ClockThứ Bảy, 23/07/2022 12:26

Huế chờ

TTH - Phố đang chuyển mùa. Một chút khắc khoải của những cơn giông thoảng qua chiều hôm, một chút hầm hập dọa dẫm của luồng gió nóng thổi từ những ngọn núi phía tây thành phố. Cây lá bớt xanh thêm vì xao xác.

Mỗi người có một tình yêu rất chung và cũng rất riêng với chốn này. Sông Hương, núi Ngự và Hoàng thành là điểm nhấn trong bức tranh xứ sở Thần kinh mà bạn nhìn thấy ngay từ khi còn trên máy bay. Màu lụa thiên thanh của sông, những con đường như sợi chỉ vàng len lỏi giữa màu xanh cây lá. Phố như một khu vườn xanh mát mở ra trước mắt cùng những vòng bay thấp dần xuống sân bay Phú Bài. Nhưng để yêu Huế và cất giữ chút chi đó thâm sâu cho riêng mình thì phải cùng với Huế, nghe Huế, bằng mắt, bằng mùi hương, dưới nắng thủy tinh qua hàng long não, dưới sương mù mờ ảo đôi bờ, với những cơn mưa dằng dặc như mùa ngâu và cả những vết nứt rêu phong trên cấm thành. Là phần hồn của một vẻ đẹp cô đơn, là những âm vực rất trầm, phổ màu rất riêng, của Huế.

Chị tôi mấy mươi năm định cư xứ người. Gọi về nhà cứ buồn buồn tủi tủi. Chị ở bang Arizona, ngợp mình giữa những siêu thị, cao ốc chọc trời, mấy chục năm rồi vẫn nhớ Huế không nguôi.

Chị nói, gần 80 tuổi chị yếu rồi khó ngồi máy bay về được. Con cháu mở máy điện thoại zom hình cho chị xem ảnh Festival Huế. Chị vừa xem vừa khóc. Chị nhớ cây phượng bên cầu Trường Tiền ngày xưa vươn xanh vài nhánh, chừ đã thành cổ thụ trĩu bóng xuống mặt sông. Hẻm phố nhà là con đường chỉ có cỏ và sương đã mọc lên khách sạn mấy chục tầng. Những con đường hai bên bờ sông sương mù đêm nào còn nghe tiếng vạc ăn khuya bây chừ lung linh ánh điện bảy sắc. Nhộn nhịp rứa thay đổi nhiều rứa. Chị vui theo phố mới, lại thương những cũ xưa. Nói chi thì nói cứ nghe ai cất giọng "Chiều chiều trước bến Văn Lâu..." là nước mắt đã lưng tròng. Xứ sở chi kỳ  lạ, một câu hò cũng làm người xa thương héo ruột.

Tôi là người ít xê dịch. Cứ loanh quanh phố nhà ngày hai buổi. Sáng nghe tiếng chuông nhà thờ Phủ Cam, trưa mua rau mua cá chợ Đông Ba, chiều thăm bạn miệt Kim Long chùa Thiên Mụ. Một vòng xe với phố mỗi ngày. Quen Huế từng cơn gió trở, tiếng rao đêm, mùa nước tràn Đập Đá, mùa chè bắp bên Cồn. Quen như quen nỗi buồn muôn thuở trong lòng. Cứ xao xác bất định về một điều chi đó vừa có lại vừa không. Nhiều khi muốn đi xa để tìm một không gian mới rộng mở, một mùi hương mới để hít hà để làm  mới nỗi buồn đã rêu thành ngọn. Nhưng được vài hôm lòng lại thất thểu muốn quay trở lại. Những tưởng những gì quá quen thuộc sẽ không còn làm người ta mong mỏi và khao khát!

Một lần chờ trăng trên cầu Trường Tiền nhiều gió. Một lần đi bộ dưới cơn mưa bụi dưới hàng long não, con phố ngày xưa của Diễm và nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn hẹn hò.

Một lần bươn bả chợ trưa nắm rau tập tàng, tô cơm hến, bún bò. Lần nào đó chừng quá xa xôi áo lụa xanh màu rêu bến đò Thừa Phủ... Chỉ rứa thôi ư hay những gì trời đất rêu phong ngàn năm xứ này còn lưu giữ lại mà chị tôi và biết bao người thổn thức ngóng về.

Phố bây chừ như nàng cung phi bước ra khỏi cung cấm với xiêm y tươi mới và nụ cười thu hút rạng rỡ.

Phố và người Huế làm Festival kiểu mời bạn đến chơi nhà, nồng hậu và ấm áp. Huế sẽ  trở thành xứ sở của lễ hội bốn mùa. Những tuần lễ ngắn để thu hút, khơi dậy tiềm năng, để lưu giữ bảo tồn và phát triển. Phố không phải gồng mình đón nhận mà là sự thư thái phô diễn một kiểu rất riêng, rất Huế.

Bạn mới rời đi đã nhắn câu mong gặp lại. Và người sẽ sớm quay trở lại. Huế chờ. Sẽ tươi như màu trăng mới tiếng gọi đò bên bờ sông mưa trắng mùa ngâu.

Bạch Diệp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba- Xuân yêu thương”

Sáng 3/2, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba tổ chức khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba – Xuân yêu Thương” năm 2024 tại khu vực mặt tiền chợ. Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định cùng bà con tiểu thương, các thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Khai mạc chương trình “Chợ Đông Ba- Xuân yêu thương”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top