ClockThứ Tư, 14/03/2018 22:02
RA MẮT HỘI ĐỒNG TƯ VẤN DU LỊCH:

Giúp Huế trong chiến lược phát triển

TTH - Sau thời gian chuẩn bị, Hội đồng Tư vấn Du lịch Thừa Thiên Huế chính thức ra mắt chiều 14/3. Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao.

Du lịch Huế: Vẫn lận đậnLành mạnh hóa môi trường du lịchHuế chính thức có câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịchĐi du lịch cần biết quy tắc ứng xửDu lịch & lịch lãm

Lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại biểu tại buổi ra mắt

Hội đồng tư vấn du lịch cấp tỉnh đầu tiên

Phát biểu tại buổi ra mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, thời gian qua, du lịch Huế có tốc độ phát triển ổn định nhưng chất lượng chưa cao. Trong bối cảnh hiện nay, du lịch Huế cần những động lực, thiết chế mới, nhân lực và cả nguồn lực. Đó là lý do tỉnh thúc đẩy thành lập hội đồng tư vấn với mong muốn đón nhận những đóng góp cho du lịch Huế phát triển. 

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh cho biết, đây là hội đồng tư vấn du lịch cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Các thành viên tham gia hội đồng là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực lữ hành, lưu trú, truyền thông, hàng không…Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quản lý, các chính sách vĩ mô, các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch; tạo diễn đàn cho các vấn đề...

Hội đồng sẽ dự báo, đề xuất định hướng phát triển du lịch trên cơ sở xu hướng phát triển du lịch của thế giới và các nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm, đảm bảo tăng trưởng bền vững; phát hiện, thẩm định các vấn đề cụ thể mà ngành du lịch Huế đang phải đối mặt, đề xuất các giải pháp phù hợp và khả thi thông qua việc khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin về các hoạt động du lịch, lữ hành, khách sạn và các dịch vụ liên quan khác; hỗ trợ và huy động các nguồn lực khác của xã hội trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch xây dựng sản phẩm du lịch.

 Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các thành viên của hội đồng tư vấn

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia khẳng định, hội đồng hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không vì mục đích sinh lợi cá nhân, nhằm tư vấn cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch; đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch về các vấn đề đang được quan tâm giải quyết trong ngành Du lịch Thừa Thiên Huế.

Xác định rõ  thị trường 

Ông Trần Trọng Kiên phân tích, thế mạnh của Huế là văn hóa, thiên nhiên, con người…nhưng sản phẩm thiếu đa dạng; nhân lực quản lý cao cấp du lịch còn thiếu; hạ tầng giao thông, sân bay ở Huế chưa đáp ứng được cạnh tranh; định vị thương hiệu du lịch Huế chưa rõ.

Từ đánh giá thực tế, hội đồng tư vấn đã có những đóng góp đầu tiên về chiến lược phát cho Huế trong thời gian đến.

Ông Trần Trọng Kiên cho rằng, Huế sớm có chính sách để tăng số lượng nhân lực chất lượng cao về quản lý; xây dựng chuỗi sản phẩm đặc trưng của Huế, kết hợp với danh hiệu thành phố xanh; tập trung nâng cấp hạ tầng, quan trọng nhất là sân bay, công suất sân bay ở Huế phải được nâng lên 5-10 triệu lượt khách/năm.

Hội đồng tư vấn đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ giúp Huế thu 1,8 tỷ USD trực tiếp từ du lịch, bằng cách có 6 triệu đến Huế, nâng số ngày lưu trú trung bình của khách lên 3 ngày, mức chi tiêu trung bình lên 200 USD người/ngày, đem lại thu nhập cao, khoảng 12 triệu đồng/tháng cho nhân lực phục vụ trực tiếp.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội đồng tình với việc Huế cần sớm nâng cấp sân bay. Theo ông Adam, Huế cần có chiến lược thu hút đầu tư mang tính dài hạn.  Kêu gọi các tập đoàn lớn để điều hành và khai thác tại sân bay. Với mối quan hệ của các nhà đầu tư lớn sẽ kêu gọi thêm những nhà đầu tư khác vào khai thác sân bay hiệu quả hơn. Theo dự báo, các sân bay lân cận Huế sẽ quá tải trong ít năm nữa nên Huế có nhiều cơ hội để phát triển.

Các đại biểu đều cho rằng, Huế phải xác định rõ thương hiệu riêng, dựa trên thế mạnh sẵn có và định hướng trong tương lai. Từ đó, phân khúc đúng dòng khách về độ tuổi, thu nhập… để xúc tiến và xây dựng các sản phẩm phù hợp. “Văn hóa, ẩm thực, sự mến khách của người dân, sông Hương… là những lợi thế so sánh của Huế, đó là những thương hiệu có thể tạo nên “bản sắc” riêng”, ông John Tuệ Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đường Mòn Đông  Dương góp ý.

Ông Ho Kwon Ping, Chủ tịch Banyan Tree Holding and Resort Pte chia sẻ, Huế cần tạo nên “sức sống” cho di sản bằng các dịch vụ, bằng cách có chính sách hợp tác rõ ràng với khối tư nhân để doanh nghiệp tạo “sức sống”. Cần có cơ sở dữ liệu, thông tin cung cấp cho mỗi doanh nghiệp khi đến Huế đầu tư.

Ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Vietravel nói: “Tôi đề xuất ẩm thực sẽ là định dạng thương hiệu cho du lịch Huế thời gian đến, bằng slogan “Kinh đô ẩm thực”. Huế chiếm đến 60% các món ăn trong cả nước thì không “dại gì” không khuếch trương thương hiệu này”.

Phát biểu kết thúc buổi ra mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, định hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế là tập trung nâng cao chất lượng, nâng mức chi tiêu của khách. Tỉnh sẽ tăng cường làm việc với Chính phủ để sớm nâng cấp sân bay Phú Bài. Xác định cụ thể thị trường và phân khúc để phát triển trong thời gian đến.

Với sự ra đời của hội đồng tư vấn, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn có những đóng góp mang tầm chiến lược để đưa du lịch Huế phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top