ClockThứ Hai, 28/06/2010 11:26

Làng thêu Thuận Lộc ngày ấy, bây giờ…

TTH - So với nhiều làng nghề khác ở Thừa Thiên Huế với tuổi đời hàng trăm năm thì làng thêu Thuận Lộc có lẽ chỉ thuộc hàng cháu chắc chút chít gì đó thôi, bởi làng nghề này chính thức chào đời mới cách đây độ chừng hơn 3 thập kỷ. Ngoài ba mươi, vậy nhưng cuộc đời của nó cũng đã lắm những sóng gió, thăng trầm.
Thửa hoàng kim 
 
Gọi là “làng”, nhưng thực ra, Thuận Lộc là một phường nằm ở trung tâm thành phố Huế, không những thế, nó còn là một trong 4 phường nằm ngay trong lòng Kinh thành Huế.
 
Theo tài liệu mà chúng tôi đọc được, thời nhà Nguyễn trị vì, đất Thuận Lộc còn là một cánh rừng cấm cho nhà vua đi săn. Theo thời gian, cánh rừng xơ xác dần. Thời trước 1975, thực hiện chính sách lập vành đai trắng quanh Huế, dân các nơi bị dồn về đây lập làng mới có tên là làng Thuận Lộc. Người dân bị tách ra khỏi quê hương, đồng ruộng, sống ô hợp và không nghề nghiệp, lệ thuộc vào đồng tiền của Mỹ. Đến sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975), cũng như tình cảnh chung của dân chúng đô thị Huế, người dân Thuận Lộc đa phần thất nghiệp, cuộc sống trở nên bấp bênh… Thành uỷ Huế chủ trương phải tìm cách tổ chức dạy nghề, tạo công ăn việc làm, nhất là với lớp trẻ, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân. Và, thêu là nghề đã “lọt mắt xanh” của các nhà quản lý…
 
Lộc, cán bộ văn hoá thông tin của phường dẫn chúng tôi chạy ngoắt ngoéo qua một loạt con đường trong thành nội để đến nhà ông Hoàng Khánh Tiết. Cán bộ tiền khởi nghĩa, nay đã 86 tuổi, ông Tiết được nhiều người xem như là “ngài thuỷ tổ” khai sinh ra làng thêu Thuận Lộc. Mắt đã kém, tai hơi lãng, nhưng ông vẫn đang còn rất minh mẫn. Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện nghề thêu, ông như trở nên hoạt bát hẳn. Mọi chuyện với ông như chỉ mới hôm qua.
 
Ông Tiết kể, thời điểm 1976, Huế có 12 phường thì cả 12 phường đều tổ chức thêu. So với các phường khác, thêu Thuận Lộc thuộc hàng “em út”, cứ đì đẹt mãi. Trong bối cảnh đó, ông Tiết, dù là cán bộ đã hưu trí từ năm 1973, vẫn được chọn mặt gửi vàng. Hợp tác xã thêu Thuận Lộc khi ông Tiết về tiếp quản có 120 xã viên, tổ chức sản xuất trong 3 gian nhà thuê lại của một trường học. Mới chân ướt chân ráo về bị người ta đòi lại nhà. Không còn chỗ sản xuất, ông Tiết phải dò hỏi, thuyết phục và được một vị linh mục tên là Tiếp bán chịu lại cho ngôi nhà ở đường Trần Xuân Soạn với giá 6 ngàn đồng bạc Bắc lúc đó; cộng với ngôi nhà được phường cho mượn nữa, vậy là chỗ cho xã viên làm việc tạm ổn.
 
