ClockChủ Nhật, 21/05/2017 07:16

Du lịch nghỉ dưỡng sẽ là “cán cân” cho văn hóa – di sản

TTH - Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, du lịch phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để có cái nhìn tổng quan về định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian đến, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giámđốc Sở Du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch. Ảnh: Đ. Quang

Đầu tiên, ông có thể khái quát định hướng phát triển của du lịch Huế thời gian đến?

Vừa qua, Trung ương có Nghị quyết 08, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có Nghị quyết 03 tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Sở Du lịch xây dựng kế hoạch hành động. Về định hướng, văn hóa - di sản vẫn là sản phẩm được xác định cốt lõi; đồng thời, phát triển thêm một số sản phẩm khác làm vệ tinh. Những sản phẩm hỗ trợ nhau để làm sao đó có sự liên quan, gắn kết chặt chẽ với văn hóa – di sản.

Có nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm văn hóa - di sản không còn thu hút khách như trước. Ông có nhận định gì về điều này?

Chúng tôi không phủ nhận ý kiến này, nhưng thế mạnh của Huế vẫn là văn hóa - di sản mà các địa phương khác không có. Huế có đến 5 di sản được thế giới công nhận thì không “dại gì” lại không phát triển dựa trên thế mạnh này. Điều quan trọng là khai thác như thế nào?!

Thay đổi cách phục vụ, nâng cấp các dịch vụ ở di tích là điều gần như bắt buộc. Ngành du lịch đang có kế hoạch tăng thêm các dịch vụ tiện ích, giúp du khách đến không chỉ được nhìn, nghe mà còn được tham gia trải nghiệm các lễ nghi, sinh hoạt ở cung đình. Hiện nay có lễ đổi gác ở Đại Nội về đêm, du khách có thể mặc trang phục và tham gia làm lính gác. Tổ chức tương tác, hướng dẫn sử dụng một số nhạc cụ cung đình có tính đơn giản, như trống, mõ… Khi tăng cường các dịch vụ này, thời gian của khách ở di tích sẽ tăng và khách cảm thấy số tiền bỏ ra vào tham quan di sản là xứng đáng.

Ông có nói định hướng sẽ phát triển thêm các sản phẩm hỗ trợ…

Huế có ưu đãi về địa hình, cảnh quan. Từ lợi thế này, du lịch biển, sinh thái gắn với sông suối đang được nhiều du khách quan tâm và tham gia. Tuy nhiên, du lịch biển còn ít dịch vụ, chủ yếu là tắm, cần thêm những hình thức giải trí, thể thao ở biển. Hiện ở Lăng Cô đã bắt đầu hình thành, tới đây ngành sẽ kêu gọi đầu tư thêm hoạt động này tại bãi biển Thuận An.

Sắp tới, TP. Huế phối hợp với Sở Du lịch mở rộng phố đi bộ ở các đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu và một phần đường Lê Lợi. Dự kiến vào buổi tối từ 18h - 24h các tuyến phố này chỉ dành riêng cho khách đi bộ. Tại đây sẽ đầu tư thêm bến bãi để xe cho du khách và nhiều dịch vụ sẽ được khai thác, như: ăn uống, biểu diễn nghệ thuật, kết  hợp với các hoạt động nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật để tạo sự tương tác với du khách khi đến tham quan…

Vòng quanh Huế bằng xích lô là một trải nghiệm được du khách ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Nhưng nhiều sản phẩm sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải và các dịch vụ sẽ không “ra tấm, ra món”…

Đúng là quá nhiều đôi khi cũng là sự hạn chế, vì vậy ngành đã định hướng du lịch nghỉ dưỡng sẽ là đối trọng cho văn hóa – di sản. Với một loạt dự án lớn, như Vincom, SHB, một số tập đoàn nước ngoài về đầu tư các khu nghỉ dưỡng, sân golf ở Lăng Cô, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Lộc Bình… hy vọng 1-2 năm tới, khi các khu nghỉ dưỡng này hoàn thiện sẽ tạo ra những điểm lưu trú đẳng cấp. Bên cạnh nghỉ dưỡng gắn với biển, sông suối, du lịch nghỉ dưỡng khám chữa bệnh cũng được tập trung. Huế là trung tâm y tế trong cả nước, trước khi khách đi tham quan di sản có thể kết hợp khám bệnh bằng y học hiện đại và truyền thống. Sau khi đi tham quan, trở về nhận kết quả và được các y bác sĩ và lương y tư vấn.

Ngoài sự đầu tư ở lĩnh vực lưu trú nghỉ dưỡng, sẽ có thêm những đầu tư lớn nào về du lịch?

Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, lưu trú, UBND tỉnh cũng đang đẩy mạnh đầu tư sân bay Phú Bài và mở rộng thêm các chuyến bay quốc tế mới. Dự kiến sẽ có các đường bay Băng Cốc, Hồng Kông, Singapore. Trước mắt có thể mở các chuyến charter, khi ổn định sẽ mở đường bay thường xuyên.

Hiện Huế đang làm hồ sơ để công nhận Chân Mây - Lăng Cô trở thành khu du lịch Quốc gia. Với sự định hướng phát triển này sẽ tạo điều kiện để Chân Mây – Lăng Cô có quy hoạch cụ thể, thu hút thêm đầu tư. Sau một thời gian nữa, Chân Mây – Lăng Cô hứa hẹn là đô thị mới, hiện đại, năng động, tạo sự cân bằng và hỗ trợ cho TP. Huế vốn được mệnh danh là thành phố di sản.

Chất lượng dịch vụ du lịch luôn là vấn đề đặt ra, ngành đã chủ động những gì về điều này?

Hiện toàn tỉnh có khoảng 12.500 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và khoảng 15.000 lao động gián tiếp. Đúng là chất lượng dịch vụ du lịch hiện nay có nâng lên nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Đơn cử như ở các khách sạn 1-2 sao, lao động được tận dụng là người trong nhà, các em sinh viên chưa qua các lớp đào tạo. UBND tỉnh vừa giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng chất lượng nhân lực trong ngành du lịch hiện nay. Cuối tháng 5/2017 sẽ có báo cáo phân tích, đánh giá để từ đó đề ra phương án nâng cao chất lượng.

Ngành du lịch đang hy vọng vào sự hỗ trợ liên kết đào tạo của các dự án phi chính phủ, tiến hành tổ chức các lớp tập huấn tại Huế; đưa các cán bộ của ngành du lịch và một số doanh nghiệp ra nước ngoài đào tạo. Dự kiến 3 năm tới sẽ đào tạo cho Huế khoảng 40 cán bộ và nhân sự chất lượng cao.

Sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp là mấu chốt cho sự phát triển du lịch. Điều này ở Huế như thế nào, thưa ông?

Liên kết mang tính vùng miền đang được đẩy mạnh, khi khách đến Huế sẽ giới thiệu tour tuyến cho Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và ngược lại các tỉnh, thành bạn cũng giới thiệu cho Huế. Ví dụ cụ thể nhất là hiện Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đang phối hợp tổ chức đoàn famtrip khảo sát tour “Con đường mòn thiên nhiên” giữa các huyện miền núi của 3 địa phương.

Riêng sự liên kết giữa các doanh nghiệp Huế vẫn là điều trăn trở. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ, xây dựng lại mối đoàn kết, chứ lâu nay doanh nghiệp nào chỉ biết doanh nghiệp đó, chưa cùng nhau ngồi lại hợp tác và khai thác.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

ĐỨC QUANG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top