ClockThứ Tư, 12/07/2017 05:36

Gắn kết, phát triển du lịch thể thao: Khó nhưng sẽ có hướng

TTH - Ở nhiều nơi, việc gắn kết giữa thể thao và du lịch tạo ra hướng đi mới, thu hút khách du lịch đang được triển khai tốt, trong khi tại Huế vẫn còn khó. Tìm hướng đi cho du lịch thể thao là vấn đề đang được quan tâm.

Nhiều khó khăn

Tháng 5/2017, biển Thuận An được chọn làm nơi diễn ra giải đá cầu bãi biển toàn quốc. Ngoài chủ nhà Thừa Thiên Huế, giải quy tụ các đoàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An và Đà Nẵng nên đây là cơ hội tốt cho du lịch (DL) biển. Song, đáng tiếc là sức hút từ giải đấu này với khách DL vẫn chưa được như mong muốn.

Đạp xe ngang qua tuyến đường có các điểm di tích là một sự lựa chọn cho du lịch thể thao tại Huế

Không phải đến năm nay, Huế mới có thể thao trên biển mà từ nhiều năm trước, đá bóng bãi biển đã được áp dụng với mục tiêu phát triển thể thao qua đó thúc đẩy DL. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng, lượng du khách đến thụ hưởng "giá trị hai trong một" này còn ít. Trong khi DL kết hợp xem thi đấu thể thao còn hạn chế thì hoạt động DL có sự tham gia của thể thao (DL với mục đích tham gia hoạt động thể thao) vẫn là bài toán khó với Huế. So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Huế mới chỉ có gold, khinh khí cầu và một số môn chơi khác nhưng số lượng người tham gia còn ít, chủ yếu là đối tượng có điều kiện, trong khi các loại hình du lịch trên biển như lướt ván, thi thuyền buồm… còn thiếu, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển DL (Sở DL) cho biết, để phát triển loại hình DL kết hợp xem thi đấu thể thao, Huế phải là trung tâm thể thao lớn, thu hút các giải thể thao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thể thao thành tích cao của Huế phải có một vị trí xứng tầm trong “bản đồ” thể thao quốc gia. Tuy nhiên, những điều kiện trên vẫn đang phần nào bị giới hạn. Ở hoạt động DL, có sự tham gia của thể thao, các dịch vụ vẫn còn thiếu.

Tìm hướng đi cho Huế

Tại hội nghị quốc tế về Du lịch thể thao được tổ chức tại TP. Đà Nẵng (29/6/2016), nhân sự kiện Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5, các chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những khẳng định chung rằng, du lịch thể thao đang là động lực lớn của ngành DL toàn cầu, bởi DL là ngành công nghiệp hàng đầu còn thể thao được xem là số 1 trong lĩnh vực giải trí. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy còn Huế thì sao (?)”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở DL cho biết, ngành DL Huế vẫn lấy DL di sản làm cốt lõi, sau đó lấy các loại hình khác để tạo ra sự phong phú, đa dạng. DL thể thao là vấn đề ngành DL địa phương đang trăn trở. Muốn loại hình DL kết hợp xem thi đấu thể thao phát triển bản thân ngành thể thao của tỉnh phải có “sức hút”. Với loại hình DL có sự tham gia của thể thao, nhất là thể thao trên biển, các địa phương bạn đã có nhiều sản phẩm DL áp dụng lâu nay, do vậy khi tổ chức phải tránh trùng lặp.

Khó khăn nhưng không phải không có hướng. Theo ông Phúc, ý tưởng từ các sản phẩm DL thể thao đang được ngành DL quan tâm. Hiện tại, ngành DL đang phối hợp với một nhóm các doanh nghiệp của Singapore nghiên cứu về ý tưởng tổ chức giải marathon hoặc mini marathon qua tuyến đường có các điểm di tích của Huế hoặc khám phá làng cổ, đầm phá. Đối tượng tham gia là các du khách, vừa tham gia hoạt động thể thao nhưng vừa trải nghiệm cảnh đẹp, di tích Huế. Bên cạnh đó, một giải xe đạp không chuyên cũng đang là sự lựa chọn mà ngành DL đang tính đến.

Ở biển, ngành DL có ý tưởng như phối hợp ngành thể thao tổ chức các giải bóng chuyền bãi biển, động viên các xã biển quan tâm tập luyện, hình thành một môn thể thao truyền thống tạo ra sự tò mò cho du khách. Ngoài ra, có thể tổ chức hoạt động thể thao chạy 3 môn phối hợp bơi - đạp xe - chạy bộ để du khách tham gia.

Ngành DL cũng đang tính đến phương án thảo luận kỹ với ngành thể thao tổ chức các giải đua xe đạp lòng chảo trên sân Tự Do hoặc các loại hình thể thao gắn liền với điều kiện sẵn có của Huế. “Tuy du lịch và văn hóa & thể thao đã tách ra nhưng có lợi thế trước đây là một mái nhà chung, hiểu nhau nên thuận lợi tìm được phương án cho hướng đi du lịch thể thao”, ông Phúc bày tỏ. Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cho rằng, văn hóa thể thao là nền tảng để khai thác DL, ngược lại DL cũng phục vụ nhu cầu du khách thụ hưởng các giá trị văn hóa thể thao. Vì lẽ đó mà những năm qua, Sở Văn hóa &à Thể thao chú ý đến các hoạt động thể thao, nhất là các giải thể thao trên biển nhằm góp phần thúc đẩy DL biển phát triển. Trong tương lai, sự gắn bó giữa hai bên sẽ được quan tâm hơn.

Để thúc đẩy du lịch thể thao phát triển, ngoài sự phối hợp giữa ngành DL và ngành thể thao vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là hệ thống giao thông phục vụ thể thao. Ngoài ra, cần có sự phối hợp với các ban ngành, địa phương nâng cấp dịch vụ tại các điểm tham quan để phục vụ khách.

Kinh phí là vấn đề khó khăn nhất. Theo ngành DL, để du lịch thể thao phát triển, ngoài sự nỗ lực của ngành và các đơn vị hữu quan, rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành DL. “Các doanh nghiệp du lịch có thể đồng hành tổ chức các giải, trong khi đó các doanh nghiệp khác có thể hỗ trợ áo quần, giày thể thao, nước,… để hoạt động được tổ chức quy mô, bài bản hơn”, ông Phúc nói.

Tại hội nghị quốc tế về Du lịch thể thao được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin về du lịch thể thao, trong đó có thông tin hãng truyền thông đa phương tiện E EuroSport đánh giá du lịch thể thao đóng góp khoảng 800 tỷ USD, chiếm 10% thu nhập du lịch thế giới và đang trên đà tăng khoảng 14% mỗi năm. Họ nhận định: “Du lịch thể thao là trái tim tăng trưởng du lịch toàn cầu”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top