ClockThứ Ba, 23/12/2014 09:39

Hai nhân vật đặc biệt dưới chân đồi A Bia

TTH - Một người có công mang cây lúa nước, thay đổi đời sống người dân nơi đây. Một người mang đến cho du khách những câu chuyện văn hóa - lịch sử sống động ở A Bia. Đến Hồng Bắc mà chưa gặp họ nghĩa là chưa hiểu hết về vùng đất này.

Khai sinh lúa nước

Dẫn chúng tôi ra ruộng lúa, ông Lê Minh Rói (60 tuổi, thôn Lê Ninh), nói về cây lúa nước một cách say sưa như một cán bộ nông nghiệp thực thụ. Ông Rói nhớ lại: “Từ xưa, bà con dân bản chỉ biết làm lúa rẫy, với gạo Ra zư nổi tiếng thơm ngon. Năm 1977, cách trồng lúa nước đầu tiên được đưa về xã Hồng Quảng. Lúc đó, già làng Quỳnh Nót (thôn Pa Đu) là người hướng dẫn dân bản trong xã trồng. Ông Nót có chuyến ra Bắc học kỹ thuật trồng lúa nước rồi về tự khai hoang trồng thử.”
Ông Lê Minh Rói tự hào là người đầu tiên đưa cây lúa về trồng dưới đồi A Bia
Lúc đó, ông Rói là thanh niên trong xã, được cử về học cách trồng cây lúa nước ở Hồng Quảng. Ròng rã mấy tháng trời ghi chép, học hỏi từ cách gieo giống, cày ải, chế tạo lưỡi cày, ủ phân…, ông trở về thôn Lê Ninh, họp dân bản nói về cách trồng lúa nước.
Thung lũng nơi gần ba ngọn suối A Rê, A Túc, A Ta được khai hoang. Phát đốt trong mấy tháng trời, nhìn lại vùng đất 3ha rộng mênh mông. Dân bản phải chặt cây chế tạo lưỡi cày; đưa ống tre dẫn nước từ suối đổ về để cày ải. Cán bộ nông nghiệp huyện đưa giống, trâu về bản. Ông Rói nhớ mãi một buổi sáng mùa xuân đầu năm 1978, khi dân bản tập trung bên khe A Túc, ông Rói là người đi đường cày đầu tiên, bà con rất phấn khởi. Cứ một buổi, cày bằng 10 người cuốc.
Hạt lúa nước đã thay đổi dần nhận thức của dân bản Lê Ninh, để rồi từ 3ha lúa khai hoang đầu tiên với 20 hộ dân trồng, phong trào trồng lúa nước được nhân rộng toàn xã. Công đoạn ngâm giống, xuống giống cũng được ông Rói tận tình chỉ bảo cho dân bản. Một thời kỹ thuật ngâm giống “một sôi hai lạnh” như đã trở thành câu khẩu hiệu để sản xuất. Ông Rói nhớ lại, cách ngâm giống hồi đó làm khá đơn giản, bỏ giống A Te (vật dụng đựng nông sản) vào ngâm, đậy lá chuối xung quanh, sau 2-3 ngày là đem đi gieo được. Rồi cách ủ phân chuồng, lần đầu tiên dân bản cũng được thấy. Thời đó, gần như nhà nào cũng có hố ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vựa lúa đầu tiên thành công ngoài mong đợi, vì hồi đó rất ít sâu bệnh. Lương thực được đáp ứng đầy đủ. Những mùa giáp hạt giờ đã là quá vãng khi đến nay, đã có hơn 100 ha lúa nước trong xã được trồng, đảm bảo nguồn lương thực cho địa phương.
Được dân bản tín nhiệm, mấy chục năm làm cán bộ, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đến nay ông Rói đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc. Khi ngồi ở ghế cán bộ rồi, ông vẫn trở về với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ những khó khăn qua từng vụ mùa. Nói như ông Rói, không phải mình tài giỏi gì, mà hồi đó, sau chiến tranh, đói quá cái đầu gối phải bò. Mình là đảng viên, phải là người đi trước.
 
