ClockThứ Bảy, 06/02/2016 17:28

Không phải là giấc mơ

TTH - Một giấc mơ ám ảnh những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi: Một ngày nào đó Huế thực sự trở thành một thành phố của bảo tàng, thành phố của di sản, thành phố của lễ hội, là điểm đến được khát khao nhất của mọi du khách trong và ngoài nước.

Phục sinh

Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất với nhiều đổi thay, và một trong những sự đổi thay kỳ diệu nhất là sự phục sinh của di sản văn hóa Huế. Từ trong đổ nát hoang tàn và sự lãng quên, di sản ấy đã hồi sinh mạnh mẽ và ngày càng chứng tỏ được những giá trị vô song; Quần thể di tích cố đô, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn lần lượt được thế giới công nhận và tôn vinh. Di sản của quá khứ đã làm thay đổi nhận thức của các thế hệ đương đại và đang dẫn dắt họ bước vào tương lai một cách vững vàng, tự tin hơn.

Vàng Son. Ảnh: Đ. Trà

Nhưng vẫn còn quá nhiều thứ Huế đang cần làm và phải làm để bảo tồn các di sản quý giá ấy một cách bền vững, không chỉ cho các thế hệ mai sau mà cho chính sự phát triển của hiện tại. Để bảo tồn, phục hồi cả một hệ thống di sản vật chất đồ sộ của kinh đô Huế xưa gồm cung điện, thành quách, đàn miếu, chùa quán, lăng tẩm, phủ đệ, nhà vườn, cầu cống, thủy hệ… và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn. Thế nhưng trong suốt mấy chục năm qua, nguồn vốn đầu tư cho công việc ấy chỉ tương đương với số tiền làm một cây cầu cỡ vừa! Chính vì vậy, vẫn còn hàng chục công trình kiến trúc cổ đang bị xuống cấp nặng nề hay bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai cần được trùng tu, nghiên cứu phục hồi; hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong vùng lõi di tích; vô số các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu vẫn đang trong tình trạng thất tán hay có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Hệ thống di tích, di sản trên phạm vi toàn tỉnh chưa được quy hoạch và kiểm kê đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa vẫn còn quá thiếu và yếu. Cố đô Huế chưa có hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, thư viện, nhà hát, trung tâm hội nghị hội thảo đúng tiêu chuẩn và tương xứng với tầm vóc. Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch cũng đang còn thiếu, nhất là các nhà hàng cao cấp, điểm tiếp đón và bán hàng lưu niệm cho du khách… Ngành văn hóa-du lịch của vùng đất Cố đô vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn bởi khó khăn và phát triển chưa xứng với tiềm năng!

Cần sự đổi thay mạnh mẽ

Làm thế nào để khắc phục được các khó khăn, vượt qua trở ngại để phát triển nhanh và bền vững? Đó là bài toán rất khó nhưng không phải không có lời giải! Đã đến lúc cần có một sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận các vấn đề; cần phải quyết tâm và quyết liệt để biến giấc mơ thành hiện thực. Và có làm được điều đó hay không, cũng là do người Huế quyết định!

Sự hồi sinh mạnh mẽ của di sản văn hóa Huế những năm qua góp phần quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch dịch vụ; là nền tảng để xây dựng nên thương hiệu Huế- thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa Đông Á. Công tác bảo tồn các di sản văn hóa của Cố đô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UNESCO đánh giá rất cao; tuy nhiên, để phát huy mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của di sản cho sự phát triển thì cần có một định hướng đúng đắn, những giải pháp phù hợp và sự đầu tư tương xứng.

Việc Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đưa Di sản và Văn hóa lên làm mục tiêu hàng đầu rõ ràng là sự định hướng phù hợp và xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn. Ngay trong thời điểm then chốt này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chương trình trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có chương trình phát triển du lịch, dịch vụ. Ở lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, song song với việc xây dựng kế hoạch trung hạn (2016-2020) với hàng chục dự án trùng tu quan trọng, một đề án quy mô lớn với mục tiêu giải tỏa, ổn định cuộc sống cho hơn ngàn hộ dân cư trong vùng lõi di tích Kinh thành, chỉnh trang đô thị, tạo thêm sức hút cho du lịch và các hoạt động dịch vụ đã được khẩn trương xây dựng với vai trò chủ chốt của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Nếu thành công, đây sẽ là đề án trùng tu di sản gắn liền với chỉnh trang đô thị lớn nhất từ trước đến nay, là bước đột phá mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực bảo tồn di sản mà còn cả trong việc phát triển kinh tế du lịch dịch vụ của tỉnh.

Tương lai không xa, du khách có thể dạo quanh bốn mặt Thượng thành với chu vi gần 10km, cũng có thể bơi thuyền quanh hệ thống sông Hộ thành, vào Ngự hà với nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, với việc phục hồi những công trình di sản nổi tiếng, như điện Cần Chánh, lầu Kiến Trung, các khu vườn thượng uyển Thiệu Phương, Cơ Hạ… khu vực Hoàng cung Huế sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn. Việc xây dựng một Bảo tàng cổ vật cung đình đúng nghĩa để đưa hàng ngàn cổ vật quý hiếm ra trưng bày cũng sẽ tạo nên một điểm nhấn đặc biệt bên trong khu vực Kinh thành…

Không phải là giấc mơ cổ tích, mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong vài năm đến...

Phan Thanh Hải

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top