ClockThứ Sáu, 11/09/2020 07:30

Hai show diễn mới phục vụ du lịch trong tương lai

TTH - Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh để hiểu hơn về chương trình và những thông điệp mà hai chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” muốn gửi đến công chúng. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết:

“Văn hiến kinh kỳ” sẽ được đưa vào nhà hátTình nguyện viên festival hướng dẫn và giúp đỡ gần 15.000 lượt kháchThiếu những show diễn

Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Cả hai chương trình được xây dựng dựa trên chất liệu văn hóa “nền”, để xây dựng một chương trình đậm chất dân dã, thể hiện được hồn cốt của văn hóa Huế.

Về chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, sẽ được dàn dựng, biểu diễn trên sông Hương, đoạn Công viên Trịnh Công Sơn. Lấy sông Hương làm chủ thể nội dung trong thiết kế kịch bản, chúng tôi muốn gửi đến khán giả và khách du lịch về “cuộc đời” dòng sông Hương. Câu chuyện kể của sông Hương trong suốt quá trình lịch sử của mình, là nhân chứng sinh động nhất, ấm áp nhất, tình cảm nhất, dữ dội nhất với lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa, kinh đô Phú Xuân cho tới hôm nay.

Có lẽ đây là lần đầu tiên có một chương trình khắc họa lịch sử Huế từ dưới đáy sông Hương. Dưới đáy sông ấy là cổ vật, là những tầng văn hoá mà khi gọi tên, nó thể hiện đầy đủ chiều dài lịch sử của sông Hương, của người Việt cổ, của kinh thành Huế, như một thế giới thứ 2 của dòng sông Hương mộng mơ và bí ẩn.

Điểm nhấn nữa, chúng tôi sẽ cố gắng biến hình thái thiên nhiên bất khả kháng là “mưa Huế” thành biểu tượng nghệ thuật. Mưa Huế trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có 4 cấp độ: mưa bay bay, dàn dựng cảnh nữ sinh đi học, hạt mưa đủ thấm bờ vai; mưa nặng hơn dành cho cảnh đoàn xích lô chở khách; mưa dày hạt nữa dành cho những cảnh gánh hàng rong và mưa dồn dập là cảnh người dân chài lưới, lao động trên sông nước. Dù ở cấp độ mưa nào Huế cũng phải đồng hành và sống.

Chúng tôi quyết định không thực hiện bất cứ biện pháp thi công cứng nào trên dòng sông mà sân khấu chỉ là dòng sông Hương mềm mại tinh khiết, tĩnh lặng và dần dần sau mỗi tiết mục nghệ thuật trình diễn, sân khấu mới hình thành dần, đắp bồi dần.

Với “Huế Show”, chương trình sẽ được diễn ra tại cung An Định, với kế hoạch 100 show diễn để kể tất cả những câu chuyện về 9 chúa 13 vua. Chương trình sẽ phân chia thành hai nội dung. Gồm những câu chuyện hiếu thảo, các vị vua yêu nước… để giáo dục tình yêu nước, lễ nghi, lễ tiết trên dưới cho học sinh, sinh viên. Nội dung thứ 2 là những câu chuyện gây tò mò về chốn thâm cung để phục vụ du khách.

Hai chương trình sẽ có kết cấu, thời lượng phù hợp để trở thành sản phẩm du lịch hoạt động lâu dài. Nhưng như thế nào đi chăng nữa, hướng đi của chương trình cũng sẽ giản dị, mộc mạc. Trước hết, chương trình sẽ hướng đến khán giả là các em học sinh. Giữa các phân đoạn, chương trình mời các nhà nghiên cứu để trao đổi với học sinh, như là một lớp học ngoài trời.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” là chương trình tiếp nối của “Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018

Vì sao ông lựa chọn văn hóa “nền” để nói về lịch sử Huế?

Tiếp nối chương trình “Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018 dựa trên văn hóa dân gian, đời sống dân dã, văn hóa “nền” của Huế mà tôi may mắn làm đạo diễn, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” tiếp tục để làm nổi bật dòng văn hóa gắn với đời sống người dân của Huế. Đó là cuộc sống lao động, tần tảo hướng tới sự mộc mạc, đơn sơ. Tôi nghĩ khai thác văn hóa “nền” là con đường đi bền bỉ hơn, hướng đến nhiều thành phần khán giả hơn.

Tôi lấy ví dụ một phân cảnh. Khi nghệ sĩ trên sân khấu rút hết, không gian vắng tanh. Xuất hiện một tiếng đi bộ lép bép trên đường rồi rao lên một tiếng “ai…lộn…”. Nghe ra thì bình thường, nhưng khắc vào tâm can của những người đến Huế và xa Huế, có thể khóc với tiếng rao ấy. Với một người yêu thương Huế và có nhiều ân tình với Huế thì tiếng đó đẹp vô cùng. Để có tiếng rao rất Huế ấy, ê kíp đã ghi âm lại từ những người đi bán trứng lộn dạo và chọn lọc tiếng rao đúng chất Huế nhất. Tôi nghĩ rằng, văn hóa bắt nguồn từ những điều nhỏ bé hàng ngày, chứ không phải những gì quá lớn lao.

Mục tiêu chính của hai chương trình là phục vụ Festival Huế 2020, sau đó mới đưa vào khai thác khách du lịch lâu dài, nhưng festival đã bị hoãn, vậy có nhiều thay đổi về kế hoạch này, thưa ông?

Thật buồn và tiếc khi Festival Huế 2020 bị hoãn vì dịch bệnh và không biết sẽ trở lại lúc nào. Tuy nhiên, với hai chương trình nói trên, chúng tôi vẫn xin phép UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho làm sau khi những biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch kết thúc. Nếu may mắn hết tháng 8/2020 này dịch hết, các biện pháp giãn cách xã hội chấm dứt, thì chúng tôi bắt đầu cho thi công 2 sân khấu và sau khi xong sân khấu, chúng tôi sẽ tập trung diễn viên để tập dượt.

Vì sao vẫn làm. Bởi vì cả hai chương trình đều phục vụ khán giả bất cứ lúc nào nếu họ tới Huế, nó không hệ luỵ vào khuôn khổ festival như các chương trình khác. Nếu bắt đầu từ festival, rõ ràng thuận lợi cho quảng bá. Còn giờ, khi tiến hành làm chương trình, buộc chúng tôi sẽ có phương án để quảng bá khác.

Chúng tôi không bị sức ép về thời gian nữa, khi Festival Huế 2020 tạm dừng, nên có thêm điều kiện tập luyện kỹ càng. Và tôi cũng sẽ lựa chọn những nghệ sĩ tên tuổi của các nước về tham gia hai chương trình này để khởi đầu thật ấn tượng, sau đó, những vai diễn của các nghệ sĩ ở xa sẽ bàn giao cho các diễn viên tại Huế để tiếp tục phục vụ khán giả.

Nếu mọi việc thuận lợi, tôi hy vọng hai chương trình hoàn thành và đón lớp khán giả đầu tiên là học sinh, sinh viên Huế vào năm học mới.

Dù không thể giới thiệu, phục vụ công chúng trong dịp Festival Huế 2020, khi lễ hội bị hoãn do dịch COVID-19, song hai chương trình nghệ thuật “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” sẽ được đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh tiếp tục triển khai để phục vụ công chúng và du khách trong tương lai.

Đức Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Return to top