ClockThứ Sáu, 22/07/2022 06:57

Gấp rút chuẩn bị lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022

TTH - Lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022 tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền) sắp diễn ra. Hiện, công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được gấp rút triển khai để chào đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Nhộn nhịp với phiên chợ “Hương xưa làng cổ” lần thứ 2Tạo dựng thương hiệu “Hương xưa làng cổ” cho Phước TíchTrải nghiệm ở Phiên chợ “Hương xưa làng cổ”

Hoạt động chợ quê sẽ được tái hiện trong lễ hội "Hương xưa làng cổ"

Khẩn trương tập luyện

Tham gia lễ hội “Hương xưa làng cổ”, xã Phong Bình, huyện Phong Điền có 2 tiết mục biểu diễn, là múa chạy chữ Thiên hạ thái bình và hát Sắc Bùa. Một không khí tập luyện khẩn trương, say sưa của các diễn viên quần chúng ở làng Phò Trạch và các em học sinh xã Phong Bình trong những ngày này. Tất cả đã sẵn sàng biểu diễn tại đêm khai mạc lễ hội “Hương xưa làng cổ”. Đặc trưng của tiết mục múa chạy chữ Thiên hạ thái bình là trang phục áo quần màu hồng, khoác yếm hoa có dải màu sặc sỡ, đôi tay cầm “lam ba” của các em học sinh; với hát Sắc Bùa, các diễn viên mặc áo mã tiên có thêu hình long hổ, tay cầm kích, đại đao, huyền trượng…

Ông Nguyễn Đức Bút, diễn viên quần chúng xã Phong Bình chia sẻ, hát Sắc Bùa của làng Phò Trạch là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, đội biểu diễn đang tích cực luyện tập cho nhuần nhuyễn các động tác, điệu múa để biểu diễn tại đêm khai mạc. Trước đó, chúng tôi rất vinh dự được tham gia biểu diễn tại Lễ hội đường phố Festival Huế 2022. Tham gia các hoạt động, lễ hội lớn như thế, sẽ giúp bảo tồn gìn giữ, phát huy và quảng bá những bản sắc văn hóa dân gian vốn có của địa phương đến với du khách.

Cùng với không khí luyện tập tại xã Phong Bình, những ngày này tại làng cổ Phước Tích, địa điểm tổ chức lễ hội, người dân khẩn trương chỉnh trang, quét dọn, lau chùi nhà lại nhà cửa, cắt tỉa gọn gàng lại các hàng chè tàu, sân vườn và đang rất phấn khởi để đón du khách tham quan, trải nghiệm. Qua 7 kỳ diễn ra lễ hội, kinh nghiệm được đúc rút để người dân thể hiện tốt hơn vai trò chủ thể, nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách những nét văn hóa tiêu biểu của ngôi làng có lịch sử hình thành trên 500 năm, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Ông Hồ Văn Tế, chủ nhân một ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích cho biết, để chào mừng lễ hội “Hương xưa làng cổ”, người dân trong làng chủ động quét dọn, làm vệ sinh để tạo bộ mặt cho làng cổ. Để đón các du khách đến lưu trú tại nhà, gia đình ông Tế cũng trang hoàng lại các phòng ngủ và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng phục vụ khách lưu trú, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị đáng nhớ khi đến với làng cổ cuối tuần này.

Hoạt động chợ quê sẽ được tái hiện trong lễ hội "Hương xưa làng cổ"

Sẵn sàng đón khách

Chị Lê Thị Kim Đức, xã Phong Hòa, một hộ dân sẽ tham gia phục vụ ẩm thực dân dã ở Phước Tích tại lễ hội sắp đến chia sẻ, những hộ gia đình tham gia lễ hội đều mong muốn giới thiệu các đặc sản, đem đến du khách những trải nghiệm thú vị của một vùng nông thôn, gắn với đình làng, bến nước, những ngôi nhà cổ, các món ăn dân dã… Ai cũng mong chợ quê ngày càng phát triển; qua đó, thu hút được nhiều du khách, giúp người dân phát triển kinh tế từ du lịch.

Nữ du khách trẻ Lê Thị Hiền, đến từ Quảng Trị cho biết, bản thân là thế hệ trẻ, được sinh ra trong thời hiện đại, khi tham gia trải nghiệm các hoạt động cuộc sống ở miền quê của “Hương xưa làng cổ” được tổ chức trước đó, nữ du khách rất thích thú và khẳng định sẽ tiếp tục sẽ tham gia và rủ thêm bạn bè, các em nhỏ quanh nhà cùng về trải nghiệm các hoạt động của lễ hội sắp đến.

Lễ hội “Hương xưa làng cổ” được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2022 gắn với lễ hội bốn mùa. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 23 - 25/7 và được khai mạc vào tối 23/7, với các hoạt chính gồm phần lễ, phần hội và tham quan du lịch. Cùng với đó là các hoạt động được tổ chức như phiên chợ “Hương xưa làng cổ”; giới thiệu và trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống làng nghề, sản phẩm nông sản, đặc sản và các sản phẩm OCOP. Hội thi “Làm bánh truyền thống”, “Sắp xếp mâm ngũ quả” và hội thi “Bịt mắt nấu cơm niêu”; các trò chơi dân gian truyền thống như “Bịt mắt đập om”, “Bịt mắt bắt vịt”; đua ghe truyền thống trên sông Ô Lâu, kéo co, đẩy gậy.

Cùng với đó là các chương trình tour du lịch tham quan nhà rường cổ, các điểm di tích, trải nghiệm xe đạp, thuyền máy, đi thuyền rồng và sup trên sông Ô Lâu; quảng diễn và trải nghiệm làm gốm Phước Tích, đan đệm bàng Phò Trạch, trải nghiệm nghề bánh truyền thống; thưởng thức các món ăn ẩm thực dân dã của địa phương… tất cả hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những cảm giác mới lạ, khó quên.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022 sẽ tái hiện không gian văn hóa với các hoạt động mang tính cộng đồng, thông qua lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử đồng thời giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc về mảnh đất và con người Phong Điền đến với bạn bè trong và ngoài nước. Qua đó, nghiên cứu và tính toán để mở quy mô của phiên chợ, mời các gian hàng ở các khu vực đến giao lưu và nâng tầm phiên chợ, hướng đến xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo của Phong Điền… Với sự chuẩn bị chu đáo và làm phong phú thêm các hoạt động, hy vọng kỳ tổ chức lễ hội lần này sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách”.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Du lịch lễ hội: Nỗi lo khách một, chủ nhà mười

Không ít quốc gia trên thế giới làm giàu từ du lịch lễ hội, hoặc khẳng định thương hiệu nhờ lễ hội. Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có không ít lễ hội được tổ chức, nhất là dịp đầu năm, nhưng quan trọng là làm sao khai thác hiệu quả.

Du lịch lễ hội Nỗi lo khách một, chủ nhà mười
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Return to top