ClockThứ Ba, 18/07/2017 14:02

Liên kết phát triển du lịch sinh thái

TTH - Hiện nay, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Nam còn đơn điệu và chưa nối kết được các tuyến điểm du lịch. Mô hình liên kết du lịch 4 địa phương A Lưới - Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang được hình thành cách đây 2 năm kỳ vọng là hướng đi mới cho loại hình du lịch này.

Du khách tham quan Trung tâm du lịch A Lưới

Theo bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Trưởng khối liên kết năm 2016: Quá trình hợp tác liên kết du lịch 4 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và A Lưới đánh dấu thời gian 2 năm kể từ khi triển khai ký kết biên bản hợp tác giữa các địa phương vào ngày 10/2/2014. Năm 2017, cụm sẽ tập trung liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức ILO, UNESCO và sự tham gia chuyên môn của các Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cụm liên kết đã cho ra đời Cẩm nang du lịch Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua Đông Giang - Nam Giang - Tây Giang - A Lưới; xây dựng các ấn phẩm, panô quảng bá du lịch mỗi địa phương đặt tại điểm du lịch…

Nhiều hãng lữ hành đã đưa khách đến các điểm du lịch này như Công ty Cổ phần HG Huế, Công ty Cổ phần truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch Đại Bàng, Công ty cổ phần du lịch - dịch vụ Hội An, Công ty TNHH Du lịch Khám phá Mạo hiểm Hội An,… với các tour đa dạng và hấp dẫn.

Để thắt chặt hơn sự liên kết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết sẽ nghiên cứu hình thành trang web chung của 4 huyện và kiến nghị với chính quyền địa phương trong việc xây dựng đường vào các điểm du lịch. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ phối hợp để mời các đoàn Famtrip khảo sát các điểm đến du lịch, hỗ trợ xây dựng tour du lịch liên kết 4 địa phương, tổ chức những khóa tập huấn nghiệp vụ du lịch cũng như tìm kiếm các đối tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển du lịch của 4 huyện miền núi.

Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, có 40 tour liên kết 4 địa phương (A Lưới- Đông Giang- Tây Giang- Nam Giang) với 258 khách nước ngoài đến tham quan tại các điểm du lịch A Lưới. Số lượng khách tham quan tự do thống kê đạt khoảng 9.297 khách. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 4,25 tỷ đồng, tăng 450 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Trong tương lai, việc nối kết tour du lịch sinh thái sẽ tận dụng được lợi thế của đường mòn  Hồ Chí Minh, đây là tuyến đường gắn với các điểm du lịch sinh thái nổi bật khu vực miền Trung như Động Thiên Đường, Động Phong Nha (Quảng Bình), Khe Sanh (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang (Quảng Nam)… hứa hẹn sẽ là cung đường nối kết các điểm đến, tạo cơ hội cho khách du lịch có thể đến tham quan từ Đà Nẵng đến Quảng Bình, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương vùng miền núi, hỗ trợ bảo vệ môi trường điểm đến, giảm thiểu nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy, hủy hoại đến cảnh quan thiên nhiên.

Với địa hình chủ yếu là rừng núi xen lẫn những dải thung lũng, có hệ thống sông suối dày đặc với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu lý tưởng, 4 địa phương nói trên  là nơi  hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, ở đây có nền văn hóa đa sắc của nhiều dân tộc như Cơtu, Pakô, Tà Ôi, Pahy, Vân Kiều, Kinh… với các  nghề truyền thống, nổi bật là nghề dệt thổ cẩm, dệt Zèng của cộng đồng Cơtu lớn nhất Việt Nam. Dệt thổ cẩm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và dệt Zèng Tà Ôi (A Lưới) đã lần lượt được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015 đến nay.

Theo tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), với xu hướng du khách ngày ưa thích du lịch thiên nhiên, năm 2016 và những tháng đầu hè 2017, lượng du khách đổ về các điểm du lịch sinh thái gắn với rừng núi, thiên nhiên hoang dã, không khí trong lành tăng lên nhanh chóng. Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch bền vững hòa hợp với môi trường tại các tỉnh miền Trung đang trở nên hấp dẫn.

Hà Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top