ClockThứ Bảy, 06/02/2016 17:30

Du lịch làng nghề trên hồ INLE

TTH - Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa. Du khách được nhìn tận mắt dây chuyền sản xuất, sờ tận tay những sản phẩm làng nghề. Hơn thế, du khách còn được cầm tay chỉ việc để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Đỉnh cao của du lịch làng nghề là tổ chức cho du khách cùng sống, cùng ăn, cùng làm như một cư dân trong làng nghề.

Theo tiếng Myanmar “Min ga la ba” là “chào”; “Inle” là “hồ lớn”; “Inthar” là “sống trên hồ”. Như vậy, “Min ga la ba Inle” là “Chào cái hồ lớn”. Inle hằng ngàn năm nay có tộc người Inthar sinh và sống trên hồ, sống nhờ hồ. Người Inthar là một nhánh dân tộc thiểu số Tây Tạng - Miến Điện.

Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng người  dân bản địa

Khách tìm đến Inle đón năm mới 2016. Khi mặt trời chìm xuống sau ngọn núi, cũng  là lúc nhiệt độ Inle rớt xuống 6 độ. Vào mùa nóng nhiệt độ ở Yangon (thủ đô cũ của Myanmar) 35 độ trong khi Inle chỉ 18 độ. Khách dần thấu hiểu, tại sao người Myanmar gọi Inle là “viên ngọc quý”.

Inle là hồ nước ngọt có diện tích 116km2, nằm ở độ cao 889m so với mặt nước biển. Vào mùa mưa chỗ sâu nhất được 6 mét. Vào mùa khô chỗ cạn nhất khoảng 1,5m. Inle không chỉ có nước mênh mông mà còn có núi bao quanh, có hệ thống chùa giúp người sống trên hồ nuôi dưỡng tánh thiện, có áo cà sa hòa quyện cùng sắc áo người Inthar như đạo quyện với đời, có vườn kết thành bè, có nghề đánh bắt với lối chèo thuyền bằng chân, có chim hải âu bay lượn theo du khách và, có làng nghề.

Khách tìm đến Inle vì muốn biết người sống trên hồ là sống như thế nào. Thì ra người bản địa sống trong những ngôi nhà sàn bám theo ven hồ. Những ngôi nhà ấy không xa lạ với dân đồng bằng sông Cửu Long nước mình. Nhưng tưởng giống mà khác. Những ngôi nhà sàn của người Inle được nhà nước Myanmar tổ chức thành một làng nghề phục vụ khách du lịch. Mỗi ngôi nhà sàn là một sự hấp dẫn đối với du khách, đã khiến họ móc hầu bao và bịn rịn chẳng muốn rời. Và, cũng giống như bà con vùng sông nước Việt Nam, phương tiện đi lại của người dân hồ Inle là thuyền máy, thuyền chèo tay. Du khách cũng được ngồi trên những chiếc thuyền ấy ngược xuôi trên mặt hồ lộng gió. Xa xa trên mặt hồ có người Inthar đang đánh bắt với lối khảo thuyền bằng chân. Trên đầu du khách có đàn hải âu bám theo, khi khách quăng lên trời miếng bánh quy, đàn chim liền chao lượn rồi bắt kịp.

Đánh cá trên hồ Inle. Ảnh: Internet

Thuyền chở du khách ghé vào ngôi nhà của người dân tộc có cái cổ cao cao đeo nhiều vòng kiềng. Gặp một gia đình người cổ cao đang ngồi kéo sợi, khách hỏi: “Tại sao phải đeo vòng kiềng nhiều như vậy?”. Thưa: “Ngày xưa ở đây có nhiều ông cọp rất dữ, thích cắn vào cổ người để tha đi. Đeo vòng đầy cổ ông cọp không cắn được”. Khách cười thông cảm: “Hiểu rồi, vậy khi ngủ có lấy kiềng ra không?”. Thưa: “Không, lấy cái gối nằm nghiêng rồi ngủ. Nếu lấy kiềng ra thì cái cổ không giữ được cái đầu”. Khách gật gật cái đầu: “Hiểu luôn!”. Khách hỏi: “Kéo sợi để làm gì?”. Thưa: “Dệt áo quần để mặc”. Khách hỏi tiếp: “Có bán không?”. Thưa: “Ít khi nào bán”. Khách tò mò: “Vậy thu nhập bằng gì?”. Thưa: “Du khách thường mời chụp ảnh chung rồi biếu tiền”. Nghe vậy, cả nhóm mời gia đình người cao cổ chụp ảnh chung, chưa chụp xong đã có đoàn da trắng, mắt xanh, tóc vàng xếp hàng chờ tới dịp.

