ClockChủ Nhật, 13/11/2022 08:56

Khi tiểu thương chợ Đông Ba không còn nói thách...

TTH - “Tiểu thương buôn bán ở chợ thì phấn đấu vào Đảng để làm chi?”. Tôi hỏi cắc cớ và nhận được câu trả lời bất ngờ của chị Trần Thị Thu Hương, tiểu thương chợ Đông Ba vừa hoàn thành lớp cảm tình Đảng rằng: “Tui vô Đảng không phải để thăng quan, tiến chức. Tui vô Đảng với mong muốn tiếng nói của mình sẽ có trọng lượng hơn trong việc góp ý để xây dựng chợ Đông Ba ngày một văn minh hơn như đã từng”.

Để tiểu thương trở thành người bán hàng hạnh phúc

Thuận mua vừa bán

Tiểu thương học đối tượng Đảng

18h hôm ấy là một ngày rất khác đối với chị Trần Thị Thu Hương, tiểu thương bán trái cây khô tại chợ Đông Ba. Rất khác là bởi thay vì đóng quầy, tắt điện, quay về cơm tối, sum họp với gia đình như thường niên sau một ngày “lê lết” ở chợ thì chị Hương lại mang cuốn tập đến lớp học đối tượng Đảng do Ban quản lý (BQL) chợ Đông Ba tổ chức. Rất khác bởi thay vì hí hoáy cộng trừ nhân chia tiền vào, tiền ra, hôm nay chị Hương lại mở sổ ghi chép toàn những điều rất mới mẻ và có phần xa lạ.

Học đối tượng Đảng, nghĩa là nếu mọi chuyện không có gì thay đổi thì cuối năm nay, chị Hương cùng với nhiều tiểu thương khác của chợ Đông Ba sẽ vinh dự được tổ chức kết nạp để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là điều chưa từng xảy ra đối với những tiểu thương của chợ Đông Ba – ngôi chợ có lịch sử hơn 123 năm, kể từ thời Gia Long. Và điều này cũng chưa từng xảy ra đối với bất kỳ ngôi chợ nào ở Thừa Thiên Huế.

Rất khác, bắt đầu từ ngày 1/9/2021, lúc cao điểm nhất của dịch COVID-19 tại Thừa Thiên Huế, bà Hoàng Thị Như Thanh, thời điểm ấy đang là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế được điều về làm Trưởng BQL chợ Đông Ba. “Xuất phát từ thực tế hoạt động của BQL chợ, từ gợi ý của các lãnh đạo về việc chúng ta có nên hay không giới thiệu một số quần chúng ưu tú là tiểu thương đang buôn bán trong chợ vào Đảng... Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và cuối cùng đi đến kết luận là rất cần. Bởi thực tế chợ Đông Ba thời điểm đó có rất nhiều vấn đề tồn tại và tổ chức Đảng của chợ thật sự cần có những tiểu thương là đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đấu tranh vì lẽ phải, để cùng với lãnh đạo BQL xây dựng, vực dậy chợ”, chị Thanh nhớ lại.

Du khách tham quan, mua hàng ở chợ Đông Ba

Thực tế, đây là một chủ trương khó, gây bất ngờ, thậm chí là nghi ngại cho rất nhiều người, bởi chuyện này chưa có tiền lệ và cũng chưa ai nghĩ tới. Tuy nhiên, “khi chúng tôi dò hỏi thì rất bất ngờ là có nhiều quần chúng là tiểu thương ở chợ Đông Ba rất tha thiết được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ muốn vào Đảng để được có tiếng nói trong việc góp ý, xây dựng để chợ Đông Ba ngày càng phát triển. Bất ngờ hơn là trong quá trình tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho tiểu thương, có những người vợ dẫn theo chồng, người chồng dẫn theo vợ cùng đi học. Đặc biệt, sau một thời gian tổ chức lớp học, có nhiều tiểu thương không có trong danh sách tìm đến tôi hỏi có thể tham gia được lớp này hay không. Thế là chúng tôi lại xét duyệt điều kiện, hội ý Chi bộ để bổ sung họ vào lớp học”, chị Thanh kể.

Không còn chuyện “chia ba để trả”

Chị Lê Thị Ánh Nguyệt, sống ở TP. Hồ Chí Minh là một du khách đắm say yêu Huế. Nhiều năm trước, khi lần đầu đến Huế, chị Nguyệt có một kỷ niệm không mấy đẹp đẽ với chợ Đông Ba khi nghe theo lời dặn của một “thổ địa” người quen là “vào chợ Đông Ba thì phải chia ba để trả”. Tức là một món hàng, nếu tiểu thương trong chợ báo giá 1 triệu đồng thì cứ bắt đầu từ 300 ngàn mà trả lên cho đến khi nào mua được thì thôi.