 
Miệt mài với đường kim
 
Dưới sự điều hành của ông Tiết, HTX thêu Thuận Lộc bắt đầu làm ăn hiệu quả. Chỉ ít tháng sau, HTX đã trả xong số tiền nợ mua nhà. Vừa làm, HTX vừa mở các lớp đào tạo nghề thêu cho người mới. Tất thảy có 12 lớp được mở, đào tạo đến 1.200 người. Sáng tạo của HTX Thuận Lộc là vừa dạy thêu, vừa dạy bổ túc văn hoá và hoàn thành được chương trình cấp II cho xã viên. Số liệu còn lưu được tại UBND phường Thuận Lộc cho thấy, lúc cao điểm, số xã viên của HTX lên đến 1042 người. Đó là khống chế không nhận thêm, chứ người muốn vô thì còn rất nhiều. Một số người hồi ức vui: “Xã viên hồi nớ oai lắm, và không phải dễ mà vô được mô…”.
 
Xã viên đông, chỗ đâu ngồi làm việc? Một mặt, ông Tiết bàn với Ban chủ nhiệm tiến hành mua thêm một số căn nhà liền kề, mở rộng cơ sở sản xuất; một mặt chủ trương cho xã viên nhận hàng đem về nhà làm. Xã viên hơn ngàn người, nhưng nhiều người trong gia đình của xã viên cũng được truyền nghề và tham gia thêu nên thực tế người làm nghề thêu của Thuận Lộc phải nói là…hằng hà sa số. Khắp hang cùng ngõ hẻm của Thuận Lộc, đi đâu cũng thấy thêu và thêu. Cái tên Làng thêu Thuận Lộc ra đời từ đó.
 
Bằng tài hoa và sự tỷ mẩn của mình, những sợi chỉ màu qua tay của người thợ thêu Thuận Lộc đã hoá nên những hoạ phẩm kỳ ảo làm say lòng người. Hàng làm ra, được nhập cho Liên Xô và các nước Đông Âu XHCN. Tuy chỉ ăn phần trăm trên đầu sản phẩm với giá bao cấp, nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, công cán cộng với tem phiếu nhu yếu phẩm cũng cho người thợ thêu một cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều so với các ngành nghề lao động khác ... Thêu Thuận Lộc từ thứ hạng “em út” đã nhanh chóng vươn lên thành lá cờ đầu, thành một trong những điển hình kinh tế của tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. “Cánh đồng Thuỷ Dương làng thêu Thuận Lộc…”- Thêu Thuận Lộc từ đời thường đã bước vào thơ, nhạc. HTX vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III; được đón các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng…ghé thăm.
 
Bỉ cực qua đi, thái lai…chưa lại
 
Sau Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thị trường cho sản phẩm không còn, đời sống trong nước thì đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ai dám “chơi” món hàng xa xỉ như thêu? Đầu ra bí, thêu Thuận Lộc bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng. Thợ thêu giải nghệ tìm kế khác mưu sinh, nhiều người phải bỏ xứ tha phương cầu thực; HTX thêu chỉ còn hoạt động cầm chừng…. Tuy nhiên, đâu đó từ thẳm sâu, dòng máu nghề nghiệp vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của những người thợ thêu Thuận Lộc…
 
Làn gió đổi mới đã làm cho đời sống trong nước ngày mỗi trở nên dễ chịu hơn. Việt Nam giang rộng vòng tay chào đón bè bạn năm châu bốn biển cùng đến tụ hội, giao thương…, cũng đồng thời mở ra cơ hội để nghề thêu khôi phục và phát triển. Nhiều cá nhân đã biết nắm lấy cơ hội, mạnh dạn đầu tư, chủ động tìm kiếm thị trường và trở nên sống được với nghề thêu.
 
Cho đến bây giờ, thêu XQ, Kinh Đô, Khánh Hà, Hồng Phát… đã khẳng định thương hiệu và được nhiều người biết đến. Khách tham quan khi đến thăm những cơ sở này, nhiều người đã phải sửng sốt trước những tác phẩm nghệ thuật siêu hạng và nếu không mục sở thị thì có người không thể tin rằng chúng lại được dệt nên bằng mũi kim đường chỉ. Hàng thêu đã trở thành những tặng phẩm sang trọng, khó quên; trở thành một món quà mà bất cứ du khách nào cũng mong có được trong hành trang của mình khi trở về. Và, ít ai biết rằng, chủ nhân của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên vốn xuất thân từ làng thêu Thuận Lộc, mà Hoàng Lệ Xuân với một mạng lưới XQ đồ sộ khắp cả nước, một đội ngũ thợ thêu lên đến hàng ngàn người, những tác phẩm tranh thêu độc bản đẹp mê hồn là một ví dụ.
 
