ClockThứ Tư, 02/11/2011 21:29

Kendi – bình gốm cổ Chămpa độc đáo

TTH - Hơn 20 năm qua, cuộc “khai quật khảo cổ” độc đáo dưới nước ở các dòng sông Huế tưởng chừng đã dần đi vào hồi kết. Số lượng cổ vật do người dân lặn vớt dưới sông Hương ngày càng hiếm hoi. Tuy nhiên, qua những lần biến động lũ lụt, các lòng sông Huế lại phát lộ cổ vật quý hiếm, thậm chí là những tiêu bản độc nhất được tìm thấy trên địa bàn Thừa Thiên Huế từ trước đến nay.

Vừa qua, một tiêu bản gốm cổ Chămpa đặc biệt được một nhà sưu tầm ở Huế phát hiện, đang “góp mặt” trong bộ sưu tập Kendi bình gốm cổ Chămpa của tư nhân ở Huế. Tiêu bản Kendi này đặc biệt có xương gốm trộn nhiều hạt lớn hoặc đá vụn thô, khác so với da gốm các kiểu kendi thường mịn màng hơn. PGS.TS Lâm Mỹ Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là tiêu bản kendi độc nhất từ trước đến nay, chưa phát hiện được tiêu bản thứ hai ở các cuộc khảo cổ ở miền Trung.

Khái niệm Kendi bắt nguồn từ gốc chữ Phạn Kundika là bình nước. Kendi gốm cổ Chămpa là loại bình không quai có vòi, dùng để đựng nước thiêng hay loại lễ phẩm khác dùng trong nghi lễ ở các đền tháp, cũng có thể dùng trong đời thường. Tên gọi Kendi luôn gắn với đồ để uống có vòi, như các đồ dùng để uống truyền thống ở Đông Nam Á thường không có quai nhưng có thể có vòi. Ở Indonesia ngày nay, Kendi được dùng để chỉ đồ dùng nước nghi lễ và gia dụng.

Theo PGS.TS Lâm Mỹ Dung, có nhiều khả năng Kendi có vòi Đông Nam Á là loại hình tiến hóa của dạng bình nước Ấn Độ có nguồn gốc từ Kendi Lưỡng Hà. Kendi vừa là đồ gia dụng vừa là đồ nghi lễ. Trên một số điêu khắc Chămpa và Đông Nam Á khác, hình tượng Kendi hoặc tồn tại độc lập hoặc được miêu tả trong cảnh hành lễ. Chất liệu và màu sắc của Kendi tương tự như vò. Kendi thường được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay, vòi và chân đế làm rời, sau đó gắn vào. Ở một số mảnh dấu vết kỹ thuật còn lại cho thấy, sau khi tạo dáng sản phẩm, người thợ còn miết láng ở một số chỗ cần thiết để tạo bề mặt nhẵn hoặc quét lên bề mặt gốm một lớp áo sét loãng để tăng độ bền và yếu tố mỹ thuật cho sản phẩm.

Tiêu bản Kendi độc nhất do người dân tình cờ lặn vớt dưới hạ lưu sông Hương, gần đập Thảo Long

Kendi là một loại đồ gốm phổ biến cả vùng Đông Nam Á, các học giả quốc tế thử thống kê những đồ gốm tìm thấy trong các đền tháp ở Java có niên đại từ thế kỷ 7-10 đã đi đến kết luận: “loại hình chung nhất và nhiều nhất được tìm thấy trong các di tích và đền tháp là Kendi”.
 
Ở Việt Nam, các cuộc khai quật trên vùng đất ở miền Trung thời vương quốc Chămpa cổ, thậm chí ở đồng bằng Nam Bộ thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo, đều phát hiện Kendi. Riêng ở Thừa Thiên Huế, các cuộc khai quật ở Cồn Ràng và Cồn Dài giai đoạn tiền và sơ sử thời thuộc văn hóa Sa Huỳnh chưa có loại hiện vật này. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở thành Hóa Châu, khu vực đô thị mới Chân Mây, tháp Chămpa ở Phú Diên cũng không tìm thấy Kendi.

Một số Kendi tìm thấy ở sông Hương, thuộc kiểu Kendi mà cuộc khai quật ở Trà Kiệu, Quảng Nam chỉ phát hiện được một tiêu bản.

Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn nhiều bia đá, điêu khắc đá, thành quách, tháp và các phế tích tháp Chămpa. Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, điều làm các nhà nghiên cứu đi từ khó hiểu đến ngạc nhiên thú vị là những địa điểm khảo cổ này không phát hiện Kendi, mà chỉ tìm thấy Kendi nằm dưới các dòng sông Huế. Một lần nữa, cơ duyên lại dành cho dòng sông Hương những cổ vật độc đáo, gồm hai loại Kendi có đế và đáy bằng.
 
Kendi là loại hiện vật tiêu biểu của đồ gốm Chămpa, có hình dáng mỹ thuật, là thành tựu trong nghề gốm Chămpa giai đoạn khoảng hơn 10 thế kỷ đầu công nguyên.
 
Những tư liệu gốm này luôn cung cấp nhiều thông tin để tìm hiểu về đời sống vật chất và tinh thần của các xã hội trong quá khứ.
 

Tấn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top