“Ban đầu tôi không dám tin bởi nói thách thì chợ nào, ở đâu người ta cũng nói thách. Tuy nhiên để chứng thực lời nói của bạn, tôi đã chia ba giá để trả và thật bất ngờ là kết quả lại đúng như lời bạn tôi nói”, chị Nguyệt kể.

Chưa hết, không như lời đồn và sách báo, chợ Đông Ba khi chị Nguyệt mục sở thị là một ngôi chợ xuống cấp, nhếch nhác, lộn xộn với cảnh người bán xô đẩy, chen lấn với người mua và các quầy hàng cứ tràn ra mạnh ai nấy chiếm lối đi trước sự bất lực của những người có trách nhiệm. Rồi tiểu thương với tiểu thương to tiếng với nhau bằng những ngôn từ mà chị Nguyệt không thể nào tưởng tượng được là nó có thể phát ra từ miệng của những bà, chị, em... được gọi chung là “phụ nữ Huế”. Thậm chí một buổi sáng đẹp trời, chị Nguyệt còn được khuyến mãi hẳn “một tràng” nặng tai vì tội làm mất “may xưa” của một tiểu thương, khi hỏi hết món này đến món khác nhưng không chịu “chia ba” để trả giá mà mua.

Những ngày mùa đông của năm 2022, chị Lê Thị Ánh Nguyệt trở lại Huế và chị đã không tin vào mắt mình sau nhiều năm “gặp lại” chợ Đông Ba. “Chợ Đông Ba bây giờ hàng quán thẳng tắp, lối đi quang đãng, tiểu thương thì ai gặp tôi cũng tươi cười chào hỏi. Ngạc nhiên nhất là bây giờ mua bán không còn ai nói chuyện “may xưa, may mới”, cũng như không còn phải chia ba chia bốn để trả như những năm trước. Giờ là một chợ Đông Ba rất Huế và hoàn toàn khác với chợ Đông Ba tròn kỷ niệm đau buồn của tôi nhiều năm trước”, chị Nguyệt hồ hởi kể.

Để có được một chợ Đông Ba hoàn toàn khác như bây giờ, chuyện lại quay về với thời điểm tháng 9/2021, khi chị Hoàng Thị Như Thanh rời Liên đoàn Lao động thành phố đến nhận nhiệm vụ Trưởng BQL và phát triển Đảng trong tiểu thương chỉ là một trong rất nhiều chủ trương mà chị Thanh đã triển khai, nhằm vực dậy một chợ Đông Ba đang trên đà kiệt quệ cũng như đầy tai tiếng với du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.

Đáng nói, việc vực dậy mọi mặt chợ Đông Ba không chỉ là quyết tâm của riêng cá nhân chị Hoàng Thị Như Thanh hay tập thể BQL chợ, mà đây còn là chủ trương lớn mang tính đột phá của lãnh đạo UBND và Thành ủy Huế. Nói như ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế: “Chợ Đông Ba là một thành trì để bảo vệ các giá trị văn hóa Huế được lưu giữ và phát triển. Đã có nhiều thời điểm, bước vào chợ Đông Ba, du khách có thể hình dung được phần nào văn hóa và con người Huế qua hình ảnh của những tiểu thương. Vậy nên chúng tôi quyết tâm làm sao để hình ảnh chợ Đông Ba được thay đổi, chợ thể hiện được các giá trị văn hóa Huế, để chợ Đông Ba là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế, cũng như người Huế xa nhà trở về quê hương”.

Tất nhiên những thay đổi chỉ mới là khởi đầu. Nhưng với quan điểm “tôi chỉ là người làm thuê cho tiểu thương với mục đích cuối cùng là vì tiểu thương, vì ngôi chợ cũng là ngôi nhà của mình ngày một tốt lên, có vị trí xứng đáng với truyền thống và những gì vốn có” của Trưởng BQL Hoàng Thị Như Thanh; cùng với đó là quyết tâm đột phá để nâng tầm chợ Đông Ba của Thành ủy, UBND thành phố Huế, chắc chắn một ngày rất gần, “chợ Đông Ba sẽ không chỉ là nơi giao thương lớn mà còn đúng nghĩa là một nơi chứa đựng các giá trị văn hóa Huế”, như mong muốn của ông Phan Thiên Định và bao người dân Huế.

Bài: HOÀNG VĂN MINH

Ảnh: VĂN MINH - KHOA HUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba- Xuân yêu thương”

Sáng 3/2, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba tổ chức khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba – Xuân yêu Thương” năm 2024 tại khu vực mặt tiền chợ. Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định cùng bà con tiểu thương, các thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba- Xuân yêu thương”
Return to top