ClockThứ Năm, 12/03/2015 10:47

Hướng đến tính đặc trưng cho phố đi bộ

TTH - Sau khi UBND TP Huế giao cho doanh nghiệp đầu tư, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cơ bản giải quyết được những tồn tại trước đó, song để sống được, nơi đây cần nhiều hơn sự đầu tư về chất.

Đã có sản phẩm truyền thống

Sau một thời gian khá dài chuẩn bị các công đoạn cần thiết, Ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đã tiến hành khai trương vào những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015. Thời điểm được cho là khá thuận lợi để vừa chào năm mới, vừa phục vụ Festival Nghề truyền thống Huế 2015.

Hoạt động thư pháp diễn ra hàng đêm ở phố đi bộ

Một vài buổi tối dạo quanh phố đi bộ cùng người thân, chúng tôi chứng kiến có khá đông khách du lịch, trong đó đa số là khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Các mặt hàng, sản phẩm được lựa chọn nhiều hơn cả vẫn là hàng lưu niệm, quà tặng, như móc chìa khóa có hình Đại Nội, Phu Văn Lâu... được làm bằng kim loại, một vài loại pháp lam, đúc đồng và một số đặc sản Huế, như: mè xửng, trà sen, mứt sen, các loại sản phẩm handmade làm từ giấy trúc chỉ...

