ClockThứ Tư, 27/05/2020 06:51

Kết nối đưa khách về Huế

TTH - Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nhằm kết nối lữ hành Huế và các địa phương, tăng khả năng đưa khách về Huế bằng các tour tuyến và thực hiện chính sách kích cầu hấp dẫn, Diễn đàn du lịch Huế 2020 sẽ được tổ chức vào ngày 31/5 tới, với chủ đề “Kết nối lữ hành - Huế, Điểm đến an toàn và thân thiện”.

Phấn đấu thu hút 60% khách đến Huế so với cùng kỳKhoảng 12.500 khách du lịch đến Huế trong dịp lễ 30/4 và 1/5Du lịch Huế cần tái cơ cấu để đa dạng thị trường khách

 Cây cô đơn trong bối cảnh phim "Mắt biếc" là điểm đến trong các tour du lịch ở Huế

Thêm kết nối

Lượng khách đến Huế trong 5 tháng đầu năm 2020 khoảng 1 triệu lượt, đạt 47,62% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 5/2020, dù các hoạt động du lịch đã trở lại bình thường, Huế chỉ đón được khoảng 65 ngàn lượt, chủ yếu khách nội địa, đạt 17,8%. Thiệt hại của du lịch Huế đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, nhất là hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp phải mất việc, hoặc nghỉ việc không lương.

Trước những yêu cầu cần phục hồi du lịch Huế nhanh, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch hiệu quả, Huế không thể chậm trễ trong việc kết nối lữ hành trong cả nước để đưa khách về Huế và đưa khách ở Huế đi đến du lịch các địa phương. Đặc biệt là có những chương trình kích cầu đủ hấp dẫn để thu hút khách về cho Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, theo dự báo, khả năng khách nội địa sẽ tăng đáng kể trong khoảng tháng 7/2020 trở đi, nên cần có một “cú hích” đủ hấp dẫn để tăng khả năng đưa khách về Huế ngay từ thời điểm quan trọng này. Tại Diễn đàn du lịch Huế 2020 mà ngành du lịch tổ chức sắp đến chính là thời cơ để kết nối; dịp để đánh giá tổng quan khả năng hồi phục du lịch sau dịch bệnh COVID-19; có nhận định về các đối tượng khách, thị trường khách du lịch có khả năng phục hồi sớm và xu hướng du lịch hiện nay từ phía các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, để những kết nối thêm hiệu quả và hướng đến mục tiêu là giúp Huế phục hồi sớm ngành du lịch, phía Huế đã có sự kết nối giữa lưu trú, điểm đến, các dịch vụ du lịch khác trên địa bàn… và đến thời điểm này, đã sẵn sàng cho việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, đối tác về tham dự diễn đàn. Các chương trình kích cầu du lịch được xây dựng từ đây đến hết năm 2020, bao gồm các chính sách kích cầu của chính quyền, các gói kích cầu của các doanh nghiệp du lịch gắn với giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương; chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh trong năm 2020, đặc biệt là điểm nhấn quan trọng Festival Huế 2020.

Hiện nay, đã có hơn 20 tour tuyến, sản phẩm mới do các “liên minh kích cầu” du lịch trong tỉnh, gồm các nhóm doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra là hàng chục “land tour” (tour trọn gói) với mức khuyến mãi sâu lên đến 40 – 70%... tất cả cũng đã sẵn sàng kết nối. Ngoài ra, du lịch Huế không thể tách rời thương hiệu “Một điểm đến ba địa phương: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam”. Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, một số sản phẩm du lịch liên kết 3 địa phương đã được hình thành và cũng được giới thiệu trong diễn đàn. Thông qua diễn đàn, du lịch ba địa phương sẽ ký kết văn bản hợp tác mới, trên mục tiêu chia sẻ khó khăn, hỗ trợ phục hồi.

Du khách đến tham quan Huế khi du lịch hoạt động trở lại từ cuối tháng 4/2020

Tận dụng để quảng bá điểm đến

Tại cuộc làm việc triển khai kế hoạch tổ chức Diễn đàn du lịch Huế 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định yêu cầu, ngoài việc kết nối lữ hành, ngành du lịch Huế cần tận dụng hoạt động này để tăng cường quảng bá cho du lịch nói riêng và Huế nói chung. Phải khẳng định được, Huế không chỉ có di sản mà nhiều điểm đến hấp dẫn như biển, thiên nhiên, sông suối... Chẳng hạn như cảnh quan, đô thị Huế. Khó có dòng sông nào sạch mà người dân có thể thoải mái tắm trên đó như sông Hương, hay hoạt động du lịch thể thao chèo SUP trên sông cũng cần được quảng bá tốt – hướng đến thương hiệu du lịch điểm đến “xanh – sạch – sáng”.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, dựa trên các dự báo về nhu cầu, khả năng khách nội địa sẽ lựa chọn nhiều về du lịch thiên nhiên, nên các chương trình tour, ngoài các điểm đến truyền thống, phần lớn sẽ giới thiệu đến du khách và đối tác các điểm đến thiên nhiên mới ở Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, phá Tam Giang. Đây như là lời khẳng định, các sản phẩm du lịch thiên nhiên gắn với giải trí, nghỉ dưỡng được Huế tập trung đầu tư, khai thác mạnh hiện tại và trong tương lai.

Để thực hiện tốt kế hoạch quảng bá điểm đến, không gian giới thiệu quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, sẽ có 20 gian hàng dành cho các đơn vị quản lý điểm đến di sản, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, doanh nghiệp cung cấp đặc sản, hàng lưu niệm được hình thành tại diễn đàn. Đặc biệt, Huế sẽ tổ chức 3 chương trình khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch ở Huế miễn phí, để đại biểu thăm, trải nghiệm và góp ý hoàn thiện một số sản phẩm du lịch mới và một số gói sản phẩm du lịch kích cầu Huế 2020.

Một mục tiêu khác mà Huế mong muốn là sẽ có những trao đổi, góp ý, đề xuất sáng kiến giúp du lịch Huế cũng như của 3 địa phương liên kết phục hồi, phát triển trong thời gian tới trong bối cảnh mới. Đặc biệt, mổ xẻ những hạn chế, khó khăn, hướng đến giải quyết vướng mắc trong quá trình kinh doanh du lịch trên địa bàn. Qua đó, tăng khả năng mời gọi các đối tác về Huế đầu tư.

Diễn đàn du lịch Huế 2020 tổ chức là hoạt động khởi đầu cho kế hoạch triển khai Đề án “Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2020 - 2021 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch từ đây đến hết năm 2020; hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động triển khai. Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham gia của 350 đại biểu, gồm lãnh đạo bộ, ngành, các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các đối tác vận chuyển và doanh nghiệp du lịch lớn trong cả nước.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Kết nối cùng thiên nhiên

Thừa Thiên Huế lưu dấu với du khách không chỉ có những giá trị văn hóa đặc biệt mà còn hấp lực bởi cảnh quan thiên nhiên khi muốn trải nghiệm...

Kết nối cùng thiên nhiên
Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội
Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Return to top