ClockThứ Sáu, 26/10/2018 13:00

“Khoảng trống” trong quản lý du lịch

TTH - Mới đây, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport Chi nhánh Huế tổ chức các tour du lịch trái quy định. Qua sự việc này cho thấy, còn khá nhiều “khoảng trống” trong quản lý du lịch hiện nay.

Du lịch thân thiệnHuế chính thức có Hội Lữ hành

Khó phát hiện

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, để một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành du lịch đúng quy định, trước tiên sẽ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, tùy vào mỗi lĩnh vực khách nhau mà DN phải đăng ký thêm hoạt động kinh doanh tại các phòng chuyên môn của Sở Du lịch. Cụ thể, nếu kinh doanh lĩnh vực lữ hành thì đăng ký tại phòng quản lý lữ hành; nếu kinh doanh lưu trú, đăng ký tại phòng quản lý lưu trú của sở; còn nếu kinh doanh vận tải du lịch thì đăng ký tại Sở Giao thông và Vận tải để quản lý chặt chẽ hơn.

Sau hai tháng hoạt động trái quy định, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport bị phát hiện và chấm dứt hoạt động

Luật Du lịch 2017 có thêm một quy định mới về hoạt động lữ hành, đó là phải ký quỹ kinh doanh. Đối với lữ hành nội địa, ký quỹ 100 triệu đồng, thay vì không phải ký quỹ như trước đây; mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng và mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch từ trong nước ra nước ngoài là 500 triệu đồng. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo trong kinh doanh.

Trường hợp của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport có đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (26/6/2018), nhưng không đăng ký hoạt động với Sở Du lịch là sai quy định và cũng không ký quỹ để hoạt động. Thực tế cho thấy, việc phát hiện sai phạm của công ty này từ phía cơ quan Nhà nước khá bị động, phải đợi gần 2 tháng hoạt động, có sự phản ánh của khách hàng thì cơ quan quản lý mới phát hiện và tiến hành kiểm tra.

Theo Thanh tra Sở Du lịch, nếu một DN lữ hành nào đó cố tình vi phạm những quy định trên thì đúng là mất một thời gian, đợi khi các DN treo pa nô, bảng quảng cáo lên, lực lượng liên ngành mới có thể phát hiện và tiến hành kiểm tra. Để phát hiện một trường hợp cố tình vi phạm, nếu nhanh sẽ mất 1-3 tháng, còn lâu hơn có khi mất cả năm. Trường hợp Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport vi phạm vừa qua là thuộc dạng bị “tuýt” còi sớm. “

Sự phối hợp giữa địa phương có các DN hoạt động trái quy định với các cơ quan quản lý về du lịch cũng đang gặp nhiều trở ngại. Ông Lê Ngọc Sanh cho hay, các địa phương sẽ không biết DN đó hoạt động đúng quy định hay không. Về thẩm quyền, địa phương cũng không thể thanh kiểm tra mà chỉ có thể kiểm tra trách nhiệm một vài khoản thuế nhất định nào đó.

Tăng cường thanh kiểm tra

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, giải pháp quan trọng nhất để quản lý  hoạt động kinh doanh du lịch chặt chẽ hơn là tăng tần suất các đợt thanh kiểm tra. Định kỳ, thanh tra du lịch sẽ tiến hành thị sát tại các địa bàn, đối chiếu giữa danh sách đã đăng ký hoạt động kinh doanh du lịch và thực tế. Một giải pháp nữa là tăng cường các hình thức tiếp nhận những phản ứng của người dân và du khách thông qua việc đặt tour tại các DN.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho rằng, qua sự việc của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport du khách và người dân khi đặt tour, hoặc sử dụng dịch vụ nên tìm hiểu trước thông tin của DN. Chẳng hạn như khi đặt tour nước ngoài thì cần chọn những lữ hành đăng ký hoạt đông kinh doanh quốc tế. Nếu du khách, người dân nào thắc mắc hoặc muốn xác định lại thông tin có thể liên hệ với Sở Du lịch thông qua đường dây nóng, fanpage của sở để được giải đáp. Thời gian qua, đã có nhiều người nhờ tư vấn về tour tuyến và các DN uy tín tại Huế hiện nay để chọn đặt tour.

Các DN du lịch cho rằng, đối với DN cố tình vi phạm, lừa đảo khách hàng thì phải xử phạt nghiêm. Nếu nghiêm trọng thì có thể củng cố hồ sơ truy tố hình sự. Chỉ khi mạnh tay với những trường hợp vi phạm mới có thể răn đe những cá nhân, tập thể kinh doanh bất chính, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung.

Một giải pháp nữa mà theo chúng tôi có thể thực hiện được, đó là tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý dọc về du lịch. Trên thực tế, DN mới mở trên địa bàn thì địa phương đó đều nắm được. Muốn xác minh có hoạt động đúng quy định hay không, chỉ cần thông báo với cơ quan quản lý về du lịch là có thể xác định. Từ đó, có thể ngăn chặn sớm các hành vi kinh doanh trái quy định.

Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport Chi nhánh Huế đã sử dụng hình thức mời các cựu chiến binh đi du lịch miễn phí, để bán các sản phẩm điện tử và thực phẩm chức năng với giá cao gấp nhiều lần. Căn cứ vào những quy định tại Điều 42, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ, công ty đã vi phạm không thực hiện chế độ lập, lưu trữ hồ sơ theo quy định; không có hợp đồng bằng văn bản với khách; không phân công, sử dụng hướng dẫn viên du lịch và bị phạt hành chính 24 triệu đồng. Mức phạt này được cho là chưa "tương xứng" với hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top