ClockThứ Bảy, 20/08/2016 09:52

Lăng Chiêu Nghi - một di tích quý hiếm thời chúa Nguyễn

TTH - Theo các nhà nghiên cứu, lăng Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn tại Huế sau những biến cố cuối thế kỷ 18…

Tấm bia đá với bài minh nổi tiếng cao hơn 3m nay chênh vênh mất duyên bên con đường mới mở

Chuyển nhà lên sống miệt Nam Giao, buổi sáng tôi thường dậy sớm đi bộ thể dục. Lộ trình thường không cố định, tôi thường theo đường Lê Ngô Cát ngược lên Thủy Xuân, rồi lủi vào các ngõ xóm đi… lung tung. Vừa khỏi sợ xe cộ mà lại vừa được thoải mái khám phá một  miền quê yên bình đẹp như tranh vẽ ở sát nách thành Huế. Và trong những lần như thế, tôi chợt bắt gặp một khu lăng mộ xưa cổ với tấm bia đá cực lớn nằm nép mình bên một lối mòn nhỏ. Với vốn chữ Hán bập bõm, tôi ngớ người, hóa ra đây là lăng mộ bà Chiêu Nghi của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765, vị chúa thứ 8 trong 9 đời Chúa Nguyễn). Và tấm bia đá sừng sững trước mặt tôi chính là tấm bia khắc bài minh của Võ Vương khóc người vợ yêu, một áng cổ văn hiếm gặp về tình nghĩa vợ chồng của bậc quân vương còn lưu lại hậu thế. Khu lăng mộ này tôi đã từng nghe qua, nhưng quả thật vẫn còn mù mờ về vị trí chính xác nơi tọa lạc. Cứ ngỡ nó phải ở nơi nào đó thâm sơn cùng cốc, không dè chỉ cách nhà mình chỉ non cây số…
 

Nấm mộ 2 tầng đơn sơ

Bà Chiêu Nghi tên thật là Trần Thị Xạ, người xã Trung Quân, huyện Khang Lộc, đến thời Minh Mạng được đổi là huyện Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bà sinh năm Bính Thân (1716). Do có nhan sắc đức hạnh, 20 tuổi bà được chọn vào Thanh cung hầu Tiềm để. Rồi cũng nhờ dung hạnh, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc, biết chiều chuộng nên bà được Chúa rất sủng ái. Khi Võ Vương lên ngôi, bà được tấn phong Quý nhân. Bà sinh hạ được 4 công tử và 2 cung nữ, “thảy đều tư chất rỡ ràng như ngọc đúc, thiên hương ngọt ngào tựa gấm thêu”. Ngày 22/7 Canh ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), bà bệnh nặng, không chạy chữa khỏi và qua đời khi mới 35 tuổi. Chúa rất thương tiếc, sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân, thụy Từ Mẫn. Lăng táng tại làng Dương Xuân (Hương Thủy, Thừa Thiên - nay thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế). Chúa còn cho dựng bia lớn trước lăng, ghi lại công hạnh và niềm tiếc thương đối với bà. Tấm bia bằng đá, dựng trên bệ, cao 3,1m, rộng 1,4m, có nhà bia nay đã sập, tấm bia trơ gan cùng tuế nguyệt đã gần 300 năm nhưng nét chữ, các hoa văn chạm khắc vẫn còn rất rõ.

Một góc bức thành phía tây nam có thể sụp đổ bất cứ lúc nào

Khu lăng mộ được bao bọc bởi 2 vòng thành bằng gạch, vòng ngoài có 2 trụ cổng, vòng trong có cổng vòm ra vào. Chiếm phần lớn diện tích bên trong, hơi dịch về phía sau là một nền vôi, đắp cao chừng 0,6m, trên nền ở trung tâm là nấm mộ nhỏ 2 tầng hình chữ nhật được xây bằng gạch, trát vôi. Lớp vôi bong lộ cho thấy tầng dưới được xây bởi 3 lớp gạch, đặt nằm, tầng trên nhỏ và thấp hơn. Số liệu đo đạc điền dã của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh (Huế) cho biết, vòng thành ngoài của lăng có kích thước 39mx33m, cao 1,79m; vòng thành trong 16mx9m80, cao 1,68m; cổng vòm ra vào cao 1,9m, rộng 1,31m. Nhà bia dựng cách vòng thành ngoài 8,27m. Văn bia chữ Hán dài 883 chữ, khắc theo lối chân phương. Trên đầu bia có dòng chữ Hán đề “Việt cố Quý tần tặng Chiêu Nghi Từ Mẫn Trần liệt phu nhân chi mộ”( Mộ bà phu nhân họ Trần, Quý tần cũ nước Việt, tặng Chiêu Nghi thụy Từ Mẫn)…

