ClockThứ Tư, 05/05/2021 22:06

Gắn kết lữ hành, tạo đà hồi phục

TTH - Trong giai đoạn phải “tổng lực” để doanh nghiệp lữ hành sớm quay trở lại, việc kết nối, hợp tác là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Gắn kết lữ hànhDu lịch Huế: Còn thiếu gắn kết“Kịch bản” đón khách đến HuếTạo sức bật cho du lịch cộng đồngTrải nghiệm sản phẩm du lịch thông minh và thân thiện môi trường

Doanh nghiệp lữ hành trải nghiệm dịch vụ để xây dựng tour đến Huế

Kết nối đưa khách đến Huế

Ngày 29/4, gần 200 khách trên chuyến “charter” bằng tàu hỏa (thuê nguyên chuyến) đến Huế du lịch với chủ đề “tham quan di sản miền Trung”. Lịch trình tour sẽ là Hà Nội - Huế - Hoàng Cung - Rú Chá - phá Tam Giang. Đây là tour tàu hỏa thuê nguyên chuyến được CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức đến Huế đầu tiên trong mùa hè 2021, sau một thời gian chuẩn bị, hợp tác đồng bộ giữa CLB, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (HARACO), Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và cơ quan quản lý du lịch của Cố đô.

Bên cạnh tour “charter” độc lập đến Huế, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đồng thời khai thác thêm tour Hà Nội – Huế - Đà Nẵng – chùa Linh Ứng – Hội An. Ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO cho biết, ngay khi có kế hoạch, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị lữ hành, nhất là phía đối tác của Huế; các bên đã cung ứng được nhiều gói sản phẩm du lịch nhằm hướng tới mục tiêu giá rẻ, nhưng chất lượng không giảm. Tour sẽ duy trì trong suốt mùa hè và sẽ được khởi hành vào thứ 5 hàng tuần.

Thành viên Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam trải nghiệm dịch vụ trên phá Tam Giang

“Chúng tôi rất kỳ vọng không chỉ giúp CLB có thêm sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của khách Thủ đô và các thị trường ở khu vực miền Bắc, sự hợp tác chặt chẽ này còn giúp các doanh nghiệp cùng nhau hỗ trợ phục hồi ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (Hiệp Hội Du lịch Việt Nam) còn tổ chức chuyến famtrip với chủ đề “Miền Trung đón bạn” tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị. Đoàn khảo sát với gần 100 giám đốc các công ty du lịch thuộc Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, nhằm kết nối, giao lưu, để từ đó xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh; phát triển hệ thống du lịch cộng đồng bền vững; đưa ra giải pháp phục hồi, hướng đến phát triển du lịch hậu COVID-19.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, các thành viên trong đoàn từng đi khắp cả nước để trải nghiệm du lịch cộng đồng, nhưng đã vô cùng bất ngờ khi đến Huế. Lần đầu tiên được trải nghiệm tour “Chiều trên phá Tam Giang”, trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng, như chụp ảnh tại làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh, trải nghiệm hoạt động đổ nò, bắt trìa… và nướng ăn ngay trên mạn thuyền; săn ảnh hoàng hôn trên phá tuyệt đẹp. Sau đó là thưởng thức đặc sản vùng đầm phá tại nhà hàng bên sóng nước…

Tại Huế, đoàn khảo sát cũng đã đến tìm hiểu và trải nghiệm các hoạt động đời sống bản sắc người Paco, Vân Kiều tại làng du lịch cộng đồng A Nor, A Lưới, như tắm thác, xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác A Nôr... Đây là một trong những mô hình du lịch cộng đồng được Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam hỗ trợ xây dựng trong năm 2019. Vì vậy, chuyến quay trở lại này còn để kiểm tra dịch vụ, tiếp tục hỗ trợ A Lưới thu hút thêm khách trong thời gian đến.

