ClockThứ Năm, 09/06/2011 09:36

Đồng Xoài, đậm đà chất Huế

TTH - Cái tên Đồng Xoài để lại trong tôi như ký ức về ngày xưa ấy. Dạo mới giải phóng, dì út tôi tên là Thôi ở làng Thanh Thuỷ Thượng (Thuỷ Dương, Hương Thuỷ) tuổi mới chừng 25 nhưng đã có tới 3 mặt con; khó khăn quá nên sau bao lần toan tính đành gạt nước mắt chia tay ông bà ngoại tôi để đi kinh tế mới. Tôi hồi đó chưa tới mười lăm tuổi, nghe mang máng vợ chồng dì đi làm ăn xa lắm, tận Đồng Xoài… Rồi cả cái xóm nhỏ của tôi nằm ven con lộ 1A, thuộc làng Dạ Lê Thượng (Thuỷ Phương, Hương Thuỷ) chỉ sau chưa đầy 2 năm sau ngày giải phóng cũng trở nên vắng hoe bởi nhiều bà con cứ lần lượt vào Nam làm ăn. Và hình như cái vùng đất quê tôi có một cái duyên gì đó thật đặc biệt nên nơi đến, nhiều nhất vẫn là vùng đất Đồng Xoài kia.

Dì tôi đi làm ăn một vài năm thì về thăm quê, dắt thêm em bé Xù và thằng cu Ben ốm nhách lại đen thui, bộ áo quần mặc trên người đỏ quạch màu đất. Mẹ tôi bảo, cực quá, lại ra xin ăn rồi, tội nghiệp dì tụi bay. Còn mệ ngoại tôi thì thở dài. Không biết họ nói chuyện gì với nhau, chỉ biết sau đó vài tháng thì vợ chồng dì tôi hồi hương. Dựng tạm mái nhà tranh, chồng đạp xe thồ, vợ chạy chợ. Đâu chừng hơn năm, xem bộ khó sống, dượng tôi lại trở vào Đồng Xoài một mình. Chưa đầy một năm sau, dì tôi cũng tiếp tục khăn gói ra đi… Lần này thì đi luôn cả chục năm trời. Chẳng mấy khi về thăm quê, ngoại trừ lúc ông mệ tôi mất. Mà cũng vội vàng lắm, cũng khắc khổ lắm. Mẹ tôi bảo, không biết bao giờ thì dì mới hết khổ. Tôi nghe chuyện cứ thấy thương dì. Lại khắc ghi và ám ảnh trong tâm trí của mình cái tên gọi Đồng Xoài xa xăm.

Cuối năm 1999, bất ngờ lần đầu tiên tôi có dịp ghé lại Đồng Xoài. Chuyến đi công tác cuối cùng trước khi nghỉ hưu, anh Đoàn Ngọc Phú, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên muốn được biết đến Đồng Xoài cho thoả lòng ao ước. Thế là từ Hà Tiên, xuất hành vào buổi trưa chúng tôi ngược lên và kịp đến Đồng Xoài khi đã hơn 9 giờ tối. Thì ra, Đồng Xoài không xa lạ và dữ dằn như tôi vẫn hình dung qua bộ dạng của mẹ con dì tôi một thời. Đang trong giai đoạn mới xây dựng còn ngổn ngang lắm nhưng Đồng Xoài đã có chợ, có phố… Người đầu tiên tôi hỏi chuyện là một chị hàng nước ven con lộ giọng nói đặc sệt Huế. Nghe chuyện mà mừng khấp khởi. Làm vội bát cơm, tôi nhờ chị Thảo, đồng hương là phóng viên Báo Bình Phước dẫn vào xóm thăm dì, thăm người quen… Đêm đó, nằm nghỉ lại ở Nhà khách UBND tỉnh Bình Phước, tôi không ngủ được. Phần vì nóng quá, phần nữa là những gì đã chứng thực được. Ừ nghĩ con tạo xoay vần, lắm chuyện khó mà hình dung hết được. Như dì tôi đi kinh tế mới, vậy mà giờ đây đã là một thị dân. Vợ buôn bán ở chợ Đồng Xoài. Chồng đi làm rẫy. Con cái cho học nghề. Mọi chuyện nói chung bước đầu là ổn. Lại nhớ câu chuyện vội vàng với mấy anh em ở Báo Bình Phước. Tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ), mọi cái đều nằm ở Bình Dương nên Bình Phước xem ra chẳng có gì về công nghiệp, kinh tế dựa chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp. Thời điểm đó, Đồng Xoài - Bình Phước chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh, thành phía nam, như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Vậy nhưng, là thủ phủ của tỉnh Bình Phước, Đồng Xoài của dì tôi đang hé lộ một tương lai đột phá trong phát triển. Đó là điều mà tôi lờ mờ cảm nhận được khi lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, thắm thoắt đã hơn 10 năm.

