ít hơn. Trước tác động của dịch bệnh chủ yếu chuyển nghề tạm và vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với doanh nghiệp. Do đó, khi nào doanh nghiệp chính thức hoạt động, nhân viên cũ sẽ trở lại. Việc tuyển dụng ở lĩnh vực lữ hành sẽ không quá “nóng” như lưu trú.

Không để lúng túng khi trở lại

Các chuyên gia có những nhận định khả quan về sự phục hồi du lịch trong thời gian đến. Nhu cầu đi du lịch của du khách sẽ cao hơn trước đây sau gần hai năm bị hạn chế. Ông Phan Trọng Minh, Tổng Giám đốc Azerai La Residence Huế dự đoán, khi các hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng các điều kiện cần và đủ, khách sẽ quay trở lại Huế. Tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn so với trước, kể cả khách nội địa và quốc tế. Cùng với đó, gần đây nhiều điểm ở Huế được tôn tạo, chỉnh trang; cảnh quan môi trường, hệ thống tham quan di sản, văn hóa được nâng cấp, nên tin tưởng Huế sẽ là điểm “hot” trong những năm tới.

Để thích ứng phải có nhân lực thích ứng, nên các yêu cầu về nhân lực du lịch sắp đến sẽ cao hơn. Bên cạnh các kỹ năng phục vụ khách như trước, đòi hỏi có thêm kỹ năng, tâm lý và khả năng phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, hoàn cảnh.

Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, để không quá lúng túng về thiếu hụt nhân lực, đầu tiên là về phía doanh nghiệp cần có chính sách thu hút lao động, đào tạo lại nhân lực. Song song với đó địa phương có chính sách để hỗ trợ cho người lao động. Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phục hồi tốt, đó là tiền đề để lao động trở lại với công việc.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên tỉnh thông tin, đội ngũ lao động trong ngành du lịch, có lẽ hướng dẫn viên là lực lượng trông chờ nhất để trở lại. Sự bỡ ngỡ, chuyên môn bị ảnh hưởng sau thời gian dài không phục vụ khách là điều khó tránh khỏi. Phía hội đã và đang khuyến khích hội viên tự trau dồi lại kiến thức; tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi về xử lý tình huống mới khi phục vụ khách. Ngoài ra, mong muốn quản lý ngành có thể hỗ trợ bằng xúc tiến kết nối khách, sớm có những chương trình cơ bản để các hướng dẫn viên tiếp cận, trở lại với cung đường tour.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong tình hình thích ứng mới có nhiều thay đổi về yêu cầu. Trước mắt, ngành sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thích ứng. Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên các doanh nghiệp, hướng đến đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Thời gian qua, ngành đã tập huấn được một số lớp, thời gian đến sẽ mở rộng đào tạo.

Về lâu dài, Sở Du lịch phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các trường đào tạo du lịch tập huấn chuyên môn sâu cho sinh viên mới ra trường. Tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo dài hạn. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tài liệu online để hướng dẫn viên và lao động trong ngành có nhu cầu có thể tải về nghiên cứu các thông tin được bổ sung, cập nhật mới, nâng cao kiến thức.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn

Trong điều kiện nuôi tôm trên cát thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ, ngành nông nghiệp đang hướng người dân chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn.

Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn
Lo nguồn nước sạch

Tính đến cuối năm 2022, Thừa Thiên Huế có 96% người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, đạt kế hoạch đề ra.

Lo nguồn nước sạch
Quẳng gánh lo cho giáo viên

Câu chuyện một phụ huynh cãi tay đôi với giáo viên vì cho rằng, mình đã đóng tiền ăn bán trú cho con...

Quẳng gánh lo cho giáo viên
Lo ô nhiễm môi trường ở các khu chợ

Hiện nay hoạt động mua, bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh luôn nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng... dẫn đến lượng rác, nước thải phát sinh ngày càng nhiều.

Lo ô nhiễm môi trường ở các khu chợ
Return to top