ClockThứ Bảy, 23/07/2016 08:49

Du lịch “chui“: Khi Luật Du lịch không còn phù hợp

Theo nhiều đơn vị lữ hành, các điều trong Luật du lịch 2005 hiện nay không phù hợp, nhất là với những quy định về tổ chức tour...

Thực trạng các công ty du lịch Trung Quốc đang lợi dụng các công ty lữ hành Việt Nam để lũng đoạn thị trường, thậm chí còn xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề đã đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi.

Những ngày qua, sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về các sai phạm của một số công ty lữ hành Việt Nam để du lịch Trung Quốc lũng đoạn thị trường, hướng dẫn viên Trung Quốc hành nghề tại các địa phương Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… Tổng Cục Du lịch đã có những động thái tích cực để phối hợp với các Bộ ngành chức năng xử lý kịp thời.

Nhiều đoàn khách Trung Quốc không có hướng dẫn viên Việt Nam.

Khi được hỏi: Trước việc tiếp tay của các công ty trong nước để các công ty lữ hành Trung Quốc núp bóng, để rồi lũng đoạn thị trường du lịch Việt Nam, phản ứng của ngành du lịch Việt Nam là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho rằng: "Có 2 vấn đề mà chúng ta cần tập trung giải quyết, thứ nhất là xử lý mạnh tay với những công ty du lịch tiếp tay và để các công ty du lịch nước ngoài núp bóng. Thứ 2 là việc này là rất phức tạp nên cần có sự vào cuộc của ngành công an. Vừa qua Chính phủ cũng giao cho Bộ Công an và Bộ VH,TT & DL chủ trì để xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng này".

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành công an và chính quyền địa phương thì theo ông Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, ngành vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh tra du lịch để tiến hành thanh kiểm tra các sai phạm.

"Có những trường hợp là do doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay, nhưng cũng có những trường hợp mà doanh nghiệp Trung Quốc họ hoạt động rất tinh vi. Chúng tôi sẽ dựa vào đội ngũ thanh tra, phối hợp với các địa phương để xử lý mạnh tay với các công ty Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Tuấn nói thêm.

Nhưng thực tế hiện nay lực lượng thanh tra du lịch ở các địa phương còn quá mỏng. Đơn cử như ở Quảng Ninh, một tỉnh có chiều dài gần 300km, địa hình có cả vùng núi, vùng biển, có 4 trung tâm du lịch lớn ở Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều mà chỉ có 5 thanh tra thì công việc không thể “trôi chảy” được.

Nhiều lúc khi thanh tra nhận được tin, ra đến nơi thì sai phạm đã bị thay đổi. Có lẽ do không đủ nhân lực, vật lực đến 13/7, thanh tra du lịch Quảng Ninh mới chỉ xử phạt 21 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 13 sai phạm từ các hướng dẫn viên, 3 sai phạm từ các công ty lữ hành và 5 sai phạm từ các cơ sở lưu trú.

Điều đáng nói là các hướng dẫn viên chỉ bị phạt bởi các lỗi: Không đeo thẻ hướng dẫn viên, không mang chương trình, tự ý thay đổi chương trình, sử dụng thẻ giả, không quản lý khách…mức phạt từ 200.000 đồng - 15 triệu đồng.

Bà Tăng Thị Tuyết, phó chánh thanh tra Sở Du lịch Quảng Ninh giải thích: "Cũng có những đoàn khách chúng tôi cũng phát hiện ra hướng dẫn viên không có thẻ và đã xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xử lý với hướng dẫn viên Việt Nam, còn trong đoàn khách biết có hướng dẫn viên Trung Quốc nhưng họ không hành nghề thì cũng không có chức năng để kiểm tra… Ngoài ra, tỉnh cũng có chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về các điểm mua sắm".

Việc kiểm tra các điểm mua sắm chuyên dành cho khách Trung Quốc cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Cuối tháng 5 vừa rồi, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hạ Long do Đội Quản lý thị trường làm trưởng đoàn, lập biên bản xử phạt Ngôi nhà mơ ước với các lỗi: niêm yết giá bán ngoại tệ, vi phạm về thuế…đề nghị xử phạt 800 triệu đồng, tuy nhiên, lại không phạt được bởi khi chuyển hồ sơ lên Ngân hàng nhà nước thì lại bị quá thời hạn ra quyết định xử phạt 7 ngày!

Việc xử lý sai phạm các công ty lữ hành cũng chỉ ở mức độ kiểm tra sổ sách, phạt chuyện không có hợp đồng, không có chương trình, không lập và lưu trữ hồ sơ, không thông báo thời điểm kinh doanh… rất khó phát hiện sai phạm tiếp tay cho công ty du lịch Trung Quốc núp bóng kinh doanh.

