ClockThứ Tư, 21/02/2018 16:07

Du lịch vào kỳ phát triển mới

TTH - Với nhiều chuyển biến tích cực, ngành du lịch Huế tự tin bước vào chu kỳ phát triển mới.

Du lịch Huế: Vẫn lận đậnDu lịch & lịch lãm

Biểu diễn múa rồng phục vụ du khách ngày xuân trong Đại Nội. Ảnh: Bảo Minh

Chuyển mình

Cách đây 15-20 năm, tư tưởng của những người làm du lịch là Huế có hệ thống di sản, đền đài, lăng tẩm, không cần làm gì khách cũng đến. Tư tưởng này phù hợp khi khái niệm về du lịch còn mới mẻ và Huế là điểm du lịch thu hút khách bậc nhất của cả nước lúc đó. Cũng bởi vì tư tưởng đó, mà qua nhiều năm, Huế không có nhiều thay đổi cho sự phát triển mang tính lâu dài, thiếu những bước đi khi nhu cầu đi du lịch đa dạng hơn.

Những người quản lý ngành du lịch nhìn nhận, trong một thời gian dài Huế quá bị động, thiếu những hoạt định, nghiên cứu thị trường để đón đầu phát triển. Ngoài lý do chủ quan, cũng cần chia sẻ một khó khăn lớn khác khiến Huế khó triển khai các dự án mang tính “chiến lược” khi Huế là vùng đất di sản, làm gì cũng phải tuân theo Luật Di sản và những ràng buộc của UNESCO. Cụ thể nhất là xã hội hóa di sản để phát triển dịch vụ du lịch. Dù đã có đề án, kế hoạch nhưng cũng vì vướng những quy định bảo vệ di sản nên quá trình xã hội hóa vẫn đang tiếp tục thực hiện. Hay như dự án bãi đỗ xe ở lăng Khải Định, với mục tiêu tạo ra cơ sở hạ tầng tốt phục vụ du lịch, nhưng đến hiện tại dự án đã qua 69 “khâu” phải xin phép mà vẫn chưa hoàn thiện thủ tục.

Du khách tham quan Huế bằng xích lô

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, đó là quá khứ, còn hiện tại, nhận thức về làm du lịch của ngành đã thay đổi và cùng với đó là những chuyển biến về sản phẩm, dự án, hạ tầng trong khoảng 1-2 năm trở lại, để cùng nhìn tương lai của du lịch Huế, ngành tự tin khẳng định du lịch đang chuyển mình mạnh mẽ sau thời gian thoái trào khá dài. Khách đã đến nhiều hơn, Huế rộn ràng hơn, nhiều sản phẩm hơn, ngay cả bài toán giải trí về đêm cũng phần nào được giải quyết.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho hay, với chặng đường phát triển dài của du lịch Huế, đến hiện tại thì không thể có một tốc độ tăng trưởng nhanh như ở những nơi mới bắt đầu. Thời gian qua, du lịch Huế nhận nhiều lời khen, chê cũng không ít. Song đánh giá tổng quan năm 2017, du lịch dịch vụ có nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho kinh tế tỉnh nhà, lên đến 57% GDP của tỉnh. Từ các chỉ số tăng trưởng, chất lượng, sẩn phẩm, tính chuyên nghiệp của du lịch đều cho thấy có sự chuyển biến không hề nhỏ.     

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế từng chia sẻ, với chu kỳ phát triển của điểm đến, những gì Huế phải làm là cần có những sự chuẩn bị tốt nhất cho chu kỳ phát triển mới. Chu kỳ đầu tư dự án du lịch khoảng 15 năm, dòng vốn sẽ xoay vòng và Huế là điểm đến cho những dự án lớn. Riêng chu kỳ của các dòng khách khoảng 5-7 năm, do đó, Huế cũng cần có kế hoạch ngắn và dài hạn, xây dựng các sản phẩm phù hợp.

Sẽ có chu kỳ phát triển mới

“Nguồn vốn” mà Huế đang còn nắm giữ là tốc độ đô thị hóa, phát triển không làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Du lịch Huế phát triển nhưng không nóng, như nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đầu năm 2018 khi đến Huế, so với các vùng miền khác, du lịch Huế hoàn toàn khác biệt, Huế phát triển chậm hơn nhưng bền vững.

Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh đầu năm 2018, có 8 vấn đề thì riêng du lịch liên quan trực tiếp 5 vấn đề. Thứ nhất là đồng ý tăng vốn dự án Laguna lên 2 tỷ USD, với các khu giải trí tổng hợp, Casino…; thứ hai là bổ sung thêm 2 sân golf, Huế sẽ có chuỗi 5 sân; thứ ba, quy hoạch tổng thể Bạch Mã; thứ tư là nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; thứ năm giải tỏa các hộ sống sát di tích. Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí nhất định, cùng với nguồn thu phí di tích, cân đối lại để di dời người dân. Thượng thành sẽ được giải phóng để xây dựng các tour du lịch mới.

Hàng loạt “dự án” phục vụ du lịch cũng sẽ được hình thành từ nay đến 3 năm tới. Đại Nội sẽ có chương trình nghệ thuật biểu diễn hoành tráng hơn, mang một câu chuyện về lịch sử, cung đình và được tổ chức thường xuyên để phục vụ khách. Trục đường Lê Lợi được chỉnh trang lại, gắn kết với các phố đi bộ, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, kéo dài đến công viên Trịnh Công Sơn. Xây dựng Bảo tàng Ẩm thực ở trước Nhà thi đấu tỉnh. Khi đến đây, du khách không chỉ tham quan mà còn được trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực đa dạng của Huế. Khu tích hợp rạp chiếu phim và khu vui chơi thể thao được hình thành, đáp ứng giải trí về đêm cho du khách. Trung tâm chiếu phim Quốc gia chuẩn bị khởi động ở đường Tố Hữu. Thuyền trên sông Hương được thiết kế lại, đa dạng và an toàn hơn, khu nhà máy bia cũ dành để hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần để phát triển du lịch. Chiếu sáng cột cờ, bắn thần công, Vincom đi vào hoạt động…

Trước các đại biểu, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí tại hội nghị tổng kết ngành du lịch 2017, Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, đây là những điều rất quan trọng tạo “cú hích” cho du lịch phát triển. Qua đó để các doanh nghiệp thấy xu hướng, đà phát triển của Huế trong thời gian đến. Khoảng 3 năm nữa, khi sân bay được nâng cấp và đưa vào hoạt động thì tin chắc, khách đến Huế nhiều hơn và ở lâu hơn. Điều đặt ra cho ngành du lịch là nghiên cứu, quy hoạch phải bài bản, chất lượng sản phẩm và có kế hoạch cụ thể theo từng năm.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện, giúp cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn khi làm các thủ tục. Tập trung nguồn lực, sức lực, từ cấp tỉnh đến địa phương để thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ được đề ra.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

TIN MỚI

Return to top