ClockThứ Năm, 27/10/2016 05:46

Đưa Huế trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực

TTH - Để thực hiện được mục tiêu này, còn nhiều việc phải làm với chiến lược phát triển vạch ra một cách cụ thể...

Còn nhiều khó khăn

Nhìn thực tế của ngành du lịch Huế, tốc độ phát triển so với các địa phương trong khu vực đang chậm hơn, dao động từ 8-12% mỗi năm; riêng năm 2016, dự đoán tăng khoảng 8-10%. Hiệu quả kinh tế chưa cao, đóng góp ngân sách chưa nhiều. Ngành du lịch - dịch vụ chiếm đến 56% trong GRDP của tỉnh nhưng chỉ đóng góp 15% vào ngân sách.

Bắt đầu từ quý 2 năm 2017, du lịch Huế sẽ khai thác Đại Nội về đêm. Ảnh: NguyễnThượng Hiển

Du lịch văn hóa - di sản là sản phẩm chủ đạo nhưng còn đơn điệu và đã quá cũ. Ngoài tham quan Đại Nội, một số lăng tẩm, du khách khó có thêm sự lựa chọn nào khác. Nhiều du khách từng than vãn, sao buồn thế, Huế thiếu chỗ chơi quá!. Các giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của Huế còn khoảng cách quá lớn với du khách. Nhã nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế… chưa trở thành những sản phẩm thường xuyên và đủ “sức nặng” để níu chân du khách. Ngay cả ca Huế thính phòng nằm ngay trục đường du lịch chính của TP Huế, nhưng lượng khách du lịch đến thưởng thức chỉ trên đầu ngón tay.

Huế chưa phát triển được các sản phẩm du lịch chất lượng cao để tạo doanh thu lớn và thu hút nhiều du khách, như khu mua sắm cao cấp. Với những dòng khách hạng sang, việc chi tiêu khá đơn giản nếu những món hàng đó họ cảm thích thú. Một giám đốc công ty lữ hành cho hay, những thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc hay thị trường khách mới nổi khoảng 2 năm trở lại đây như Trung Quốc, nhu cầu mua sắm trong các chuyến du lịch cực kỳ lớn. Mục đích không chỉ mua những bộ đồ đẹp, độc đáo mà họ dành những khoảng thời gian rất lớn đi mua sắm để giảm stress sau những ngày làm việc căng thẳng. còn rất nhiều khó khăn được chỉ ra trong quá trình khai thác du lịch, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, giao thông chưa đồng bộ; hoạt động xúc tiến, quảng bá còn yếu và thiếu chuyên nghiệp…

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chững” lại của du lịch Huế, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong các cấp chính quyền và trong nhân dân chưa cao, chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế; các doanh nghiệp còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu mạnh dạn trong việc đa dạng hóa và phát triển sản phẩm du lịch; nguồn nhân lực làm trong ngành du lịch còn yếu. Ông Minh cho rằng: “Huế có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, nhưng khi tốt nghiệp chỉ có một phần nhỏ đáp ứng được các tiêu chí của các doanh nghiệp đề ra. Ngay cả nhân viên làm việc lâu năm, hay nhân viên ở các doanh nghiệp lớn cũng thường xuyên mắc những lỗi cơ bản trong quá trình phục vụ khách”.

Phát triển sản phẩm thế mạnh

Huế không thiếu các sản phẩm riêng, độc đáo, hấp dẫn. Hạn chế lớn nhất của các sản phẩm là khai thác chưa “đến nơi”, thiếu sự đồng bộ và liên kết. Thời gian lưu trú của khách đến Huế ngắn, dẫn đến chi tiêu tại Huế của du khách không được nhiều được đề cấp khá nhiều suốt thời gian qua. Nguyên nhân được chỉ ra là thiếu các dịch vụ vào ban đêm, thiếu các khu vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của khách. Yêu cầu đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước là không chỉ dừng lại định hướng phát triển, tạo các cơ chế, đơn giản hóa các thủ tục, mà còn phải vào cuộc một cách tích cực hơn, cùng trực tiếp tham gia xây dựng các sản phẩm với các doanh nghiệp.

Đại Nội đang là điểm đến hút khách

Ông Lê Hữu Minh khẳng định, việc đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng các sản phẩm không tách biệt nhau. Nếu đa dạng nhưng sản phẩm làm hời hợt sẽ không thu hút được khách; trái lại nếu chất lượng, nhưng sản phẩm đơn điệu thì không giữ khách ở lâu hơn. Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, du lịch Huế tập trung làm đồng thời cả hai vấn đề này.

Trước hết, đưa Thừa Thiên Huế thành một điểm đến với các dịch vụ đồng bộ, lấy sản phẩm văn hóa - di sản là chủ đạo và các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển, đầm phá, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, tâm linh… làm vệ tinh. Tổ chức các hoạt động du lịch về đêm tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. Nghiên cứu tái hiện không gian sinh hoạt của Hoàng cung và các loại hình dịch vụ, như: thưởng thức yến tiệc, trải nghiệm dịch vụ khám chữa bệnh Đông y, các trò chơi cung đình Huế trong khu vực Đại Nội… Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Huế góp ý: “Muốn tăng thời gian lưu trú của khách, không có gì bằng khai thác Đại Nội về đêm, đưa du khách trở về như cuộc sống cung đình xưa. Để khai thác hợp lý, có thể chia thành 3 loại vé, với mức giá như hiện nay, du khách có thể tham quan Đại Nội; mức vé thứ hai có mệnh giá cao hơn, du khách có thể tham quan và thưởng thức một số chương trình nghệ thuật cung đình xưa; mức vé thứ ba có giá cao hơn rất nhiều và số lượng rất hạn chế, với vé này du khách được thưởng thức ẩm thực cung đình ngay tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, tái hiện đúng như thời Nhà Nguyễn.

Ngành du lịch Huế cũng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị đẳng cấp cao ở Chân Mây - Lăng Cô, với trọng tâm là Cảng du lịch quốc tế Chân Mây – Lăng Cô… Với chiến lược phát triển được vạch ra cụ thể, hy vọng, những năm tới ngành du lịch Huế sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ, xứng tầm là điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Du lịch Huế đặt mục tiêu đến năm 2020 đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh, thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 – 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 - 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt 2,1 ngày; suất chi tiêu bình quân là 1,2 triệu đồng/khách. Đến năm 2030, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh, thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng, thời gian lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày; suất chi tiêu bình quân khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/khách.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Return to top