ClockThứ Ba, 02/07/2019 06:45

Du lịch vui chơi giải trí ở Huế vẫn chưa phát triển

TTH - Vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu của du khách, tuy nhiên, ở Huế đang thiếu những khu vui chơi để đáp ứng nhu cầu này.

Du lịch biển, đầm phá hút kháchAn toàn mùa du lịch biểnQuy hoạch xây dựng Chợ du lịch Huế

Ngoài tham quan di sản, du khách còn muốn sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí

Cả du khách và người dân đều cần

Theo đánh giá của Hội Lữ hành tỉnh, trước đây, du khách đi du lịch với mục đích thăm thú, ngắm cảnh, khám phá các vùng đất và các nền văn hóa mới. Thế nhưng ngày nay, khi kinh tế phát triển, nhu cầu của du khách cũng dần thay đổi. Du khách sẵn sàng chi thêm tiền để tận hưởng những chuyến du lịch có tính giải trí cao. Các điểm du lịch hấp dẫn không chỉ là nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn phải có nhiều tiện ích về vui chơi, giải trí thú vị để kỳ nghỉ của du khách là chuỗi ngày trải nghiệm vui vẻ và đáng nhớ.

Du lịch giải trí đang trở thành xu hướng. Ở một số địa phương trong cả nước, việc hình thành những điểm, tổ hợp vui chơi giải trí đã và đang góp phần lớn trong việc thu hút khách cho các địa phương. Vượt ra ngoài lãnh thổ nước ta, tại quốc đảo Singapore, theo thống kê, mỗi năm doanh thu du lịch vui chơi giải trí lên đến hàng chục tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại hình du lịch.

Lãnh đạo ngành du lịch Huế nhìn nhận, nhìn vào thực tiễn của du lịch tỉnh nhà, cũng dễ dàng nhận thấy Huế đang thiếu những gì; trong đó, điểm vui chơi giải trí ở Huế là điều hạn chế của du lịch Huế lâu nay. Vì sao Huế không giữ được chân du khách ở lại lâu hơn, khi phân tích ra các nguyên nhân thì việc thiếu tính giải trí vào ban đêm là yếu tố ảnh hưởng không hề nhỏ.

Du khách tham quan lăng Tự Đức

Như phân tích gần đây của các doanh nghiệp du lịch, mỗi đêm Huế có khoảng 7.000 - 8.000 khách lưu trú, ngoài nghe ca Huế trên sông Hương, thì Huế chưa có một sản phẩm nào có đủ các dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khách.

Không riêng khách du lịch khi đến Huế cần vui chơi và giải trí, ngay cả người dân Huế cũng “khát” điểm vui chơi. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế thông tin, mùa hè năm nay, người dân Huế lại tiếp tục “đổ xô” vào Đà Nẵng và Nam Hội An để sử dụng các dịch vụ giải trí, tham gia các trò chơi tại các công viên nước hay điểm vui chơi tại hai địa phương này. Tour khá đơn giản, vào vui chơi một ngày, ngủ lại một đêm và trở lại Huế.

Thu hút nhà đầu tư lớn

Theo bà Dương Thị Công Lý, nếu Huế có điểm vui chơi giải trí đẳng cấp, hay một công viên nước có sức chứa lớn thì chắc chắn sẽ thu hút khách, trước tiên là khách Huế. Qua tham khảo ý kiến của nhiều người Huế đi tour vào Đà Nẵng và Hội An thì mục đích chính cũng là vui chơi, giải trí bằng cách tham gia các trò chơi.

Điểm yếu và cũng là sự cần thiết cho Huế là một điểm vui chơi giải trí, dịch vụ bắt buộc phải có trong quá trình phát triển của du lịch Huế. Anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng chia sẻ, với nội lực doanh nghiệp ở Huế, đa số vừa và nhỏ thì không thể có một nguồn vốn đến vài trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng một tổ hợp khu vui chơi giải trí đẳng cấp. Bởi đã làm thì cần có sự đầu tư bài bản, không nên làm theo kiểu cho có, rất dễ manh mún dịch vụ. Do đó, việc thu hút các doanh nghiệp lớn, có nội lực từ bên ngoài là điều gần như bắt buộc.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, thời gian qua UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp; trong đó, bàn rất nhiều đến việc phát triển và thu hút đầu tư ở lĩnh vực vui chơi giải trí. Vừa qua, có 3 doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này ở khu vực TP. Huế và các điểm lân cận. Hiện vẫn đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt. Nếu các khu vui chơi này hình thành, chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt của du lịch Huế trong tương lai.

Xu hướng hiện nay là các nhà đầu tư luôn kết hợp giữa hai dịch vụ giải trí đỉnh cao và nghỉ dưỡng đẳng cấp để nhân đôi trải nghiệm dành cho du khách. Do đó, tỉnh ta cũng cần xác định xu hướng phát triển theo chiều này và có những địa điểm, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam nói chung và Huế nói riêng có thể phát triển những trung tâm vui chơi, giải trí theo chủ đề gắn với lịch sử, giáo dục, khoa học, sinh thái… Để phát triển, đi đôi với việc xây dựng sản phẩm cần nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu của khách, từ đó có hướng phát triển phù hợp.

Ngày 2/2/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư Dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại 2 xã Vinh Thanh, Vinh Xuân (huyện Phú Vang) cho Công ty CP Giải trí Tổng hợp Tam Giang. Mục tiêu dự án là xây dựng khu khách sạn, nhà hàng, bar, khu phố dịch vụ mua sắm, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí tổng hợp, trung tâm thương mại, các dịch vụ du lịch, dịch vụ phụ trợ khác,... Dự kiến, dự án triển khai thực hiện tháng 3/2020, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 2/2024.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Đầu tư du lịch ở xã biển

Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng cùng các nguồn vốn khác, Quảng Điền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay cho các xã biển nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch biển.

Đầu tư du lịch ở xã biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top