ClockThứ Bảy, 15/03/2014 06:30

“Làm mới cái cũ” để góp phần phát triển du lịch

TTH - Có một điều lạ là trong hoạt động của mình các đơn vị, tổ chức, ban, ngành… cứ loay hoay đi tìm cái mới, trong khi cái cũ, việc đang làm thì làm chưa đến nơi đến chốn (thậm chí là làm lấy lệ theo lối hình thức). Đành rằng, sự sáng tạo là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng mang tính kế thừa, hay nói cách khác là cái mới bắt đầu từ cái cũ. Do vậy, làm mới những việc cũ chính là sự sáng tạo mang tính khả thi. Hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nói riêng trong việc đồng hành với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, cũng không nằm ngoài suy nghĩ ấy. Vấn đề đặt ra ở đây là làm mới những cái cũ, việc đang làm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để góp phần phát triển du lịch nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để vừa đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.

 

 
Với 34 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã từng bước khẳng định vị thế và vai trò của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh (trong đó có du lịch); Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu thì còn nhiều bất cập, hạn chế, cần phải trăn trở, tìm tòi để phát huy.
Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng công trình hỗ trợ chỉnh lý, phục hồi ảnh trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh làng Dương Nỗ (Phú Vang). Ảnh: Diên Thống
 
