ClockThứ Năm, 13/02/2014 11:14

Hồ sơ liên quan đến di chuyển văn khố, cổ vật... tại Huế lên Đà Lạt năm 1960

TTH - Liên quan đến việc Văn khố và tài liệu lịch sử tại Huế của Hoàng triều di chuyển lên Đà Lạt, chúng tôi đã có dịp nghiên cứu 2 bộ hồ sơ liên quan đến việc này. Trước đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu một hồ sơ về việc di chuyển tài liệu mộc bản và các tài liệu khác lên Đà Lạt thông qua tài liệu lưu trữ tại TTLTQG II - TP Hồ Chí Minh. Lần này, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi lại được tiếp cận một bộ hồ sơ khác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt. Bộ hồ sơ kí hiệu 3439, phông Tòa đại biểu chính phủ tại Trung nguyên Trung phần.

 

Trong một hồ sơ đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II đã đề cập đến việc di chuyển cổ thư và sách mộc bản, cùng tài liệu châu bản triều Nguyễn lên Đà Lạt, tuy nhiên hồ sơ không nhắc đến các cổ vật ở Viện Bảo tàng Huế. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tài liệu hồ sơ 3.439, thì nhiều cổ vật quý giá nhất đã được chuyển lên Đà Lạt năm 1960 theo xác nhận của ông Tôn Thất Đào. Có lẽ vậy nên nhiều cổ vật của Huế đã bị mất từ những cuộc di chuyển này. Mặc dù trong quá trình vận chuyển từ Viện Bảo tàng ra ga Huế và từ ga Huế đến Đà Lạt đều có sự giám sát của quân đội và những người được cử đi công cán thực thi nhiệm vụ.

 Mộc bản đang được lưu trữ tại Đà Lạt

Theo báo cáo số 1774 GĐ/BT/M ngày 6 tháng 12 năm 1960 của ông Trần Hữu Thế gửi ông Bộ trưởng phụ tá Bộ Quốc phòng về việc di chuyển văn khố và tài liệu lịch sử tại Huế lên Đà Lạt. Theo nội dung của báo cáo này thì ông Giám đốc Bảo tàng có xin sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng cho các phương tiện để di chuyển một số văn khố và tài liệu có tính lịch sử hiện tàng trữ tại các cơ quan ở Huế lên Đà Lạt.

Về phương tiện di chuyển, theo công văn số 1776 GĐ/BT/M gửi ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế kiêm Thị trưởng thị xã Huế, thì việc di chuyển sẽ dùng xe lửa để vận chuyển toàn bộ tài liệu văn khố lên Đà Lạt. Theo công văn này yêu cầu cấp giấy trưng vận hỏa xa cho Viện Bảo tàng Huế mỗi khi cần.

Trong công văn số 278/VP/BT/M ngày 10 tháng 12 năm 1960, về việc đưa ra ga Huế ngày 14 tháng 12 năm 1960, ba wagons (hai wagons 25 tấn và một wagons 12 tấn) để chở tài liệu gấp từ Huế lên Đà Lạt.Để thực thi công vụ này, Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử ông Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ ra Huế và đi lên Đà Lạt để kiểm soát việc di chuyển cổ vật từ Huế đến Đà Lạt. Những lần vận chuyển cổ vật và tài liệu lịch sử từ Viện bảo tàng đến ga Huế đều có sự can thiệp và giúp đỡ của khoảng 30 binh sĩ. Các binh sĩ này đều phải tập trung tại ga Huế đúng giờ giấc và làm việc cật lực trong vòng một ngày, để chuyển cổ vật lên tàu hỏa đi Đà Lạt.

Tuy nhiên, ngoài việc di chuyển các tài liệu lịch sử các đồ bản… thì tất cả các cổ vật tại Viện Bảo tàng Huế đều chuyển lên Đà Lạt. Để giúp vào việc chuyên chở các cổ vật nói trên từ Viện bảo tàng lên ga Huế, đã điều động thêm 6 xe GMC và 30 lính từ lúc 7h30 ngày 17 tháng 12 năm 1960. Hơn nữa để hộ tống các toa xe lửa lên Đà Lạt, Tòa Đại biểu đã mượn thêm hai tiểu đội hộ tống nữa.

Theo báo cáo của ông Tôn Thất Đào gửi ông Đại biểu chính phủ về việc đã sắp xếp 5 goong những thùng cổ vật để di chuyển lên Đà Lạt, các goong này sẽ khởi hành ngày 21 tháng chạp dương lịch. Cũng theo báo cáo tiếp theo của ông Tôn Thất Đào về việc đã đóng cẩn thận 188 thùng gỗ, có ràng buộc kẽm kỹ càng, các cổ vật quý giá nhất trong Viện Bảo tàng Huế đã được chở lên Đà Lạt bằng xe lửa trong 5 goong ngày 21/12/1960.

Việc chuyên chở đã được hoàn toàn mĩ mãn, các thùng cổ vật đã được tạm gửi tại chi nhánh văn khố và Thư viện Quốc gia tại Đà Lạt trong khi chờ đợi có trụ sở riêng.

Qua việc nghiên cứu hồ sơ thông qua tài liệu lưu trữ để lại, chúng ta mới biết được quá trình di chuyển văn khố và các cổ vật của Huế lên Đà Lạt năm 1960 quan trọng như thế nào. Mặc dù ngày nay, các hiện vật này đã tản mát nhiều nơi, song về quá trình di chuyển, nơi đến và nơi nhận chúng ta đã biết được thông qua tài liệu này.

Tài liệu lịch sử và các cổ vật tại Viện Bảo tàng Huế là di sản tài liệu quý giá của quốc gia, chính vì vậy, nó đã được chuyển đi hết lên Đà Lạt để bảo quản. Mục đích lớn lao là vậy, nhưng rồi quá trình bảo quản và ý thức gìn giữ văn khố cổ thư, cổ vật... nên mất mát là điều không tránh khỏi.

Nguyễn Huy Khuyến
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top