ClockChủ Nhật, 05/08/2018 06:49

Lễ hội hoa sim

TTH - Hoa sim không lạ. Xưa, Huế có cả những đồi sim bạt ngàn ở vùng Ngũ Tây phía trong xa hay Ngự Bình, Lịch Đợi bên ngoài này. Ca dao mình cũng đã có câu thật gần gụi và dễ thương, “đói lòng ăn nửa trái sim”.

Lại cũng với cảm hứng từ sim, Hữu Loan để lại cho đời “Những đồi hoa sim” bất hủ. Lúc nhỏ nghe bài hát phổ thơ của Hữu Loan, tôi cứ mường tượng đến những đồi sim ở Huế một thời bàng bạc. Trong mắt tôi và cả trong cái nhìn của người đời nữa, sim là loại cây hoang dại. Ví như ở làng Dạ Lê quê tôi, sim mọc hoang thành bụi, chen lẫn với các loại cây tràm, cây mua nơi vùng đồi. Mùa hoa sim nở, bàng bạc một màu tim tím.

Bất ngờ là khi hay tin A Lưới có dự án trồng sim phát triển du lịch. Theo đó, tại vùng cao này quy hoạch khoảng 30 ha, bao gồm các xã Hồng Thượng, Hồng Hạ và Hương Phong, để trồng sim. Ngoài ra, xã Hương Phong đang phục hồi 10 ha sim rừng tự nhiên. Sim dễ trồng, phù hợp với điều kiện A Lưới. Nhu cầu sử dụng rất lớn, giá lại bình dân, 1 kg giá chỉ khoảng 10.000 đồng. Sim có thể hái bán, chế biến thành rượu sim, xay sinh tố, lá non làm trà… Còn nữa, hấp dẫn nhất là ý tưởng trồng sim để phát triển du lịch mà điểm nhấn là xã Hồng Hạ. Nơi đây có khu du lịch suối Parle, homestay Hồng Hạ, thu hút lượng khách về đây rất lớn, đặc biệt là mùa hè, mùa sim chín. Những đồi sim bạt ngàn, hoa sim tím biếc, trái sim chín mọng là một không gian ấn tượng và khó quên.

Lần đầu tiên lên Đà Lạt, đúng vào mùa hoa nở, tôi đã bị chinh phục bởi hoa dã quỳ khi cả thành phố mộng mơ như được nhuộm một sắc vàng. Dã quỳ không có vẻ đẹp sang trọng như cúc, không vạm vỡ và to khỏe như hoa hướng dương cùng chung sắc vàng. Dã quỳ cũng chỉ là một loài hoa dại. Thế nhưng khi vào mùa nở rộ, hợp thành cánh đồng hoa, rừng hoa hay thành phố hoa thì dã quỳ vàng óng ả như màu vàng của nắng trải dài đến tận chân trời, người xem cũng phải choáng ngợp. Tôi có một thầy giáo già, nay đã ngoài 80 tuổi và phải ngồi xe lăn. Một lần trong câu chuyện ông bảo, khát khao lớn nhất là được một lần trở lại Đà Lạt vào mùa hoa dã quỳ nở. Ông đã bị mê hoặc bởi loài hoa này và có quá nhiều hoài niệm đẹp về các kỳ lễ hội hoa.

Việt Nam có nhiều lễ hội hoa. Người Thái có lễ hội hoa ban vào tháng 2 âm lịch, khi loài hoa này bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây bắc. Hải Phòng có lễ hội hoa phượng đỏ. Hà Giang có hội hoa tam giác mạch ở cao nguyên đá. Đến mùa dã quỳ nở, Đà Lạt mở lễ hội văn hóa trà. Còn ở Gia Lai, cũng là một vùng đất cao nguyên, năm 2017 lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa dã quỳ. Có nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại các lễ hội hoa. Ví như đến với lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, du khách được hòa mình trong các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động thể thao hay du lịch trải nghiệm… Tuy nhiên, quan trọng nhất khi tham dự lễ hội hoa vẫn là để được ngắm nhìn hoa tam giác mạch, một đặc sản của Hà Giang, có vẻ đẹp gắn với những cánh đồng hoa bạt ngàn sắc trắng xen lẫn với hồng tím, điệp với màu lá xanh giữa xung quanh là núi, là rừng, là những con dốc ngoằn nghoèo hay bản làng của người dân tộc.

Thực hiện dự án trồng sim làm du lịch, A Lưới đã và đang mơ về lễ hội hoa sim cho vùng cao này. Đó cơ hội để A Lưới “khoe” với du khách về những đặc sản du lịch của mình trên nền màu tím của hoa sim huyền hoặc, gợi nhiều cảm xúc yêu thương.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top