Hướng dẫn viên tình nguyện
Qua lời giới thiệu của anh Lê Văn Sinh, Phó Bí thứ Đảng ủy xã Hồng Bắc, chúng tôi có dịp được gặp chị Kăn Huệ (bản Lê Ninh) đang làm hướng dẫn viên tình nguyện dưới chân đồi A Bia. Ngồi trò chuyện cùng Huệ, mới biết cách nghĩ, cách làm chân chất nhưng đầy trách nhiệm của những người con đối với địa danh lịch sử này. Chị kể, tốt nghiệp trung học phổ thông đành ở quê nhà vì con đường lên đại học dường như quá xa mờ đối với chị.
Rồi internet về bản làng, chị bắt đầu có cơ hội tìm hiểu thêm về môn lịch sử, môn học vốn yêu thích của Huệ từ thời phổ thông. Chị Huệ nhớ lại: “Có lần dưới Phòng Văn hóa huyện điện lên, bảo có khách du lịch nước ngoài và cả trong nước muốn tham quan địa danh đồi A Bia, cả xã cứ “dấm dúi” nhau cử người ra làm người dẫn đoàn. Ai cũng ngại vì mình có làm “hướng dẫn viên” bao giờ đâu. Cái khái niệm “hướng dẫn viên” còn xa lạ lắm. Ngập ngừng mãi, cuối cùng mình đành thử.”
 Đó là lần đầu tiên Kăn Huệ phải làm hướng dẫn viên. Chị nhớ mãi một ngày nắng như đổ lửa, con đường quanh co dẫn lên đồi A Bia dù được bê tông hóa nhưng cũng làm đoàn người cảm thấy nhức mắt. Lên đến nơi, bỏ xe dưới chân đồi, bắt đầu từ đây, du khách phải chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567m để lên đến đỉnh. Nhiều khách trong và ngoài nước mệt lả nhưng họ vẫn cứ đi được là nhờ câu chuyện (thông qua người phiên dịch) của Kăn Huệ. Bằng cách nói chuyện có duyên, vốn kiến thức trang bị khá đầy đủ, chị làm du khách hiểu hơn về A Bia, về địa danh A Lưới. Chị kể câu chuyện về người anh hùng Cu Lói, là một người con của bản làng Hồng Bắc. Trong trận giao tranh trên đồi A Bia năm 1969 với giặc Mỹ, đã lập nhiều chiến công. Trong trận đánh cuối cùng anh hùng Cu Lói hy sinh. Khi kể đến đây, nhiều du khách trong và ngoài nước cứ bị cuốn hút bởi câu chuyện. Nhất là du khách phương Tây, càng khâm phục hơn sự dũng cảm và kiên cường của đồng bào nơi đây.
Không chỉ là những câu chuyện chính sử, Huệ còn tìm hiểu ở già làng, người lớn tuổi, những câu chuyện dân gian, truyền miệng liên quan đến địa danh A Bia để kể cho du khách cùng nghe. Chị bảo: “Mình làm vì trách nhiệm là con em với bản làng thôi. Chứ mỗi tour như thế, phòng văn hóa huyện “bồi dưỡng” cho mình 50 nghìn đồng, tính ra không đủ tiền xăng.”
Chia sẻ về nghề nghiệp, Huệ cho hay, ngoài kiến thức, không phải một hướng diễn viên nào cũng chinh phục được gần một nghìn bậc cấp lên đỉnh A Bia. Bằng chứng là rất nhiều hướng dẫn viên, người dẫn đoàn chuyên nghiệp, khi đến A Bia phải dừng giữa chừng, “bỏ rơi’’ du khách vì không đi tới nổi.
Anh Lê Văn Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc cho hay, bao năm qua dù xã không có lương để trả nhưng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của mình, Kăn Huệ đã giúp đưa hình ảnh quê hương Hồng Bắc, đặc biệt là đồi A Bia, ra với du khách trong và ngoài nước. Để làm được việc đó, không chỉ có kiến thức, sức khỏe mà con cả một tấm lòng nữa.
Hồ Ngọc Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top