ClockThứ Hai, 28/11/2022 14:53

Hạnh phúc tựa khói sương

Tác phẩm “Vẫn còn nắng trên đồi”

Ngắm nhìn sương, tôi nghĩ về những người phụ nữ theo đuổi hạnh phúc của mình trong tập truyện ngắn “Vẫn còn nắng trên đồi” của Nguyễn Thị Duyên Sanh. Hạnh phúc của họ sao mà giống như lớp sương hư ảo giăng mờ giữa phố, chưa kịp chạm tay vào đã tan biến hư vô.

Đọc “Vẫn còn nắng trên đồi”, người đọc sẽ thắt lòng trước số phận của những người phụ nữ lúc nào cũng đầy trúc trắc khổ đau. Dường như, Nguyễn Thị Duyên Sanh không bao giờ chịu để cho các nhân vật của mình sống một cuộc đời yên ả. Họ luôn sống trong sự bủa vây của sóng gió. Sóng gió cuộc đời đổ xuống, và cả sóng gió trong chính con tim họ tràn ra.

Tập truyện ngắn “Vẫn còn nắng trên đồi” (do NXB Hội Nhà Văn ấn hành) gồm 12 truyện ngắn. Đó là 12 câu chuyện xoay quanh những người phụ nữ, xoay quanh hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Duyên Sanh tựa như những cây cỏ dại trên đồi, cứ lặng lẽ giữa mưa nắng cuộc đời nhưng luôn ngát lên màu xanh hy vọng. Họ cố quẫy đạp, cố vùng vẫy chống chọi lại với phận số của mình. Mỗi ngày trôi qua là một ngày đấu tranh không ngừng nghỉ để đi đến hạnh phúc.

Truyện luôn được kể bằng giọng văn chậm rãi, vừa bình dị vừa nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng sâu lắng. Truyện không có những ly kỳ gay cấn khiến người đọc hồi hộp, câu chữ cứ từ tốn chậm rãi tựa như áng mây bay ngang trời, vậy mà khiến lòng người đọc đôi lúc cứ quặn thắt, xót xa theo từng nhân vật. Họ, những người phụ nữ đa phần được tác giả xây dựng lấy bối cảnh ở nông thôn, làng quê xứ Huế. Đó là những người phụ nữ chịu thương chịu khó, tảo tần sớm hôm, họ luôn ao ước có được hạnh phúc nhưng lúc nào cũng rón rén sợ hãi, giống như nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận xét: “Nhân vật của Duyên Sanh thường sợ hãi cô đơn, trăn trở với số phận không may mắn, nhưng dường như họ rất sợ đưa tay ra chạm vào hạnh phúc”.

Có người bị cuộc đời tước mất hạnh phúc khi ban cho họ một hình hài không nguyên vẹn như Khế trong truyện ngắn cùng tên. Có người tự thỏa hiệp với chính mình khi bị cha mẹ ngăn cấm tình yêu để rồi suốt đời sống trong day dứt, hối tiếc như dì Hảo trong Valentine muộn. Đó là bà nội hết lòng vun vén hạnh phúc nhưng cứ dằn vặt mãi về bóng hình người cũ của chồng trong Bà nội người dưng… Ở họ, hạnh phúc là thứ gì đó thật xa xôi và lúc nào cũng khuyết thiếu.

Người đọc sẽ thấy thắt lòng trước hình ảnh bà nội (Bà nội người dưng) ngồi một góc khuất thật xa lặng lẽ nhìn chồng đang gặp gỡ người yêu cũ. Cả 10 năm như thế. Họ gặp nhau chẳng để làm gì, và mỗi năm bà theo dấu họ cũng chẳng để làm gì, giống như cách bà trả lời với đứa cháu trai khi nói về cuộc gặp gỡ của hai người kia: “thì chắc cũng gặp gỡ rứa thôi, chơ có để làm chi”. “Biết rứa răng mệ còn mất công đi rình coi họ?”. “Thì cũng nhìn rứa thôi, có làm chi mô”. Câu trả lời ngắn gọn, nghe có vẻ dửng dưng mà như gói gọn hết cả nỗi đau âm ỉ kìm nén, chất chồng suốt bao tháng ngày. Dường như con người đã quen chịu đựng nên không còn thấy đau hay nỗi đau đã trở thành một phần cuộc sống không thể dứt bỏ. Dẫu vậy, người đàn bà ấy vẫn hết lòng vun vén cho gia đình, cho người thân bằng trái tim ấm áp. Lòng bà cứ mềm mại như thế, yêu thương con chồng và cả đứa cháu đích tôn không phải máu mủ ruột rà bằng một trái tim thiện lương ấm áp.

Đó là cuộc đời bà Xuyến (Mẹ Xuyến), cơ cực khổ đau từ lúc lọt lòng cho đến khi bạc tóc. Vừa mới lọt lòng, cha biết Xuyến là con gái liền bỏ đi mất dạng. Mẹ lấy chồng, Xuyến được bà ngoại cưu mang. Rồi bà mất, Xuyến phải quay về ở với mẹ được vài bữa thì cha về giành nuôi. Tuổi thơ là những tháng năm bị cha ngược đãi, bạo hành. Lớn lên lấy phải người chồng không chí thú làm ăn, một mình Xuyến phải tảo tần, chạy vạy để nuôi đàn con 5 đứa. Hết chăm mẹ chồng bệnh tật thì đến chăm cha chồng, rồi chồng cũng nằm một chỗ, tất cả đều đổ lên đôi vai gầy guộc của Xuyến. Suốt cả cuộc đời, dường như người chồng chỉ là chiếc bóng đi bên cạnh bà, chẳng giúp được gì, vậy mà khi chồng mất, bà vẫn thấy hụt hẫng, mất mát cô đơn.

Đọc “Vẫn còn nắng trên đồi”, thấu cảm với từng phận người, để biết rằng dù ở hoàn cảnh nào, con người vẫn không ngừng vươn lên, mải miết chạy về phía hạnh phúc. Mỗi bước đi dù có nhọc nhằn đau khổ, thì đó cũng là những bước đi ẩn chứa hạnh phúc. Và lòng không thôi kiên định với niềm tin vững chắc, trên đồi luôn đầy nắng ấm nếu ta chịu bước lên.

Bài, ảnh: Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Return to top