Anh Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng thông tin, sau chương trình famtrip của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam đến Tam Giang, nhiều công ty đã nhanh chóng điều chỉnh tour khi đến Huế và dành một buổi chiều cho vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi trở về, nhiều công ty cũng đã trao đổi, kết nối, lấy giá tour và cho biết sẽ đưa đến một lượng khách đáng kể ngay trong hè 2021 này.

Hợp lực để tạo sức mạnh

Sự tổn thất và khó khăn chồng chất của doanh nghiệp du lịch do dịch COVID-19 gây ra rất lớn. Trong những lĩnh vực của du lịch, lữ hành khó phục hồi hơn cả. Khách quốc tế chưa trở lại, nên phụ thuộc hoàn toàn vào khách nội địa; trong khi đó, nghiên cứu mới đây của Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia, xu hướng khách đi tự do, tự túc trở nên phổ biến hơn. Nhiều khách không cần thông qua lữ hành nữa, hoặc có cũng đặt tour trong tư thế bất ngờ, sát ngày nên lữ hành phần nào khó có thể xây dựng những mức giá tour hợp lý.

Du khách tham quan lăng Tự Đức

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, doanh nghiệp ở Huế chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ. Nếu một mình sẽ thật khó để có những giải pháp tối ưu giúp phục hồi, thu hút lại lượng khách sớm nhất có thể. Vì vậy, liên kết, hợp tác vẫn là giải pháp luôn chứng minh được tính hiệu quả và bền vững. Thời gian qua, với sự chủ động của ngành, nhiều sự kiện, hội nghị kết nối đã được diễn ra và đạt được không ít hiệu quả trong liên kết. Thực tiễn này càng đòi hỏi phải có thêm nhiều liên kết hơn nữa, nhất là gắn kết mới ở lĩnh vực lữ hành. Trước hết là giúp chính doanh nghiệp phục hồi, sau đó là điểm đến Huế có được nguồn khách tốt hơn.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thông tin thêm, bên cạnh sự hợp tác với các hội, nhóm lữ hành hai đầu, lữ hành 4 địa phương Huế - Quảng Bình - Đà Nẵng - Quảng Nam cũng đã có những liên kết để cùng khai thác tour tuyến chung “miền Trung đón bạn”. Chưa bao giờ một chương trình du lịch mà có sự hợp lực lớn từ nhiều phía, doanh nghiệp du lịch và đặc biệt là sự đồng hành từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì thế, theo dự báo, miền Trung sẽ là điểm đến đón lượng khách lớn nhất cả nước trong mùa hè 2021 này.

Theo đại diện Hội Lữ hành tỉnh, trong hợp tác phát triển luôn có hai chiều. Bên cạnh sự hỗ trợ đưa khách từ bên ngoài đến Huế, thì còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ tại các điểm đến. Do đó, đòi hỏi du lịch Cố đô sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Điều này cần nhìn nhận lại, bởi doanh nghiệp của Huế chưa phát huy được vai trò, sự hợp tác nội tại giữa nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cao.

Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa đang tăng mạnh khi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè đang đến gần. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch COVID-19, các hoạt động dịch vụ du lịch đang sôi động trở lại, các chương trình kích cầu du lịch nội địa đang diễn ra ở hầu hết các trọng điểm du lịch trên toàn quốc. Do đó, sự chủ động là yêu cầu cần đặt ra từ bây giờ đối với ngành du lịch Huế. Các doanh nghiệp hãy chủ động kết nối mới giúp du lịch Huế sớm phục hồi.

Tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 chủ đề “Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” được tổ chức tại Ninh Bình ngày 15/4, tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng đề nghị, liên kết là yếu tố quyết định để ngành du lịch cả nước đạt được mục tiêu phục hồi. Tất cả doanh nghiệp hãy là những “vectơ” cùng chiều, khi cùng gắn kết với nhau sẽ tạo thành lực rất lớn, bệ phóng vững chắc, cùng nhau tìm đến đích cuối là phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top