ClockChủ Nhật, 17/05/2020 21:24
LẬP QUỸ RỦI RO TRONG DOANH NGHIỆP DU LỊCH:

Khó hiện tại, nhưng cần cho tương lai

TTH - Từ sự cố dịch bệnh COVID-19 đã chứng minh, với những doanh nghiệp (DN) có xây dựng được quỹ dự phòng rủi ro, sẽ giảm bớt được khó khăn, đặc biệt, duy trì việc trả lương và giữ chân nguồn lao động.

Huế đã sẵn sàng đón khách nội địa trở lạiHơn 22 nghìn lượt khách đến tham quan di tích dịp nghỉ lễKhoảng 12.500 khách du lịch đến Huế trong dịp lễ 30/4 và 1/5

Du khách bắt đầu quay trở lại Huế du lịch (Khách đến Huế dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5)

Biết, nhưng chưa xây dựng được

Trong chuyến khảo sát, nắm bắt những khó khăn của DN du lịch Huế do dịch bệnh gây ra cuối tháng 4/2020 của lãnh đạo Sở Du lịch, có một điểm chung được chỉ ra là đối với các DN có hình thành được quỹ dự phòng, quỹ quản lý rủi ro vẫn duy trì trả lương cho nhân viên. Dù thấp hơn so với trước, song đó cũng là khoản thu nhập chấp nhận được và quan trọng hơn, giúp DN giữ được lao động qua mùa dịch.

Một điểm chung nữa là những DN có xây dựng được quỹ rủi ro chủ yếu là các tập đoàn, các công ty lớn, hoặc là các công ty phát triển theo mô hình của nước ngoài, hoặc có liên doanh với nước ngoài. Từ thực tiễn dịch bệnh cho thấy, DN xây dựng quỹ dự phòng rủi ro có “sức đề kháng” tốt. Theo Sở Du lịch, dù đóng vai trò quan trọng trong những tình huống khó khăn bất ngờ xảy đến, nhưng hiện có đến hơn 95% DN ở Huế chưa hình thành được quỹ dự phòng rủi ro này.

Một DN lưu trú trên đường Lê Lợi cho biết, nguồn kinh phí của DN chủ yếu thu từ các dịch vụ phục vụ du khách nên khi tạm dừng đón khách, đồng nghĩa không có nguồn thu. Do đó, DN buộc quyết định chỉ giữ và trả 50% lương cho các cán bộ chủ chốt trong khách sạn, còn lại buộc phải nghỉ không lương, hoặc chấm dứt hợp đồng để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Về nguồn quỹ dự phòng, DN này cho hay, tuy có biết nhưng chưa xây dựng được vì nhiều lý do.

Trong khi đó, một DN lữ hành đóng trên đường Chu Văn An, TP. Huế cũng thừa nhận, khi mới thành lập công ty cách đây hơn 5 năm, quỹ dự phòng rủi ro là đề mục được xác định xây dựng. Sau một thời hoạt động, DN đã quên việc xây dựng nguồn quỹ.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế phân tích, đã kinh doanh du lịch, chắc chắn 100% DN sẽ nắm rõ về sự quan trọng của quỹ dự phòng. Tuy nhiên, đối với các DN vừa và nhỏ, mới bước vào kinh doanh, lợi nhuận thu được, trước hết sẽ ưu tiên để trả nợ ngân hàng, thu hồi một số ít vốn, trả lương nhân viên, xây dựng thương hiệu… sau đó mới có thể tính đến xây dựng quỹ dự phòng.

“Có thể thấy, riêng trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, khi đầu tư một dự án, sẽ mất khoảng 10-15 năm mới sinh lãi. Do đó, thường sau một thời gian kinh doanh, các DN mới có thể thành lập quỹ dự phòng rủi ro. Hoặc phải là các tập đoàn, có nhiều ngành nghề để hỗ trợ nhau. Còn đối với các DN mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn, sẽ rất khó để lập quỹ dự phòng rủi ro”, ông Vũ Hoài Phương nhận định.

Về sự ràng buộc mang tính pháp lý, Luật Doanh nghiệp có quy định hình thành các loại quỹ và mức trích lập từng loại quỹ là yêu cầu đòi hỏi phải có trong điều lệ công ty. Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, dù thế, luật không bắt buộc các công ty phải lập đủ các loại quỹ, mà tùy vào tiềm lực và chủ trương, tư duy và tầm nhìn của mỗi công ty trong kinh doanh sẽ tự quyết định có loại quỹ nào cần thiết. Chính điều này đã khiến nhiều DN “bỏ quên” hình thành nguồn quỹ dự phòng.

Du khách đến Huế

Cần được hoạch định

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, ngay cả yêu cầu về quỹ rủi ro để phòng trong các trường hợp, giai đoạn khó khăn do cơ quan quản lý Nhà nước quản lý nguồn quỹ cũng cho thấy nhiều bất cập. Hầu hết các nguồn quỹ đều chưa xây dựng được và chưa thấy sự hợp lý trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn quỹ. Qua đợt dịch này, cần nhìn nhận, đánh giá lại việc hình thành các nguồn quỹ, để có thể hỗ trợ phần nào cho DN trong hồi phục khó khăn.

Trở lại xây dựng nguồn quỹ trong DN, về nguyên lý trong phát triển du lịch nói riêng và tất cả các DN nói chung, quản lý rủi ro bằng nguồn quỹ là điều phải nằm trong kế hoạch phát triển. Tùy vào mức độ rủi ro và trong từng ngành nghề kinh doanh mà xây dựng quỹ phù hợp, trung bình dao động ở mức 2-5% lợi nhuận. Riêng đối với du lịch, tính rủi ro được đánh giá thường ít gặp so với các ngành nghề khác. Nhưng qua đợt dịch này mới thấy, khó khăn sẽ không bỏ sót ai, DN nào, nếu càng thiếu sự đề phòng sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Một minh chứng như tại Công ty CP DMZ, ông Lê Xuân Phương, Giám đốc công ty cho biết, việc xây dựng được nguồn quỹ đã giúp DMZ duy trì trả lương cho nhân viên và có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp lại cơ sở vật chất khi đón khách trở lại. Có thể nguồn quỹ chưa đủ lớn để giải quyết được mọi khó khăn, song đây sẽ là định hướng xuyên suốt trong phát triển của riêng DMZ.

Các chuyên gia cho rằng, những gì đã mang tính nguyên lý đều cần thiết, do đó, các DN nên có kế hoạch thành lập quỹ dự phòng trong chiến lược phát triển của DN mình. Sự chuẩn bị, tính toán càng kỹ lưỡng sẽ càng hạn chế được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh.

Dịch bệnh “càn quét” không bỏ sót một DN nào. Riêng với du lịch, dù ít gặp rủi ro, song mỗi khi đã bị tác động thì lại sâu và rộng hơn tất cả các ngành nghề khác. Sự vực dậy sau khó khăn cũng sẽ chậm và bị động.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, qua đợt dịch này mới thấy sự cần thiết của quỹ dự phòng rủi ro trong phát triển du lịch. Đây là nguồn quỹ tùy thuộc vào từng DN, song ngành sẽ khuyến khích các DN xây dựng trong thời gian đến. Qua việc xây dựng quỹ cũng cho thấy, các DN hình thành được quỹ dự phòng có kế hoạch, chiến lược phát triển, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp. Do đó, đây là các mô hình có thể nghiên cứu nhân rộng cho toàn ngành du lịch trong tương lai.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top