ClockChủ Nhật, 30/07/2017 12:51

Du lịch cần được “chia lửa”

TTH - “Huế chỉ có du lịch” và từng “đường đi, nước bước” đều được cả xã hội quan tâm, theo dõi. Điều này tạo ra áp lực không hề nhỏ đối với bản thân ngành du lịch.

Du lịch thôi là chưa đủ

Các năm trước, du lịch được xem là ngành văn hóa, bởi lẽ, các sản phẩm ít nhiều đều gắn với bề dày văn hóa, lịch sử của Huế. Đến năm 2016, du lịch được trả về đúng vị thế là một ngành kinh tế. Du lịch còn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; trở thành ngành tiên phong, dẫn dắt kinh tế Huế, bởi nhiều năm qua đóng góp GDP của du lịch - dịch vụ luôn đạt đến 54-55%.

Du khách tham quan di tích Huế bằng xe vespa cổ

Sự phát triển của du lịch tác động đến toàn xã hội, không chỉ có doanh nghiệp, đơn vị quản lý, mà còn chi phối đến đời sống của tiểu thương, tài xế taxi, xích lô… Cũng vì ảnh hưởng đó khiến từng chuyển động, dù nhỏ nhất của du lịch cũng được dư luận quan tâm, phân tích và bình luận. Gần đây, thông tin du lịch Huế đang “rơi hạng”, càng khiến cho những người trong cuộc lo lắng. Trên các “diễn đàn”, nhất là mạng xã hội, không khó bắt gặp những lời chia sẻ “buồn với du lịch”.

Lãnh đạo ngành du lịch bộc bạch, người dân thấy lo lắng, những người trong cuộc càng áp lực hơn gấp bội. Sau một năm tách sở, ngành đã làm hết sức những gì có thể. Cố gắng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, gõ cửa từng doanh nghiệp với mong muốn có sự hỗ trợ; tập trung xây dựng, hình thành các sản phẩm mới… “Phải khách quan rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các ngành khác. Du lịch Huế chuyển mình khi tất cả mọi ngành liên quan và cả xã hội cùng chung tay”, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho hay.

Du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng kinh tế lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách chỉ ở mức thấp. Nguồn thu từ du lịch nằm dàn trải ở trong xã hội. ThS. Lê Sỹ Hùng, giảng viên Khoa Kinh tế & Phát triển, Trường ĐH Kinh tế phân tích, một nền kinh tế ổn định, phát triển bền vững luôn có sự kết hợp hài hòa giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Tùy vào thế mạnh của từng địa phương mà có thể định hướng ngành kinh tế chủ lực. Riêng Huế, chọn du lịch là đúng vì các ngành kinh tế khác có phát triển nhưng không cao.

“Sẽ không có ngành kinh tế nào có thể đóng góp ngân sách cho Nhà nước bằng công nghiệp – thương mại. Với kinh tế Huế, chủ yếu dựa vào du lịch - dịch vụ thì không thể đòi hỏi đóng góp ngân sách lớn hơn. Một nền kinh tế muốn có tốc độ phát triển nhanh thì công nghiệp, thương mại vẫn được lựa chọn hàng đầu. Về lâu dài, bên cạnh du lịch, Huế cần đẩy mạnh hơn ngành kinh tế này”, ThS. Lê Sỹ Hùng nhận định.

Ở một số địa phương du lịch đang phát triển mạnh, như Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn có sự “chia lửa” rất lớn từ các ngành kinh tế khác, nhất là công nghiệp. TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Huế chia sẻ, ở Quảng Nam, tổng thu ngân sách năm 2016 vào khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ tính riêng ngân sách mà Công ty ô tô Trường Hải đóng góp đã chiếm 2/3. Khi đã có nguồn thu lớn thì họ dễ dàng có vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các dịch vụ chất lượng cao. Đáng tiếc, trước khi vào Quảng Nam, Trường Hải từng đặt vấn đề đầu tư ở Huế. Nhưng rồi, do nhiều vướng mắc mà họ đã đi.

Chưa có đối trọng

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch (Sở Du lịch) cho rằng, Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sự quan tâm và đầu tư cho du lịch chưa xứng tầm. Nhiều ngành liên quan lại cho rằng du lịch là của ngành du lịch, trong khi đó, nếu giao thông không tốt sẽ ảnh hưởng đi lại của khách, cơ sở hạ tầng chưa tốt, an ninh an toàn của du khách không đảm bảo… đều ảnh hưởng đến du lịch.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến Huế đầu tư và các doanh nghiệp trẻ trong tỉnh mạnh dạn triển khai các dự án mới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và trung tâm tư vấn pháp luật khởi nghiệp. Hiện nay, những vấn đề cơ bản cho việc khởi nghiệp và đầu tư ở Huế còn khá hạn chế

TS. Dương Tuấn Anh

“Mới đây, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 08, các sở, ngành có tổng hợp các ý kiến để định hướng phát triển du lịch Huế nói riêng và khu vực nói chung. Ở Vinh Thanh và Vinh Xuân đang có các dự án đầu tư du lịch cao cấp, nhưng giao thông chưa tốt, Sở Du lịch có đề xuất Sở Giao thông và Vận tải tham mưu, cấp vốn nâng cấp tuyến đường. Nhưng phía giao thông cho rằng chất lượng đường có thể phục vụ tốt các xe du lịch. Nhưng thực tế, tuyến đường từ Thuận An về Vinh Thanh rất nhỏ, chỉ vừa một chiếc xe khách loại lớn và đã xuống cấp”, ông Trần Viết Lực cho biết.

Mới đây, một doanh nghiệp du lịch quyết định đầu tư một số nhà chồ ngắm cảnh trên phá Tam Giang. Ngành du lịch, lãnh đạo huyện Quảng Điền ủng hộ, tạo điều kiện. Nhưng lại mắc thủ tục ở các phòng, ban của cấp huyện và xã. Hiện các nhà chồ này vẫn đang trong quá trình xin phép và doanh nghiệp có ý định không đầu tư nữa. Như thế, câu hỏi là đến bao giờ phá Tam Giang có thể phát triển du lịch.

ThS. Lê Sỹ Hùng cho rằng, về lâu dài, du lịch Huế cần có đối trọng. Bên cạnh ngành mũi nhọn phải có những vệ tinh xung quanh. Khi đã chuyên môn hóa thì có sự kết hợp hài hòa mới tạo ra tính tổng hợp cho một nền kinh tế. Điều đặt ra là cần hoạch định chiến lược dựa trên những gì Huế có và sẽ có. Sau đó tăng cường thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư thì phải cho nhà đầu tư thấy được đầu ra của sản phẩm đó là có, sau đó mới đến môi trường đầu tư, thể chế, luật pháp…

TS. Dương Tuấn Anh cho rằng, ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đối trọng cho du lịch hiện nay chỉ có nhà máy bia và công nghiệp dệt may. Riêng dệt may, thời gian qua dù có những phát triển mới, tuy nhiên, chủ yếu thực hiện công đoạn gia công sản phẩm, nguồn đóng góp ngân sách từ dệt may không được lớn.

Bài: ĐỨC QUANG - Ảnh: HỒ NGỌC SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Đầu tư du lịch ở xã biển

Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng cùng các nguồn vốn khác, Quảng Điền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay cho các xã biển nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch biển.

Đầu tư du lịch ở xã biển

TIN MỚI

Return to top