ClockThứ Bảy, 02/04/2022 06:30

Khai phá nguồn năng lượng trẻ

TTH - Trưng bày tại không gian phòng triển lãm của Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế từ ngày 23 đến 30/3, triển lãm mỹ thuật trẻ lần thứ V mãn nhãn người xem với nhiều tác phẩm mới lạ về ý tưởng, phong cách.

Triển lãm mỹ thuật chào mừng ngày Nhà giáo Việt NamCảm xúc “Tháng ba”

Chạm đến cảm xúc

Bằng chất liệu acrylic, tác phẩm “Bé gái” của Vũ Duy Tâm chạm đến cảm xúc người xem bởi cách thể hiện đạt được độ “chín” của lối vẽ cổ điển. Với bút pháp tốt, không phô diễn mà bộc lộ cảm xúc và sự chiêm nghiệm sâu sắc, bức tranh thay tác giả gửi gắm mong muốn bình yên về thân phận con người trong cuộc sống đầy hỗn loạn.

Tác phẩm “Bé gái” của Vũ Duy Tâm

Bức tranh “Giấc chiều vàng” của Nguyễn Ý Nhi cũng là một tác phẩm mang đến cảm xúc mạnh mẽ với người xem. Bằng chất liệu lụa bồi trên giấy, tác phẩm thể hiện giấc ngủ bình yên của thiếu nữ. Đơn thuần thể hiện giấc ngủ trong đời sống thường nhật của con người nhưng tác phẩm được nhìn dưới góc độ vừa hiện thực vừa lãng mạn, mang đến cảm giác mềm mại, đằm thắm, sâu lắng để người xem cảm nhận được cái đẹp của khoảnh khắc này, đưa con người trở về với cái hiền lành vốn có.

Cũng vẽ về chủ đề thiếu nữ, tác phẩm “Thiếu nữ và chim” của Nguyễn Đức Nghĩa thể hiện tình yêu con người với thiên nhiên, khao khát được tự do và bình đẳng giới của phái nữ. Tác phẩm sử dụng chất liệu tổng hợp bằng những chiếc bao nilon bị bỏ đi cũng mang đến cảm giác khai phá mới mẻ cho không gian triển lãm.

Tác phẩm “Vùng ngoại ô” của Nguyễn Văn Sỹ

Họa sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Đối với tôi, hội họa như một cuộc chơi nên cảm hứng sáng tác luôn đơn giản từ những điều bình dị, gần gũi với cuộc sống. Bằng chất liệu này, tôi muốn gửi thông điệp: không có thứ gì là bỏ đi nếu chúng ta biết cách tạo cho nó một giá trị, đây cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường sống”.

Ba bức tranh trên là những tác phẩm đạt giải thưởng mỹ thuật trẻ xuất sắc của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế. Dù không phải là loại hình mới nhưng cả ba tác phẩm đều được đánh giá cao, thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau của các tác giả trẻ. Đây là sự tìm tòi, khai phá, cách thể hiện mới mẻ cho thấy sự chuyển mình của mỹ thuật trẻ.

Kết nối người sáng tạo và công chúng

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016, triển lãm mỹ thuật trẻ là sân chơi dành riêng cho lực lượng sáng tác trẻ. Sau hai năm tạm dừng vì đại dịch COVID-19, triển lãm mỹ thuật trẻ lần thứ V do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức quy tụ 36 tác phẩm của 35 tác giả trẻ có tuổi đời dưới 45 tuổi. Tất cả các tác phẩm đều là những sáng tác mới từ năm 2021, đa phần là thể loại tranh giá vẽ với các chất liệu sáng tác quen thuộc của hội họa, như: lụa, sơn dầu, acrylic, tổng hợp…; đồ họa có: bút sắt, thủy ấn họa, khắc gỗ màu, trucchigraphy…

Tác phẩm “Giấc chiều vàng” của Nguyễn Ý Nhi

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến tâm lý, điều kiện sáng tác của nghệ sĩ trẻ, triển lãm lần này không quy mô như những năm trước và thiếu vắng các hình thức nghệ thuật mới, như: sắp đặt, video art… Tuy vậy, phòng tranh khá chất lượng với nhiều tác phẩm tốt, mang dậm dấu ấn của sự nỗ lực tìm tòi. Điểm đáng ghi nhận là sự đa dạng ngôn ngữ biểu hiện, kỹ thuật chất liệu và bút pháp thể hiện, bên cạnh sự phong phú về chủ đề.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế nhận xét: “Trong triển lãm này, một số tác phẩm đang dần định hình phong cách, có bút pháp và tư duy biểu hiện vững vàng, kỹ thuật chất liệu điêu luyện, thể hiện sự dày công lao động với sức bền sáng tạo đáng ghi nhận. Cảm xúc của người xem còn bị lôi cuốn, dẫn dắt từ những thông điệp nghệ thuật ẩn dụ, biểu hiện đằng sau mỗi tác phẩm. Đó là quan niệm về đời sống nhân sinh từ giác độ của thế hệ sáng tác trẻ; hay cách biểu hiện của người trẻ khi đối diện những vấn đề thời sự trong cuộc sống hiện đại: cái thiện - cái ác, sự bình yên và chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu cuộc sống… ”.

Triển lãm mỹ thuật trẻ là sáng kiến hay của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, tạo sân chơi cho các họa sĩ trẻ thể hiện năng lực sáng tạo, công bố những tìm tòi mới trên con đường lao động nghệ thuật và làm phong phú thêm “khẩu vị nghệ thuật” cho công chúng. Đây cũng là cơ hội để hội đồng nghệ thuật phát hiện, thẩm định và ghi nhận những nỗ lực sáng tạo xứng đáng của nghệ sĩ trẻ. Họa sĩ trẻ Nguyễn Ý Nhi chia sẻ: “Triển lãm là cơ hội để chúng tôi trao đổi nghề nghiệp, thể hiện tài năng và có thể đem đến cho người xem một bữa tiệc nghệ thuật chất lượng. Điều này giúp chúng tôi có thể mở rộng con đường sáng tạo và đến gần với công chúng hơn”.

Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Hội Mỹ thuật rất chú trọng đầu tư cho lực lượng nghệ sĩ trẻ, bởi đây là những người tiếp bước tạo nên diện mạo của mỹ thuật tỉnh nhà trong tương lai. Tuy nhiên, triển lãm mới chỉ là sự khởi xướng, Hội Mỹ thuật vẫn chưa có điều kiện để tổ chức sân chơi này lớn hơn. Để triển lãm mỹ thuật trẻ có thể tạo được sự đột phá, cần có sự đầu tư, hợp lực hơn nữa từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp...

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
“Miền ký ức” – nhật ký bằng tranh

Hơn 130 tác phẩm hội họa – là những sáng tác được chọn lọc trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên vừa được trưng bày, giới thiệu đến công chúng vào chiều 22/3 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

“Miền ký ức” – nhật ký bằng tranh
Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn

Gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ được sáng tác lấy cảm hứng từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn bên trong Hoàng cung Huế đã được nhóm các họa sĩ trưng bày, giới thiệu đến công chúng vào sáng 19/3 tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế).

Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh

TIN MỚI

Return to top