ClockThứ Năm, 08/05/2014 10:55

Làng Lương Văn - nơi lưu giữ những tín ngưỡng dân gian đặc sắc

TTH - Làng Lương Văn (Thủy Lương, Hương Thủy) có thể được lập vào trước thế kỷ 16, vào năm 1553 sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An đã có nhắc đến tên làng. Hơn 400 năm, mặc cho những thay đổi của thời gian và lịch sử, tên làng vẫn còn là niềm tự hào của người dân trong vùng nói chung và có ý nghĩa quan trọng đối với những người muốn tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian ở Huế nói riêng.

Văn thánh miếu làng Lương Văn

Nét đặc biệt ở Lương Văn là nơi đây vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những vết tích của tín ngưỡng thờ tự thần linh trong dân gian. Ngoài đình là nơi thờ vọng chư thần, làng còn có các am miếu, văn thánh thờ riêng các thần kỳ trong làng xã. Trong khuôn viên đình có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Thiên Y A Na, đối diện cổng đình không xa là ngôi chùa làng cổ kính có tên là chùa Thiên Lương, nơi đây còn lưu giữ lại được một chiếc trống cổ có niên đại từ Cảnh Hưng thứ 28 (1767), trên trống có dòng chữ khắc: “Đinh Hợi niên, Phú Vang huyện, nội phủ, Lương Văn xã, Cai tri Phó tướng Hoàng Văn Ý, Dương Thị Thư phụng. Phật công bảo tự. Đại cổ nhất kiện. Cảnh Hưng nhị thập bát niên, ngũ nguyệt cát nhật cung”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ lại được hai bức sắc phong cho Quan Thánh đế quân có niên đại Duy Tân và Khải Định.

Làng vốn có truyền thống trọng văn và hiếu học nên trong làng có miếu thờ Khổng Tử hay còn gọi là Văn thánh miếu, gian giữa thờ đức Khổng Tử, hai bên tả hữu thờ Nhan Uyên và Mạnh Tử. Hậu tẩm là bài vị “Đại thành chí thánh tiên sư Khổng phu tử thần vị”. Cách một đoạn không xa đình là miếu Ngũ hành, nơi thờ phụng 5 bà tiên nương, đây là sự thần thánh hóa 5 yếu tố, tính chất tạo nên vạn vật: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cũng giống như các vùng làng quê khác ở Huế, làng Lương Văn có tục thờ thần Po-Inu-Nagar mà người Việt thường gọi là Thiên Y A Na. Miếu thần được thờ tại Lùm Giàng nên còn gọi là Miếu Bà Giàng, thuộc thôn Lương Hậu của làng. Trong miếu còn có khắc tên chữ Hán “Bố Y Na Miếu”, cạnh đó là bức tượng thần Shiva.

Ngoài các am miếu thờ như trên, làng còn thờ hai vị thần khác là thần Phi Vận tướng quân và thần Cao Các. Phi Vận tướng quân vốn là một vị quan đời Lê trông coi việc vận lương có tên là Nguyễn Phục, đỗ tiến sĩ năm 1471. Thần Cao Các chỉ một vị dương thần cai quản một vùng. Hai vị này được thờ như là phúc thần của làng.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, dòng văn hóa dân gian và tín ngưỡng dân tộc vẫn được duy trì và tiếp nối, làng Lương Văn trở thành một làng xã tiêu biểu nơi bảo lưu được những vết tích tín ngưỡng đặc sắc của vùng Huế. Tuy đô thị hóa đang tác động đến các vùng quê nhưng về Lương Văn, người ta vẫn thấy nề nếp xưa của làng vẫn được duy trì bền vững. Các họ tộc đoàn kết, dân trong xã hiền hòa, đúng như tên gọi Lương Văn vốn có.

Nguyễn Thị Xuân Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan

TIN MỚI

Return to top