ClockThứ Năm, 30/12/2010 21:27

Giữ cho Cố đô vẹn nguyên những giá trị

TTH - Chiều cuối năm. Nắng vàng như những sợi tơ mảnh giăng trên phố Huế. Lãng đãng quanh Thành nội, mãi khi nhoẻn cười với anh  đã quen mới nhận ra đôi chân đã tìm về “Vô sự...”. Ấy cũng là điều lành.

“Vô sự lâu”

Lầu Tứ phương Vô sự được xây dựng trên Bắc Khuyết đài của Hoàng thành Huế vào nửa đầu thế kỷ XX. Sử cũ, năm Gia Long thứ 3 (1804), nhà vua đã giao cho hai đại thần là Nguyễn Văn Chương và Lê Chất đảm nhận việc xây dựng Hoàng thành, trong đó có Bắc Khuyết đài, Tây Khuyết đài và Đông Khuyết đài. Ấy chính là những điểm chốt phòng ngự rất quan trọng để bảo vệ cho ba mặt của Hoàng thành. Trên mỗi đài có một ngôi nhà vuông bằng gỗ, như “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn”, ngôi nhà trên Bắc Khuyết đài là Đình Tứ Thông. Tứ Thông ít nhất đã được 2 lần tu sửa. Đến 1923, vua Khải Định cho xây dựng trên nền cũ của Đình Tứ Thông một ngôi nhà hai tầng với phong cách pha lẫn Âu – Á và định tên Tứ phương Vô sự, với niềm mong mọi sự an bình! Xưa, đây là nơi các hoàng tử, công chúa thời cuối triều nhà Nguyễn vui chơi, học tập, cũng là nơi hóng mát, ngắm cảnh của những bậc uy quyền chốn Hoàng gia... Thời gian và chiến tranh, Tứ phương Vô sự cùng Bắc Khuyết đài đều hoang tàn, đổ nát. Nhưng không như một số phế tích khác, Tứ phương Vô sự đã là sự lựa chọn “độc” của không ít đôi tình nhân khi họ chọn đây làm điểm dừng lý tưởng cho những góc ảnh cưới đầy lãng mạn. “...Tựa như họ mong ước, hạnh phúc sẽ được dựng xây vững bền từ những đổ nát, rêu phong. Hay dắt díu nhau tìm kiếm ở “vô sự lâu” sự thanh thản, không vướng bận sự đời cho cuộc sống vốn quá bề bộn lo toan vậy”, Đạt Nguyên, một người con yêu Huế, cảm nhận.

Di tích Tứ phương Vô sự
Để trả lại một khu di tích quý về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cũng như trả lại diện mạo kiến trúc Hoàng thành, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại di tích Lầu Tứ phương Vô sự. Qua các hạng mục được thực hiện, như: tường thành, lan can trên tường thành, tôn tạo sân vườn... công trình đạt được các yêu cầu về mỹ thuật và kỹ thuật. Đặc biệt, công trình đã vượt qua được lực cản khó nhất, như ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân Viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị thi công, chia sẻ: “Chúng ta bảo tồn và tu bổ di tích dựa trên các yếu tố nguyên gốc. Vấn đề khó nhất ở đây là làm thế nào để kích đẩy một đoạn tường của Bắc Khuyết đài, vốn đã bị lệch hơn 1m so với tim tường, trở lại vị trí ban đầu mà không phải phá bỏ, đồng thời đảm bảo khả năng chịu lực của nó. Chúng tôi đã chọn phương án kích đẩy để đưa đoạn tường bị xô lệch về vị trí cũ mà không phải phá bỏ đi để xây lại, mỗi lần kích đẩy khoảng 100 tấn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng phương pháp này để thực hiện các dự án thuộc quần thể di tích Huế và đã thành công”. Nói về công trình này, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cũng ấm niềm tự hào: “Bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Lầu Tứ phương Vô sự có tổng mức vốn đầu tư không lớn, nhưng có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và lịch sử. Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội xác định đưa vào danh mục các công trình chào mừng Đại lễ”.
Cố đô sống mãi  
Vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, công cuộc BTDTCĐ Huế đang từng bước hồi sinh và được trả lại diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Đó là thắng lợi từ chính sách bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; từ những nỗ lực mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã thực hiện được; từ sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành ở Trung ương và từ sự giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Hình ảnh trong Lễ tế Xã Tắc-một lễ hội cung đình đã được phục dựng
Nhìn lại công cuộc trùng tu để cứu vãn di tích Huế, TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, có nhiều ghi nhận lạc quan: Công cuộc bảo tồn di sản Huế đã tạo nên một sự hồi sinh kỳ diệu trên rất nhiều lĩnh vực, như hệ thống hạ tầng, cảnh quan môi trường, các di sản văn hoá phi vật thể và một điều rất quan trọng cần nhấn mạnh, là ý thức của tất cả các tầng lớp nhân dân đối với di sản văn hoá. 15 năm bảo tồn di sản Huế chính là quá trình đưa di sản văn hoá Huế hội nhập với thế giới. Huế trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có 2 di sản Văn hoá thế giới, cả vật thể và phi vật thể. Với nền tảng di sản ấy, Festival Huế tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần đã trở thành ngày hội giao lưu văn hoá quốc tế mà ít tỉnh thành nào khác có thể làm được. Hơn nữa, quá trình này cũng đã và đang nuôi dưỡng, đào tạo một nguồn nhân lực rất quan trọng để phục vụ cho chính công tác bảo tồn di sản Huế. Với nguồn nhân lực hiện có, Huế đủ sức đẩy mạnh tiến độ trùng tu, phục hồi các di tích nếu có đủ nguồn vốn”.
Với Huế, năm nay niềm vui cũng đong đầy khi Chính phủ phê duyệt “Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020” với khoản đầu tư 2.300 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thiện tổng thể di tích Huế, từ vật thể, phi vật thể đến cảnh quan thiên nhiên của khu vực kinh thành, các lăng tẩm và các điểm di tích khác. Điều này cộng hưởng cùng chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 48-KL/TƯ về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, đồng ý với chủ trương ưu tiên vốn, từ nguồn trái phiếu hoặc nguồn vốn đặc biệt từ chương trình hỗ trợ có mục tiêu quốc gia, để tập trung tôn tạo di tích, tạo nguồn lực “kích đẩy” vô cùng ý nghĩa với di tích Huế. Và chắc chắn, nỗi băn khoăn “... nếu có đủ nguồn vốn” của TS. Phan Thanh Hải cũng nhẹ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, anh cũng không chủ quan: “Trong 10 năm tới, nguồn vốn huy động cho công tác bảo tồn di sản Huế sẽ phụ thuộc nhiều vào những nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, Chính phủ và các ban ngành liên quan; cũng như hiệu quả của công tác hợp tác đối ngoại và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là Trung tâm BTDTCĐ Huế, đơn vị đang được giao trọng trách trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế”. Đó cũng là sự quyết tâm. Với kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực hiện công cuộc bảo tồn di tích Huế.
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top