Rồi khách được thuyền đưa tới khu vườn nổi của người sống trên hồ để tìm hiểu cách trồng trọt trên bè. Người Inthar lấy cỏ dại, lục bình, bùn trong hồ kết lại thành khu vườn rồi lấy tre nứa đóng xuống đáy hồ để neo giữ. Được biết phải mất vài chục năm mới gầy dựng được một khu vườn nổi dày một mét, rộng vài trăm mét vuông. Do kỳ công như vậy, vườn nổi không chỉ trồng cà chua và các loại đậu, nguồn thu chủ yếu của người bản địa, mà còn là của hồi môn cho con trai lấy vợ, con gái gả chồng. Ngôi nhà sàn này cũng là điểm dừng chân cho du khách ăn buổi trưa. Trong bữa ăn, khách được chủ nhà sàn mời dùng món Xà lách trộn bằng sản phẩm trồng trên vườn nổi của nhà mình. Món xà lách gồm có: cà chua sống, cà chua vừa, cà chua chín, rau má xanh, mè rang vàng, bột đậu xanh, một chút dấm, đường và ớt. Khách ăn hết xin thêm dĩa nữa, chủ nhà vui ra mặt, nói, bao nhiêu dĩa cũng có. Cha, mẹ, anh, chị, em không ai mặc quần; tất cả đều quấn khăn, chạy lăng xăng nấu dọn bữa ăn rất tận tâm, chu đáo. Khách quan sát thấy cả nhà vui ơi là vui.

Rời nhà sàn bán thức ăn trưa khách lại tiếp tục lênh đênh sông nước tới khi mặt trời lặn. Trên đường đi, khách được ghé vào nhà sàn có những nghệ nhân chế tác đồ dùng và nữ trang bằng bạc. Có ngôi nhà sàn nguyên gia đình điều khiển một dây chuyền làm nên những chiếc khăn quàng bằng sợi tơ của ngó sen. Lại có ngôi nhà rất nhiều đàn ông lực lưỡng nung thanh sắt trong lò đỏ rực rồi cầm búa đập liên hồi để tạo ra những con dao, cái liềm, cái búa. Không chỉ vậy, khách còn được tham quan một ngôi nhà toàn phụ nữ biểu diễn quấn xì gà bằng thảo dược, người hút không bị độc hại mà còn thơm miệng và trị được bệnh viêm họng. Rồi khách được viếng chùa, viếng tu viện, viếng chợ; tất cả những kiến trúc này đều nằm trên hồ và cập ven hồ. Tối về nhận phòng trong một khách sạn mà mỗi phòng ngủ được thiết kế thành một chiếc thuyền, cặp sát bờ sông, mũi thuyền ngấp nghé mé nước như sẵn sàng ra khơi bất cứ lúc nào. Khách lên giường nằm lắng nghe gió thổi vi vu, rồi ngủ thiếp. Giật mình thức dậy khi sương sớm còn chưa tan trên mặt nước, khách đã nghe tiếng ê a kinh kệ, linh thiêng, vi diệu.

Hợp nào rồi cũng tan, rời “viên ngọc quý Myanmar” khách cảm nhận, Hồ Inle trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Ghe chở du khách liên tục ngược xuôi trên một mặt hồ không có sóng. Du khách tấp nập bán mua trong khi người dân bình an chấp tay niệm Phật. Áo quần thời trang, trang sức đắt tiền trong một không gian u tịch đậm chất thiền. Phải chăng, chính sự cộng hưởng Sắc - Không này là giá trị cộng thêm làm nên thương hiệu du lịch làng nghề Inle?

Phá Tam Giang và Phá Cầu Hai của Huế là vùng đất vừa quý vừa hiếm. Gần một trăm làng nghề đặc sắc hiện có và hàng ngàn nghệ nhân thuộc hàng nhất nước hiện nay là điều kiện cần và đủ để Huế phát triển du lịch làng nghề trên vùng nước mặn ngọt giao thoa. Nếu được vậy sẽ giúp người dân sống trên hồ và sống ven hồ có thêm thu nhập. Sản phẩm làng nghề sẽ không bị mai một. Vốn quý của nghệ nhân làng nghề tiếp tục truyền trao. Du khách đến Huế có thêm một sản phẩm du lịch đúng nghĩa với câu ca “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.

Tạ Thị Ngọc Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm cho du lịch làng nghề?

Nhiều làng nghề đã bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, những làng nghề nổi tiếng của Thừa Thiên Huế còn có thể phát triển về du lịch.

Sản phẩm cho du lịch làng nghề
Du lịch làng nghề chưa phát triển

Hiện Thừa Thiên Huế có 88 làng nghề; trong đó, có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, phát triển du lịch làng nghề đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Du lịch làng nghề chưa phát triển
Return to top