ClockThứ Tư, 24/08/2016 05:46

Đường bay Huế - Nha Trang: Phải kết nối được với lữ hành

TTH - Đầu tháng 8/2016, Hãng Hàng không Jetstar Pacific tạm thời dừng hoạt động đường bay Huế - Nha Trang. Chủ trương của tỉnh Thừa Thiên Huế và Hãng Hàng không Jetstar Pacific là sẽ cùng nhau gỡ khó để tiếp tục duy trì đường bay.

Đường bay Huế - Nha Trang chính thức được khai thác vào tháng 4/2016

Khó thu hút

Ngày 26/4/2016, đường bay Huế - Nha Trang chính thức được khai thác, với hai chuyến mỗi tuần. Sau hơn 3 tháng hoạt động, đầu tháng 8, Hãng Hàng không Jetstar Pacific dừng khai thác. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc Jetstar Pacific chi nhánh Huế cho hay, nguồn khách không ổn định là nguyên nhân chính khiến Jetstar tạm thời ngưng khai thác đường bay này.

Theo Hãng Hàng không Jetstar Pacific, thời gian đầu, để thu hút khách, hãng tung ra các chương trình khuyến mãi, hạ giá vé thì khách đi nhiều. Sau một thời gian, hãng tăng giá vé lên thì khách ít dần. Hai dòng máy bay được sử dụng cho đường bay Huế - Nha Trang là A320 và A321, với 180 ghế phổ thông. Trong mỗi chuyến bay, nếu có khoảng 120 khách trở lên là có thể duy trì đường bay lâu dài.

Qua thống kê của Sở Du lịch, trong hai chiều của đường bay, hướng Huế vào Nha Trang có lượng khách khá ổn định. Hướng ngược lại, Nha Trang ra Huế thì khách rất ít, chỉ khoảng 50-70 khách mỗi chuyến. Khi mở chuyến bay này, ngoài khai thác khách nội địa ở Nha Trang, nguồn khách chính mà du lịch Huế và Jetstar Pacific nhắm đến là khách châu Âu, đặc biệt là khách Nga khi đến Nha Trang sẽ ra Huế. Nhưng mùa du lịch năm nay, lượng khách châu Âu đến Nha Trang giảm mạnh.

Đường bay Huế - Nha Trang chính thức được khai thác vào tháng 4/2016

Mỗi tuần, đường bay khai thác 2 chuyến, vào các ngày thứ 3 và thứ 7; khởi hành từ sân bay Phú  Bài (Huế) lúc 17 giờ 45 phút, hạ cánh ở sân bay Cam Ranh (Nha Trang) lúc 19 giờ. Ngược lại, bay từ Cam Ranh lúc 19 giờ 35 phút và đến Phú Bài lúc 20 giờ 15 phút. Giờ bay và lịch bay này, nhiều doanh nghiệp ở Huế đều cho rằng đã gây khó cho du khách. Do bay buổi chiều tối nên hạ cánh khá muộn, dù chỉ lưu trú vào buổi tối, nhưng khách phải trả tiền nguyên ngày, kéo theo tăng giá tour. Về lịch bay, chuyến bay vào thứ 3 rất ít khách đi vì vào ngày làm việc; ngày thứ 7, bay buổi chiều tối, đến Huế hoặc Nha Trang du khách chỉ chơi được ngày chủ nhật rồi lại phải quay về làm việc nên càng khó thu hút.

Thông thường, trong kinh doanh, thời gian ban đầu luôn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần duy trì đường bay, hỗ trợ giá là giải pháp được đưa ra. Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tỉnh và Jetstar Pacific xác định hỗ trợ giá là giải pháp không lâu dài, thông thường sẽ hỗ trợ trong một thời gian nhất định. Quan trọng là làm sao đó để lượng khách tăng lên mới duy trì được chuyến bay.

Đề xuất thay đổi giờ và lịch bay

Ông Phan Thiên Định khẳng định: “Chủ trương của tỉnh là sẽ tìm mọi giải pháp, khắc phục khó khăn để duy trì đường bay. Tỉnh và Jetstar Pacific sẽ cùng nhau ngồi lại để bàn giải pháp. Jetstar Pacific vừa có chuyến làm việc với các doanh nghiệp lữ hành ở Huế để tìm kiếm nguồn khách. Trước mắt, đã gần qua mùa du lịch nội địa, các bên sẽ tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị kỹ hơn. Nếu khắc phục được, có thể khởi động lại đường bay vào dịp tết, khi bắt đầu lại mùa du lịch nội địa”.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, phụ trách truyền thông Hãng Hàng không Jetstar Pacific cho biết, để mở một đường bay mới rất khó, nên chủ trương của hãng là chỉ tạm thời ngưng hoạt động. Sẽ mở lại đường bay trong một thời gian thích hợp.

Ngày 16/8, bộ phận sale của Jetstar Pacific có buổi làm việc với một số lữ hành ở Huế để tăng cường kết nối tour tuyến. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist (doanh nghiệp làm đầu mối) cho biết: “Trong buổi làm việc, Jetstar Pacific cho rằng, kết nối được với lữ hành mới có thể tạo nguồn khách ổn định. Jetstar Pacific muốn có những cam kết cụ thể giữa các bên. Về phía lữ hành Huế, mong muốn Jetstar Pacific đổi giờ và lịch bay phù hợp hơn. Thay vì bay vào thứ bảy thì chuyển sang ngày thứ 6 và bay vào ban ngày để khách dễ lựa chọn. Sau chuyến làm việc này, sẽ còn các buổi làm việc tiếp theo và hy vọng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung”.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Eagletoursit chia sẻ, cần phát huy chức năng của Hiệp hội Du lịch trong vấn đề này. Hiệp hội có thể đứng ra cam kết với Jetstar và sau đó, làm việc lại với tất cả các đơn vị lữ hành ở Huế để cùng cam kết, có thể chuyển khách từ đi tàu hoặc đi xe sang đi máy bay. Riêng Eagletoursit, sẵn sàng cam kết sẽ duy trì lượng khách ổn định.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế

Trong rất nhiều dấu ấn nổi bật của ngành du lịch năm 2023, việc khai thác các đường bay quốc tế tạo ra nhiều gam màu tươi sáng cho bức tranh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những cột mốc mới từ lượng khách quốc tế, khi họ ngồi trên chuyến bay đáp thẳng xuống sân bay quốc tế Phú Bài.

Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế
Đoàn Famtrip lữ hành Philippines khảo sát nhiều tuyến điểm du lịch ở Huế

Sáng 7/1, đoàn Famtrip lữ hành Philippines đã đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, là dịp để ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đến thị trường khách từ Philippines nói riêng và thị trường ASEAN nói chung.

Đoàn Famtrip lữ hành Philippines khảo sát nhiều tuyến điểm du lịch ở Huế
Kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy du lịch Huế

Sáng 17/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức hội nghị “Kết nối du lịch Huế 2023”. Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 92 công ty lữ hành trên cả nước và hơn 70 công ty lữ hành Thừa Thiên Huế.

Kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy du lịch Huế
Visa 90 ngày - kỳ vọng sẽ là đòn bẩy tăng khách quốc tế

Chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn vừa được Quốc hội thông qua, trong đó nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Nhiều công ty lữ hành kỳ vọng chính sách mới này sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển kinh tế du lịch bền vững trong thời gian tới.

Visa 90 ngày - kỳ vọng sẽ là đòn bẩy tăng khách quốc tế

TIN MỚI

Return to top