Đầu tiên là việc tổng kết và đánh giá lại “vốn liếng” đang có của Bảo tàng (bao gồm nhà bảo tàng và các di tích) gắn liền với rà soát lại số lượng khách tham quan du lịch (trong nước và nước ngoài) đến với bảo tàng và di tích trong vòng 10 năm trở lại đây tăng, giảm như thế nào, từ đó rút ra đặc điểm gì cần lưu ý đối với khách du lịch (như họ quan tâm đến vấn đề gì nhất, thành phần tham quan, thời gian nào trong năm là đông nhất, khách nước nào đến nhiều…), để từ đó làm mới nội dung trưng bày và cách thức phục vụ, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của từng loại khách du lịch (khai thác phù hợp và có hiệu quả cái mình đang có để đáp ứng cái mà khách cần).
Làm mới nội dung trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế không phải là làm mới toàn bộ cả 8 chủ đề, mà chỉ lựa chọn 2 chủ đề riêng có để làm mới, tạo điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách tham quan, du lịch. Đó là chủ đề “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế” và “Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ”.
Đối với chủ đề “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế” do phần hồn của chủ đề này chứa đựng ở các di tích (112 Mai Thúc Loan, Quốc Học, Dương Nỗ, địa điểm chống thuế Tòa Khâm…) với nội dung và giải pháp trưng bày hiện tại là phù hợp, tuy nhiên cần nghiên cứu để bổ sung thêm phần âm thanh (tiếng gió, tiếng chim, tiếng trò chuyện của hai anh em và cha mẹ…) trong tổ hợp không gian hình tượng “con đường thiên lý”; phối hợp với Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế để dựng lại vở kịch ngắn của tác giả Ngọc Tranh “Có một người con như thế”; rồi trích đoạn video clip cảnh Bà Loan mất, Nguyễn Sinh Cung bế em Xinh đi xin sữa, và tình cảm cưu mang của bà con lối xóm… để làm đậm hơn tổ hợp trưng bày về 112 Mai Thúc Loan; Với nội dung trưng bày Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế ở Tòa Khâm Sứ, nên lựa chọn trích đoạn diễn tả sự kiện này ở bộ phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn, và mới đây là bộ phim Nhìn ra biển cả, để làm sinh động, lôi cuốn hơn.
Đối với chủ đề “Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ”, đồng thời với việc tiếp tục nghiên cứu, xác minh, lựa chọn những hiện vật mới sưu tầm để bổ sung cho nội dung trưng bày này, nên tổ chức gặp các nhân chứng còn sống liên quan đến hiện vật đang trưng bày để ghi lại hình ảnh và lời kể của họ, như nữ anh hùng Kan Lịch với chiếc đài (Radio) Bác tặng… để thay cho việc thuyết minh những hiện vật đó, có nghĩa là làm cho những hiện vật lặng im nằm trong tủ kín cất lên tiếng nói chân thực của lòng mình.
Làm mới nội dung trưng bày ở bảo tàng xin gợi lên một vài điều như thế, còn đối với các di tích về Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế thì sao? Như đã nêu ở trên, làm mới nội dung trưng bày “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế” liên quan chặt chẽ và mật thiết với các di tích. Tuy nhiên, làm mới nội dung trưng bày ở bảo tàng, khác làm mới ở các di tích. Về cơ bản là không nên làm mới các di tích theo suy diễn chủ quan, mà phải đảm bảo giữ yếu tố gốc của di tích; Hiện tại các di tích của Bác Hồ và gia đình Người ở Huế đã bảo tồn và phát huy theo nguyên tắc ấy. Có chăng nên tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những mẫu chuyện phù hợp gắn với di tích, để đưa vào nội dung thuyết minh, làm sinh động và sâu sắc thêm hồn vía của di tích, đồng thời với việc chăm sóc cây cảnh, sân vườn, tạo cảnh quan môi trường tự nhiên trong lành và thân thiện với di tích.
Đồng thời với việc làm mới nội dung trưng bày ở bảo tàng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích một cách khoa học và hợp lý, là việc nghiên cứu đổi mới cách thức phục vụ khách tham quan, du lịch sao cho phù hợp và có hiệu quả cao hơn.
Từ việc đảm bảo nghiêm túc giờ giấc theo quy định (có linh hoạt theo yêu cầu chính đáng của khách du lịch) đến trang phục của hướng dẫn viên phải trang nhã, phù hợp với văn hóa Huế, thái độ đón tiếp khách phải niềm nở, và đặc biệt là nên xây dựng từ hai đến ba thuyết minh cho nội dung trưng bày hiện có để chủ động ứng xử, đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng khách du lịch tương ứng với thời gian cụ thể. Để làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo bảo tàng trong việc tuyển chọn cán bộ thuyết minh (chuẩn cả về hình thức và kiến thức chuyên môn), thường xuyên chăm lo bồi dưỡng vật chất và tinh thần, kiểm tra để chấn chỉnh cách thức phục vụ…; Nhưng trên hết và trước hết vẫn là trách nhiệm trực tiếp của cán bộ phòng Tuyên truyền, Hướng dẫn của bảo tàng. Mỗi người phải tự mình rèn luyện, tu dưỡng, nỗ lực vươn lên, phải thật sự yêu và đam mê công việc đang làm, phấn đấu trở thành những cán bộ hướng dẫn “đẹp người, giỏi chuyên môn, tinh thông kiến thức xã hội”, thật sự là điểm sáng, chủ nhân quyến rũ gọi mời khách du lịch đến với bảo tàng ngày một đông hơn.
Sau khi tự làm mới về nội dung trưng bày và cách thức phục vụ, tiếp theo là đổi mới việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của bảo tàng và di tích đối với việc thu hút khách du lịch. Một vài câu hỏi được đặt ra là: Bảo tàng Hồ Chí Minh và di tích về Người nằm ở đâu trên bản đồ du lịch Thừa Thiên Huế? Ai là người đưa khách đến và họ thường đưa đến bằng cách nào?...; trả lời các câu hỏi này, không gì khác hơn là bên cạnh việc tiếp tục duy trì việc tuyên truyền qua báo chí và truyền thông, tờ gấp, trang thông tin điện tử, phối hợp chặt chẽ với hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước để cập nhật và chia sẻ thông tin về lượng khách du lịch, nên chủ động đề xuất với lãnh đạo Sở VH,TT&DL chủ trì một hội nghị với các doanh nghiệp lữ hành đóng trên địa bàn tỉnh, để bảo tàng giới thiệu về mình (nhất là cái đặc sắc riêng có đã làm mới), nghe ý kiến đóng góp của các nhà chuyên nghiệp về lữ hành, để từ đó xây dựng các tua, tuyến phù hợp (chủ yếu là lồng ghép như khách du lịch nước ngoài qua cảng Chân Mây, khách Thái Lan, Myanma, Lào qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây…) để họ đưa khách du lịch đến với bảo tàng và di tích.
Để tạo điều kiện cho bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tự làm mới mình trong việc thu hút khách du lịch đến với bảo tàng và di tích cần lắm sự quan tâm của các cấp lãnh đạo (trực tiếp là lãnh đạo Sở VH,TT&DL), sự phối hợp của một số ngành có liên quan. Từ việc tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí thỏa đáng để nâng cấp nội dung trung bày, và chống xuống cấp di tích, chỉ đạo các ngành khi đăng cai tổ chức hội nghị (khu vực, trong nước và quốc tế) nên đưa vào chương trình đến thăm bảo tàng và các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế, đến việc nghiên cứu để tăng thêm một khoản thu nhập (ngoài lương) đối với cán bộ, viên chức bảo tàng Hồ Chí Minh, nhằm động viên, khích lệ họ yên tâm gắn bó lâu dài, tìm tòi và sáng tạo trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trên quê hương Thừa Thiên Huế.
Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ
Return to top