Còn ngay tại “bổn thổ” Thuận Lộc, vài năm lại đây, một số cá nhân, tập thể cũng mở những cơ sở thêu tại gia , tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động như các cơ sở của chị Hồng, chị Hoa, của chùa Tây Linh… Riêng HTX thêu Thuận Lộc, tuy chỉ hoạt động cầm chừng, nhưng khoảng giữa năm 2007 cũng nổi đình nổi đám với sự kiện được khách hàng Pháp- thông qua một doanh nghiệp trong nước- chọn đặt làm một món hàng đặc biệt. Đó là bức tranh thêu chân dung cựu Tổng thống Pháp F.Mitterand. Bức tranh cỡ 110 x 140 cm, được 6 thợ thêu của HTX tập trung thêu trong 2 tháng ròng rã với kỹ thuật thêu dấu nhân (x). Tác phẩm đã làm hài lòng khách hàng và được mang đi để trưng bày tại một bảo tàng của Pháp. Việc hoàn thành bức chân dung vị cựu tổng thống đáng kính của nước Pháp đã được nhiều tờ báo trang trọng đưa tin. Đó như một lời tái khẳng định thương hiệu và tài năng của những người thợ thêu Thuận Lộc.
 
Chúng tôi ghé thăm HTX thêu Thuận Lộc vang bóng một thời. Đập vào mắt là những ngôi nhà cũ liền kề nhau ở đường Thế Lữ - một con đường nhỏ và nằm khuất sau vùng thấp trũng Tây Linh. Không khí có vẻ yên ắng. Chủ nhiệm Thái Quang Châu cho hay HTX vừa mới tiến hành đại hội bầu Ban chủ nhiệm mới dạo cuối tháng 9-2008 với 32 xã viên và hiện đang tập trung tham gia một cuộc triển lãm của thành phố nên vắng. Dù đội ngũ đủ năng lực để sản xuất tất cả các loại sản phẩm cao cấp, nhưng hiện HTX vẫn đang phải thông qua một doanh nghiệp bên ngoài để nhận thêu hàng gia công cho Pháp. Ngoài ra tranh thủ làm một số mặt hàng như tranh, thêu túi xách... Thu nhập bình quân mới chỉ 800 ngàn-1 triệu đồng/người/tháng. Đó là một mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của dân Huế hiện tại.
 
Với việc tiến hành đại hội của HTX thêu Thuận Lộc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc đang rất nóng lòng muốn phục hồi lại làng thêu danh tiếng của địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh thái độ ủng hộ tối đa của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, ông Tuấn cũng thẳng thắn bày tỏ mối băn khoăn về phương thức hoạt động đang rất cũ của HTX hiện nay. “Làm thế nào để quảng bá rộng rãi thương hiệu, chủ động và phong phú hoá nguồn hàng; làm thế nào để mỗi xã viên thấy họ thực sự là người chủ của HTX, sống chết với HTX… đó là những điều phải động não ...” - Ông Tuấn bộc bạch.
 
Ngoài ra, một vị trí để vừa làm nơi sản xuất, trình diễn nghề, vừa làm nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm; một vị trí được xây dựng xứng tầm để các hãng lữ hành, các công ty du lịch đưa vào tour tuyến và tự hào giới thiệu với du khách về một nét văn hoá, một sản vật độc đáo của đất Thần kinh cũng là điều không thể không nghĩ tới. Và điều này đang rất cần sự quan tâm, tiếp sức của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Huế.
 
            Diên Thống-Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan
Return to top