Các nhà nghiên cứu khẳng định, lăng mộ bà Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn tại Huế sau những biến cố với nhà Trịnh, đặc biệt là với nhà Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18. Sau khi Gia Long Nguyễn Ánh hoàn thành đế nghiệp, kiến trúc lăng mộ Chiêu Nghi Phu nhân chính là hình mẫu để triều đình tham khảo, phục chế lăng tẩm các tiền nhân thời chúa Nguyễn đã bị hủy hoại. Tại sao tất cả lăng mộ của vương tộc nhà Nguyễn đều bị phá hủy, riêng lăng mộ bà Chiêu Nghi thì không bị xâm hại cho đến nay vẫn là một ẩn số đối với giới nghiên cứu. Chính vì những lý do trên, thiết nghĩ lăng mộ Chiêu Nghi rất đáng là một di tích cần được quan tâm quản lý, gìn giữ như một “tiêu bản” kiến trúc quý hiếm thời chúa Nguyễn để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn về sau.

Tiếc là những gì chúng tôi mục kích lại cho thấy di tích này hình như vẫn chưa được chăm sóc, quan tâm đúng mực. Con đường nhỏ trước lăng được mở rộng, đúc bê tông cách đây chừng 2 năm. Để làm đường, người ta đã bạt đất, hạ cốt nền ngay gần sát chân tấm bia quý khiến cho tấm bia trở nên chênh vênh và “mất duyên” đến mấy phần. Chưa kể sau này nếu nhà bia được phục chế thì không biết phải làm thế nào. Trong lúc đó, con đường hoàn toàn có thể dịch xa ra một chút bởi phía trước bia chỉ là hàng rào bụi rậm, kế liền là cả một khoảng đất trống chủ yếu chỉ trồng cây sả, không vướng bất cứ công trình nào. Mặt trên của các vòng thành, do tác động của thời gian, mưa gió, một vài lớp gạch đã bong tróc, số nằm yên vị, số rơi vãi ngổn ngang. Nặng nhất là góc tây nam của vòng thành ngoài, đã bị sụt lún, gãy vỡ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đã thế, người dân còn tận dụng tất cả diện tích có thể của khu lăng mộ để canh tác các loại hoa màu. Nhiều gia đình xung quanh còn mang những đồ tự khí “hết đát” đến “gửi” cho lăng, cánh xì ke ma túy cũng tận dụng nơi đây làm chỗ chích choác, ống kim tiêm được người ta gom nhặt, chất đống ngay cạnh cổng vòm. Quang cảnh trông hết sức phản cảm, tội nghiệp!

Có thể vì chưa được xếp hạng nên khu lăng mộ Chiêu Nghi chưa nằm trong số các di tích được quản lý (?). Tuy nhiên, với giá trị nhân văn, giá trị lịch sử của tự thân di tích, thiển nghĩ, các cơ quan văn hóa hữu quan cũng rất nên có động thái tham mưu phù hợp để có sự giữ gìn, bảo quản nhất định. Tránh trường hợp đến khi “để mắt” thì khu lăng mộ đã bị xâm hại, bị xuống cấp đến độ thành phế tích.

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức quân đội và việc thực thi chủ quyền biển đảo dưới thời các chúa Nguyễn

Cùng với công cuộc Nam tiến, các chúa Nguyễn đã từng bước xây dựng quân đội hùng hậu, một mặt bảo vệ biên giới phía Bắc, chống vua Lê - chúa Trịnh. Để tiến hành được cuộc Nam tiến, lực lượng quân đội này phải đủ mạnh để bảo vệ người dân, gây ảnh hưởng đến các vùng mới vừa thuộc về xứ Đàng Trong. Ngoài ra, còn đủ sức răn đe sự khiêu khích của tàu thuyền nước ngoài trên mặt biển.

Tổ chức quân đội và việc thực thi chủ quyền biển đảo dưới thời các chúa Nguyễn
Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là một nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ông được đánh giá là vị “Anh hùng mở cõi vĩ đại”, người đặt nền móng cho cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn ở đất phương Nam và cho sự hình thành của vùng đất Đàng Trong trong các thế kỷ XVI-XVIII.

Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam
Thăm cố hương Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy

Từ bối cảnh lịch sử đặc thù gắn liền xu hướng về Nam của dân tộc, xứ Thanh, xứ Nghệ rồi xứ Huế, xứ Quảng dần đảm trách vai trò tiền đồn, trở thành đất trung chuyển cho các thế hệ tiền nhân mở cõi. Đến thời Nguyễn, chính sức hút của Kinh đô Huế đã hội tụ nhiều nhân tài trở lại, như trường hợp Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Thượng thư Lê Quang Định, Tả quân Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy - thân phụ của cụ Đồ Chiểu...

Thăm cố hương Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy
Dâng hương nhân húy kỵ các vị chúa Nguyễn

Sáng 29/6 (nhằm ngày 20/5 Âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tổ chức lễ dâng hương nhân húy kỵ 476 năm ngày băng hà của đức Triệu tổ Tĩnh hoàng đế (húy Nguyễn Kim) và 256 năm ngày băng hà của đức Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Khoát).

Dâng hương nhân húy kỵ các vị chúa Nguyễn
Return to top