Mặc dù các công ty lữ hành Việt Nam nhận khách từ bên các công ty Trung Quốc luôn ở trong tình trạng bị lỗ, nhưng chưa có trường hợp nào chịu lỗ thật cả. Ngoài việc ép khách mua các cảnh điểm không nằm trong chương trình, họ còn hợp thức hóa việc thực hiện giá sàn mà Sở Tài chính đang áp dụng bằng cách lập hóa đơn khống. 

Giám đốc công ty du lịch lữ hành Mạnh Long chia sẻ: "Hóa đơn thuế cứ đơn giản là 100.000 đồng thì cả Móng Cái này toàn ghi 50.000 đồng và làm chênh thêm 50.000 đồng nữa, rồi giá khách sạn 2 sao tầm 150.000 -200.000 đồng thì mình cứ khai ghi lên thành 250.000 đồng…".

Việc các công ty lữ hành lập các hóa đơn “khống” để trốn thuế là có, nhưng rất khó phát hiện, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh phân tích: "Một số công ty đã hợp thức hóa về thuế để đảm bảo giá sàn, thường thì xác minh các hóa đơn này rất nhỏ, vì mỗi hóa đơn chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu, mà hoạt động lữ hành là xuyên suốt từ tỉnh này sang tỉnh kia. Cho nên nhiều khi họ trình những hóa đơn sâu trong nội địa, hoặc phía Nam thì đi xác minh các hóa đơn này cũng khó. Nhiều khi chúng ta vẫn coi việc này là việc nhỏ. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của Hiệp hội, các đơn vị giám sát và chính bản thân các công ty cam kết trong hoạt động thuế".

Như vậy những cách giải quyết mà từ đầu phóng sự của ông Tổng Cục trưởng du lịch đều mới xử lý ở phần ngọn. Với lực lượng không đủ về thanh tra, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng chuyên môn còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm nên chưa hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe thì sẽ còn tình trạng các công ty lữ hành Việt Nam tiếp tay hoặc để cho các công ty du lịch Trung Quốc núp bóng làm lũng đoạn thị trường du lịch.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận những bất cập của Luật Du lịch có từ năm 2005 vẫn được áp dụng. Luật quy định về chế tài xử phạt dành cho thanh tra du lịch rất thấp, chưa đủ sức răn đe với các sai phạm. Rồi các điều kiện thành lập công ty lữ hành hiện nay cũng đơn giản, chúng ta luôn ưu tiên “thông thoáng, đồng hành” cùng doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa xem nhẹ các quy định về thành lập công ty lữ hành quốc tế.

Cũng bởi điều kiện đơn giản như hiện nay mà ngoài Móng Cái có đến 40 – 50 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nhiều dẫn đến chèn ép giá nhau, tranh khách, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Và Luật cũng cần bổ sung những điều khoản ràng buộc hướng dẫn viên, nhằm tăng tính trách nhiệm, đưa ra những chế tài xử phạt nặng cho các lỗi sai phạm thì mới chấn chỉnh được đội ngũ này.

Các điều trong Luật du lịch 2005 hiện nay cũng không phù hợp, nhất là với những quy định về tổ chức tour và trách nhiệm các công ty lữ hành. Từ thực tế địa phương, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh nêu ý kiến: "Luật Du lịch năm 2005 đã xuất hiện những bất cập, nhiều cái cần phải sửa. Nhiều chế tài không đủ sức răn đe. Hay như tour trọn gói chúng ta không đưa vào Luật, nên các công ty "lách" từ đó để thực hiện “bán văn”. Họ chỉ cần đón khách ở cửa khẩu rồi giao cho công ty khác, công ty khác lại bán cho công ty khác nữa, đến khi sai phạm không tìm được ai có trách nhiệm, không ai thừa nhận mình sai phạm".

Cách đây 3 năm, ngành du lịch Quảng Ninh đã từng xin các Bộ ngành liên quan xem xét vấn đề lữ hành quốc tế hiện nay để sớm đưa ra các điều chỉnh, hoặc xây dựng thêm các cơ chế đặc thù cho việc đón khách quốc tế, tuy nhiên chưa được chấp thuận. Sau những vụ việc ở Nha Trang, Đà Nẵng và những tồn tại ở Quảng Ninh, Bộ VH,TT&DL cùng với các cơ quan chức năng khác cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn để chấn chỉnh lại hoạt động lữ hành quốc tế, giữ được hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Ngày 22/3, Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Chính phủ liên quan về công tác hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới.

Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế

TIN MỚI

Return to top