ClockChủ Nhật, 19/11/2017 11:22

Lá sôn nấu với lóc đồng…

TTH - Mưa gió lũ lụt khiến bụi lá sôn nơi góc vườn vật vờ nằm rạp ra đất. Mạ thấy “tội”, nên mang tơi đội nón ra vườn, lụi cụi cắm cọc chống cho cây khỏi ngã. Bởi thiếu nó, món canh chua của mạ răng mà “thi triển” cho được.

Bí quyết để nấu ngon là lá sôn sau khi rửa sạch phải vò sơ...

Không biết từ khi nào mà góc vườn phía sau nhà có bụi sôn sum sê lá. Mạ nói chẳng ai trồng, cây tự mọc. Vậy nên, hết mùa này qua mùa khác, cây hết mọc lại tàn, tàn lại mọc, cứ như thể cái khoảnh đất ấy, cây sôn kia đã đánh dấu địa bàn, không cho kẻ khác xâm lấn.

Mà lạ lắm nghe, quanh xóm chỉ mỗi nhà mình có bụi lá sôn. Nên hàng xóm muốn ăn, ngại lên rẫy hái, thế là sang vườn nhà mình xin ngắt một nạm. Nhiêu đó là đủ nấu nồi canh chua. Mà món canh chua lá sôn của mạ ngon "dễ sợ", ăn chỉ có nước ngậm mà nghe. Mợ ba ở Sài Gòn ra chơi mấy bữa, đâm ghiền luôn món canh chua lá sôn của mạ. Hôm quay lại Sài Gòn, nhất định “bới” theo bằng được một gốc sôn.

Mấy nay mưa gió liên miên, nước đầu nguồn đổ về đục ngầu. Mưa dầm dề cũng khiến nước ngoài bàu đầy ăm ắp. Cá mú ngoài đồng theo con nước, chạy hết ra sông. Anh hai cất rớ gần khe, được mấy chén cá lụn mụn mang về cho mạ kho khô. Riêng con cá lóc to bằng cổ tay thì nhất định đòi mạ nấu canh chua cho bằng được. Mạ cười, bảo canh chua phải ăn ngày trời nóng mới ngon vị. Trời lạnh se se vầy, ăn canh chua mô có hợp. Nhưng anh hai đâu có chịu. Lỡ thèm rồi, thôi thì bất chấp thời tiết. Nói đoạn, liền trùm áo mưa lủi nhanh ra vườn hái nạm lá sôn, luôn tiện ngắt luôn mấy ngọn ngò gai để nêm cho nồi canh dậy mùi.

Cây sôn thuộc loại thân leo, có gai. Nên mỗi lần hái lá cũng phải cẩn thận lắm, không thì bị gai cào rách tay. Đọt lá sôn cũng dai lắm nghe, ngắt bằng tay chỉ có nước ngắt xíu xiu đọt non phía trên. Muốn ngắt đọt dài một tí, phải mang theo dao hoặc kéo. Anh hai chuyên gia lười, nên có khi phải dùng miệng cắn cắn mới đứt, có bữa bị gai đâm rách cả môi. Mạ xót lòng, cứ xuýt xoa, nhưng miệng vẫn nói cứng: “rứa cho chừa”.

Lá sôn có dáng 5 thùy hình chân vịt. Lá càng già, gai càng nhiều, nên chỉ dùng lá non nấu canh. Lá sôn có vị chua nhè nhẹ, thanh tao. Canh chua lá sôn hợp với nhiều loại cá sông như cá diếc, cá bống, cá ngạnh, nhưng ngon nhất vẫn là cá lóc đồng.

Món canh chua lá sôn cá lóc, mạ nấu đơn giản lắm. Cá lóc làm sạch, cắt khúc, ướp gia vị từ 15 – 20 phút cho thấm. Hành tím thái mỏng, phi thơm rồi cho cá vào đảo đều, bật lửa liu riu, cho xíu xiu nước vào um chừng 3 phút cho cá chín, sau đó cho vào lưng tô nước nấu sôi rồi thả nắm lá sôn vào, thêm ít ngò gai cắt nhỏ và ít hạt tiêu. Chỉ cần nêm nếm vừa ăn là có một tô canh cá lóc lá sôn đậm đà, khác hẳn khi nấu với măng chua, hay thơm cà.

Mạ nói, bí quyết để nấu ngon là lá sôn sau khi rửa sạch phải vò sơ, canh nấu chín cho thêm 1 quả ớt đỏ bỏ hạt, cắt lát cho đủ vị. Một tô canh đúng chuẩn là hội đủ 4 vị chua, cay, mặn, ngọt. Người nấu khéo, sẽ biết gia giảm để 4 vị hòa lẫn mà không khắc chế nhau. Quá chua, quá cay, hay quá mặn, quá ngọt đều khiến nồi canh hỏng vị.

Đó, mình đã truyền lại bí kíp của mạ. Ngoài kia vẫn còn mưa lũ, chắc chắn ngoài chợ không thiếu cá lóc đồng. Ai muốn ăn canh chua lá sôn nấu cá lóc đồng, thì chạy ra chợ ngay. Nếu không hái được lá sôn, thì ghé qua vườn nhà mình, chi chơ lá sôn thì không thiếu.

Bài, ảnh: LINH CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top