ClockChủ Nhật, 02/04/2017 05:31

Hoạt động của các hội du lịch: Không vì lợi ích chung thì không thể có lợi ích riêng

TTH - Các hội ngành nghề chính là nơi để doanh nghiệp (DN) xích lại gần nhau, tìm tiếng nói chung, giúp nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, ở Huế xem ra vấn đề này chưa được thực hiện hiệu quả.

Hội Lữ hành không hoạt động

Một chuyên gia, cũng từng là hiệu trưởng của một trường đào tạo nhân lực du lịch chia sẻ, ở Huế, câu chuyện sao chép ý tưởng, các sản phẩm của nhau vẫn mãi diễn ra. Đó là sự canh tranh thiếu lành mạnh. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cũng trăn trở, không ít DN vẫn còn "sống" dựa trên ý tưởng của DN khác. Thấy DN này có sản phẩm hay, hoạt động hiệu quả thì bắt chước, hạ giá sản phẩm để “câu” khách.

Tiết mục trình diễn áo dài truyền thống của Công ty VKstar

Vì sao vấn đề này được đề cập rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa kiểm soát được. Lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, để kiểm soát tốt việc sao chép thì phải phát huy sức mạnh của Hiệp hội Du lịch mà cụ thể hơn là Chi hội Lữ hành. Chi hội này sẽ kết nối tất cả các DN tạo ra sân chơi lành mạnh, thay vì nhiều DN cùng khai thác theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì nay có thể tập hợp lại để cùng khai thác một sản phẩm có hiệu quả hơn. Điều này phần nào được minh chứng bằng một số liên minh du lịch. Vừa qua, có 4 DN kết hợp cùng khai thác thị trường khách Đà Lạt và ngược lại. Sự kết hợp đã làm tăng nguồn khách ổn định, tạo được niềm tin với đối tác nên có giá dịch vụ tốt hơn, tránh được các rủi ro. Điều lớn nhất mà các DN đạt được chính là những cái bắt tay, cùng nhau phát triển.

Những "cái bắt tay" hợp tác sẽ đưa môi trường kinh doanh dần đến sự lành mạnh. Để làm tốt cần có người “cầm trịch”, mà ở đây chính là những thành viên trong Ban chấp hành. Nhưng khi đặt vấn đề về hiệu quả của Chi hội Lữ hành, chúng tôi hết sức bất ngờ khi nhận được câu trả lời là thời gian qua hội gần như không hoạt động. Ông Nguyễn Hàng Quý, Chủ tịch Chi hội Lữ hành cho hay: “Trong Ban chấp hành ai cũng bận việc kinh doanh, thời gian giữa Việt Nam và nước ngoài gần như tương đương nhau. Rồi khi về nước còn phải quản lý công ty, không thể đủ thời gian để tổ chức các cuộc họp. Trước khi đảm nhiệm cương vị này, tôi có xin chỉ làm trong 6 tháng vì công ty có quá nhiều việc. Hiện tại, tôi cũng đã xin rút lui và ở bộ phận hỗ trợ".

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch phân tích, để tìm ra một Chủ tịch Chi hội Lữ hành không dễ. Khác với bộ phận lưu trú, thời gian làm việc hoàn toàn ở Huế, còn lữ hành phải đi nhiều nơi để tìm kiếm thị trường khách. Khi nào hoàn thành xong công việc ở DN mình mới có thể đến công việc tập thể. Hơn thế, để bầu ra một chủ tịch thì yêu cầu người đó phải có uy tín trong tập thể mới có thể kết nối được các DN. Điều càng khó cho Huế là DN nào đáp ứng được tiêu chí này thì quá bận việc, không có thời gian.

Cần những cái bắt tay "chặt" hơn

Để giải bài toán gắn kết DN với nhau, ông Đinh Mạnh Thắng cho rằng, ngọn nguồn và mấu chốt là ý thức của mỗi DN. Dù Ban chấp hành có làm tốt đến đâu mà DN vẫn chưa có sự cầu thị thì vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, hay sự sao chép sản phẩm. Điều này, cần thêm thời gian và nhiều kế hoạch mới có thể thực hiện được.

Để tăng tính đoàn kết giữa các doanh nghiệp, cần tổ chức các cuộc gặp gỡ, các trò chơi team building

Mới đây, trong chuyến tham gia xúc tiến, kết nối du lịch tại Lâm Đồng, có rất nhiều DN tham gia; trong đó, có một DN dù đi cùng đoàn để xây dựng liên kết chung, nhưng đã đi “đánh lẻ”, đến đối tác để tìm kiếm giá các dịch vụ tốt hơn. Việc làm này gây bức xúc đối với các DN khác. Đây là tư tưởng kinh doanh nhỏ lẻ, không chỉ ảnh hưởng đến tập thể mà còn bị tập thể né tránh. Với cách làm đó, khi DN đặt vấn đề kết nối cho những lần sau thì liệu tập thể có tin tưởng và nếu DN có gặp khó thì liệu các DN khác có giúp đỡ.

Việc xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng bằng cách kêu gọi các khách sạn cùng chung tay hiện đã bước sang giai đoạn hai. Đa số các DN đã đồng tình, nhưng vẫn còn một số chưa hợp tác. Ông Đinh Mạnh Thắng thẳng thắn, ngay cả những thành viên nằm trong Ban chấp hành Chi hội Lưu trú vẫn chưa có ý thức cao trong việc tạo điều kiện cho du khách. Đã được các DN tin tưởng bầu lên điều hành tập thể, mà lại thiếu gương mẫu thì không xứng với cương vị đó. “Qua nhiều lần vận động mà vẫn không đạt được hiệu quả, hiệp hội thẳng thắn với các DN này, nếu không vì cái chung thì nếu có các hội chợ, các chuyến xúc tiến quảng bá thì các DN không được tham gia. Nếu không vì lợi ích chung thì không thể có lợi ích riêng”, ông Thắng cho biết.

Trở lại vấn đề sao chép sản phẩm, nữ giám đốc một DN đang khai thác sản phẩm liên quan đến áo dài truyền thống khá trăn trở: “Sản phẩm của DN chỉ mới đưa vào khai thác, dù được nhiều khách hàng đánh giá, nhưng thương hiệu thì phải cần có thời gian. Khi sản phẩm bắt đầu được một số tour biết đến, trong một cuộc họp, có một DN đứng lên phát biểu sẽ khai thác sản phẩm tương tự tại khu vực hoàng thành. Với cùng một sản phẩm, nếu vị trí hoạt động ở trong hoàng thành chắc chắn sẽ phù hợp hơn và sẽ thu hút khách so với hoạt động ở phía nam thành phố. Dù lo lắng nhưng rồi không biết làm sao, DN chỉ có cách nâng cao chất lượng sản phẩm để làm hài lòng khách mà thôi”.

Với sản phẩm trên, nếu như cả hai cùng hợp tác, chắc chắn quy mô sản phẩm, lượng khách sẽ tăng lên và nguồn thu từ việc khai thác sản phẩm từ đó cũng sẽ ổn định. Đáng tiếc, nhiều DN Huế vẫn chưa thể bước qua ngưỡng cửa để có sự tin tưởng vào nhau. Với suy nghĩ đó, vươn mình lên cao là điều không thể đối với một số DN.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 3 đã mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng, mang lại sự lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế nước này.

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

TIN MỚI

Return to top