ClockThứ Bảy, 17/12/2022 14:15

Du lịch lễ hội cạnh tranh ngày càng lớn

TTH - Khi vai trò của du lịch lễ hội ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, thì địa phương nào cũng ưu tiên và tập trung tổ chức lễ hội (festival).

APEC hợp tác thúc đẩy du lịchDu khách Hàn Quốc được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam

Cần chuyên nghiệp hóa cách thức tổ chức lễ hội để thu hút khách tốt hơn

Trong nhiều tác động tích cực khi tổ chức lễ hội, nổi bật lên 2 yếu tố. Thứ nhất là giúp điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, đây là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống hiệu quả hơn cả.

Chính vì những hiệu quả đó mà địa phương nào cũng đẩy mạnh tổ chức lễ hội, từ truyền thống đến đương đại. Chỉ riêng trong tháng 12/2022, đã có rất nhiều lễ hội hướng đến khai thác du lịch có tính quy mô được tổ chức trong cả nước, như: lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022; lễ hội hoa Mê Linh, Hà Nội; carnaval mùa Đông - Hạ Long 2022; lễ hội hoa Tớ Dày Mù Cang Chải, Yên Bái; Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022; lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta”…

Số lượng và chất lượng các lễ hội trong cả nước ngày càng tăng lên, trong khi đó, nguồn khách không thay đổi. Điều này khó tránh khỏi việc cạnh tranh điểm đến nói chung và lễ hội du lịch nói riêng. Thậm chí, các lễ hội trong nước, kể cả ở Huế cũng chịu tác động cạnh tranh của các lễ hội ở nước ngoài. Trước tác động đó, số lượng du khách chọn một lễ hội bất kỳ nào đó sẽ giảm, hoặc sẽ tăng. Với những loại hình lễ hội phù hợp với nhu cầu của khách, kinh phí, cách thức di chuyển thuận lợi… sẽ có lợi thế trong thu hút khách.

Cạnh tranh có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến số lượng khách, doanh thu của điểm đến. Nhưng bên cạnh đó, mặt tích cực lại là động lực của sự phát triển, của đổi mới sáng tạo. Khi có quá nhiều lựa chọn, bắt buộc lễ hội phải thay đổi về cách tiếp cận, công nghệ tổ chức, các dịch vụ kèm theo… để lễ hội đó trở thành sự lựa chọn tối ưu nhất của du khách. Nếu điểm đến có chiến lược đúng đắn, hiệu quả sẽ vươn lên thành điểm đến của lễ hội. Còn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Khi đã bị cạnh tranh, đòi hỏi ban tổ chức các lễ hội phải vận động, đổi mới hình thái tổ chức, các hoạt động, dịch vụ để thu hút khách tốt hơn. Cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào tổ chức lễ hội để có hiệu quả cao hơn, kể cả lễ hội truyền thống lẫn đương đại. Cạnh tranh cũng đòi hỏi đơn vị tổ chức có các cách thức quảng bá tốt hơn. Đối với doanh nghiệp du lịch, để thu hút khách đến với lễ hội, cũng phải tư duy để có những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường, bổ trợ cho các lễ hội; cải tiến về hình thức tiếp cận khách hàng để bán tour tốt hơn.

Theo giới nghiên cứu, có hai yếu tố giúp lễ hội thu hút khách. Đầu tiên là lễ hội làm thỏa mãn nhu cầu của khách. Có thể chỉ là một hoạt động đậm chất truyền thống, mang tính nguyên bản như lễ hội tâm linh đã có thể thu hút khách. Nhưng đối với nhiều dòng khách khác, nhất là đa số giới trẻ phải là âm thanh, ánh sáng, là những dịch vụ mang tính trải nghiệm mới đi cùng lễ hội. Điều này đòi hỏi đơn vị tổ chức phải khoanh vùng đối tượng khách, lựa chọn thị trường trọng điểm để hình thành các dịch vụ phù hợp. Ở yếu tố này, tính khác biệt và đặc trưng được khuyến khích ưu tiên tập trung thực hiện.

Yếu tố thứ hai là khả năng quảng bá lễ hội để thu hút khách. Khi lễ hội công bố sớm thời gian, địa điểm, quy mô, các dịch vụ… mới thuyết phục được du khách đặt vé máy bay, đặt phòng đến tham gia lễ hội. Việc công bố quá chậm các thông tin của lễ hội khiến du khách khó sắp xếp thời gian, hoặc đã có những lựa chọn khác. Các doanh nghiệp lữ hành cũng bị động, khó kết nối xây dựng tour tuyến.

Xét về khía cạnh quảng bá, đó là điểm yếu của lễ hội ở Huế suốt nhiều năm qua. Lễ hội ở Huế thường sát ngày diễn ra mới công bố, kể cả một lễ hội có quy mô tầm quốc gia, quốc tế như Festival Huế. Một ví dụ có tính thời sự là lễ hội Âm nhạc mùa Đông năm 2022. Đã hơn 1/3 tháng 12 đi qua, nhưng hiện vẫn chưa công bố thời gian, địa điểm tổ chức, nội dung chương trình. Thời gian công bố quá cập rập như thế, liệu có thu hút được nhiều du khách, hay chỉ thu hút được khách bản địa mà thôi.

Cạnh tranh là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho mọi điểm đến. Khi Thừa Thiên Huế chuyển sang tổ chức lễ hội theo hướng bốn mùa để khai thác du lịch, sự đổi mới cần phải liên tục. Đặc biệt là công tác quảng bá lễ hội phải được thực hiện chuyên nghiệp hơn.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top