Khách mua sắm tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Khách Việt chọn nhiều hơn cả các sản phẩm truyền thống bằng chất liệu bạc nguyên chất do các nghệ nhân có tên tuổi làm thủ công, như lắc, dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn... Nhiều người sau khi mua các sản phẩm này đã quay lại đặt hàng với số lượng lớn. Có thể nói, bước đầu, các mặt hàng thủ công Huế đã đến tay người tiêu dùng và được đón nhận.
Theo Trưởng Ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu-Trần Quang Hào, ngoài các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng đặc sản, ẩm thực Huế..., hàng đêm tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu còn diễn ra các chương trình ca nhạc đường phố, nhân tượng, ký họa chân dung... phục vụ người dân và du khách. Mỗi đêm ước có khoảng 4.000 lượt người đến tham quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực, với doanh thu mỗi gian hàng đạt khoảng 2 triệu đồng/đêm.
Chị Cao Thanh Thủy lần đầu tiên đến Huế vẫn chưa hết cảm giác bỡ ngỡ, song khi được hướng dẫn viên hướng dẫn tận tình, chị khá yên tâm mua sắm, thưởng thức ẩm thực. Dừng chân trước quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp mè xững Thiên Hương, chị không chần chừ chọn mua những loại mè xững ngon nhất, loại I và các loại trà, bánh kẹo khác để làm quà. “Đến phố đi bộ thấy hàng hóa được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nên rất yên tâm”, chị nói.
Hầu như tất cả các mặt hàng sản phẩm được bày bán tại phố đi bộ đều được niêm yết giá công khai, kể cả với khách nước ngoài. So với trước, đây là nét mới được người dân, du khách đánh giá cao. Một số mặt hàng khác, khi khách có yêu cầu, người thợ, chủ có thể làm ngay tại chỗ để khách yên tâm về chất lượng, như dây thắt lưng, các sản phẩm từ bạc,...
Còn nhiều việc phải làm
Điều mà hẳn nhiên ai cũng có thể nhận ra khi tham quan phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bây giờ so với trước là đã có sự đầu tư bài bản. Không còn cảnh mua bán tràn lan những mặt hàng na ná nhau, không rõ nguồn gốc và không mang đặc trưng của Huế.
Sau khi 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Đào tạo và Dịch vụ du lịch Huế (Huetourist), Công ty TNHH Thiên Hương, Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt và Công ty TNHH Pháp lam Thái Hưng đầu tư hơn 14 tỷ đồng để làm 11 nhà rường, quy hoạch lại không gian trưng bày, mua bán sản phẩm và quan trọng nhất là lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của Huế, được sắp xếp theo thứ tự từng ngôi nhà rường từ đường Phạm Hồng Thái đến chân cầu Trường Tiền, gồm: hàng lưu niệm cao cấp, hàng bạc, hàng đặc sản Huế, tranh ảnh và khu cuối cùng là ẩm thực. Theo đó, lối đi từ cầu Trường Tiền vào cũng được hạn chế bằng việc thôi không cho giữ xe khu vực này và chuyển đến vị trí của trụ sở UBND TP Huế cũ ở đường Lê Lợi. Cách bố trí này khá là hợp lý khi các đoàn khách lần lượt tham quan, mua sắm ở các gian hàng có thể nghỉ ngơi, ăn uống ở khu vực cạnh cầu Trường Tiền vừa ngắm sông Hương về đêm, vừa thưởng thức các món ngon của Huế.
Điều chúng tôi băn khoăn nhất vẫn là, dù đã có sự đầu tư khá bài bản, việc quản lý cũng khá quy cũ, song, như nhận xét của nhiều người, phố đi bộ vẫn chưa thật sự mang đặc trưng riêng khi vẫn còn bày bán khá nhiều sản phẩm mà người mua có thể mua bất kỳ địa danh nào. Hơn nữa, với quy mô 11 nhà rường, 46 gian hàng như hiện nay cũng chưa hẳn đã nhiều, nếu không muốn nói là còn lẻ tẻ, khi một số gian hàng chỉ trưng bày vài tủ kính chứa rất ít hàng hóa. Ngay như gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Huế được làm thủ công từ chất liệu giấy trúc chỉ, cũng chỉ một vài sản phẩm, như ví cầm tay, quạt, vài tấm tranh treo tường ít ỏi. Bên cạnh đó, có khá nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm na ná nhau, như các mặt hàng lưu niệm, túi xách, móc chìa khóa, dây đeo tay các loại, nhẫn, cài kẹp.., đã tạo ra sự cạnh tranh dù không lớn nhưng đáng ra không nên có.
Việc giữ xe cũng cần quy về một mối thay vì giao cho các địa phương tổ chức như hiện nay, vừa không khuyến khích được người dân tham quan, mua sắm, vừa không quản lý được giá cả. Theo quy định của Nhà nước, với các khu vực này, giá vé giữ xe vào ban đêm chỉ 2.000 đồng/xe máy, 1.000 đồng/xe đạp, tuy nhiên trên thực tế, các đơn vị tổ chức trông giữ xe đã thu vượt quá con số này, với 5.000 đồng/xe máy, 3.000 đồng/xe đạp. Người dân nêu ý kiến là tại sao Ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu không áp dụng cách trừ tiền gửi xe vào hóa đơn thanh toán cho những người có mua sản phẩm khi tham quan, mua sắm tại phố đi bộ. Dù không nhiều, nhưng cách làm này chắc chắn sẽ làm hài lòng và khuyến khích người dân đến tham quan, mua sắm.
Một việc nữa là hiện ở phố đi bộ việc sắp xếp các gian hàng ẩm thực khá hợp lý hơn so với trước đây, với nhiều món ngon đặc sản của Huế như các loại bánh bèo nậm lọc, bún bò, chè, cà phê, giải khát..., song, các gian hàng thường ít thực khách vào những ngày bình thường. Nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý e ngại giá cả đắt đỏ. Thực tế thì, hầu như các loại thức ăn, nước uống ở đây đều có phần cao hơn giá bình quân thị trường khoảng 5-10%. Dù công khai, song việc quản lý điều chỉnh ở đây giá cho phù hợp hơn cũng là vấn đề nên làm, để tránh tình trạng người dân, du khách ngại thưởng thức các món ẩm thực hiểu, yên tâm.
Tại lễ khai trương phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định rằng, mô hình này khá phù hợp với vị thế, kiến trúc, phong cảnh Huế. TP Huế sẽ cùng với các doanh nghiệp nâng cao vai trò quản lý, tổ chức thực hiện để ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách, là điểm đến lý tưởng để quảng bá, giới thiệu. Trong quá trình thực hiện, tất nhiên sẽ còn phải điều chỉnh những điều chưa hợp lý để phố đi bộ ngày càng mang nét đặc trưng riêng của Huế.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ
Return to top