Đồng Xoài đổi thay từng ngày 
Nam Bộ là đất mới. Đông Nam bộ là đất mới. Đồng Xoài lại càng mới. Bởi nó cách nay không lâu là vùng núi rừng bạt ngàn. Cũng như Bình Phước, cái tên Đồng Xoài mới toanh. Lần đầu nghe danh là vào năm 1867, thực dân Pháp chia Nam Bộ ra thành 4 khu: Sài Gòn, Vĩnh Long, Mỹ Tho và Bắc Xắc. Đồng Xoài- Bình Phước thuộc Biên Hoà nằm trong khu Sài Gòn. Năm 1889, các tiểu khu thành lập các tỉnh, Đồng Xoài- Bình Phước thuộc về Thủ Biên. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn (cũ) tách Thủ Biên thành 2 tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một. Sang năm 1956, lại tách Thủ Dầu Một thành 2 tỉnh Bình Long và Bình Dương, tách Biên Hoà thành 2 tỉnh Biên Hoà và Phước Long. Đồng Xoài (còn gọi là Đôn Luân) thuộc Phước Long. Năm 1976, tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước) được thành lập. Năm 1997, Bình Phước với Đồng Xoài là tỉnh lỵ, được tái lập.
Dạo tháng 4/2011, nhân kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam, cơ quan tổ chức chuyến đi thực tế phía nam. Anh Đinh Khắc An, Tổng biên tập đề nghị phác thảo hành trình, tôi không ngần ngại ghi tên địa danh Đồng Xoài- Bình Phước. Tôi đã bị hấp dẫn bởi vùng đất từng là nơi có chiến khu Đ. trong kháng chiến chống Mỹ, có sóc Bom Bo nổi danh trong bài ca một thời hào hùng của nhạc sĩ Xuân Hồng, có những trận đánh lịch sử mà nhớ nhất là trận Đồng Xoài oai hùng năm 1965.
Chiến trường xưa, vùng đất năm nào là núi rừng hoang vu của một vùng kinh tế mới giờ đây đã thành phố thị. Một đô thị mới toanh, đầy sức sống, nhiều hứa hẹn với cửa nhà san sát, phố xá thênh thang. Đồng Xoài - Bình Phước thực sự trở thành nơi đất lành chim đậu. Khi mới tách tỉnh, Bình Phước chỉ có chừng hơn nửa triệu dân thì nay đã xấp xỉ một triệu người. Năm 2010, tổng sản phẩm nội tỉnh bình quân đạt 13,2%, GDP bình quân đầu người trên 18 triệu đồng. Bình Phước lọt vào top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Riêng Đồng Xoài, tất nhiên ở mức cao hơn, với các chỉ số tương ứng là 16% và 21,5 triệu đồng. Chưa hết, làm thêm vài phép tính so sánh nữa mới thấy hết sức bật của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng này. Năm 1997, mới tách tỉnh, Bình Phước chỉ có 181 doanh nghiệp với vốn đăng ký chừng 35 tỷ đồng thì năm 2010 vừa qua con số doanh nghiệp mang mác Bình Phước đã tăng 16,7 lần về số lượng doanh nghiệp và 564,7 lần về số vốn. Tuy nhiên, đó chưa phải là chân dung đầy đủ và ấn tượng của Bình Phước và Đồng Xoài. Vùng đất này được biết đến là thủ phủ của cây điều, với trên 160 ngàn ha, chiếm 45% tổng diện tích cả nước đi kèm theo với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến điều, góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tháng 3-2010, lễ hội Quả Điều vàng Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức cực kỳ hoành tráng ở Đồng Xoài.
Ngồi lai rai với anh Nguyễn Viên, Tổng biên tập và các anh chị em ở Báo Bình Phước, tôi hỏi chuyện về bà con người Huế mình ở Đồng Xoài. Anh Viên cười vui: “Đồng Xoài này có đủ cả sắc dân các địa phương. Như tôi đây, quê tận Hải Phòng. Còn muốn biết, xin cứ ra chợ Đồng Xoài, có đến 40% là dân Huế”. Tôi cũng đã mường tượng được điều đó. Đâu xa lạ là chuyện nhà của tôi. Bên ngoại, ngoài bà dì mà tôi vừa kể còn có ông cậu ruột, nổi tiếng với vườn điều và cao su trên cả chục ha, vốn liếng cả hàng chục tỷ bạc. Bên nội là 2 đứa em gái con ông chú ruột. Rồi nữa là bà con thân sơ, xóm giềng đến cả hàng chục người. Hôm vào Đồng Xoài tôi ghé thăm dì và cậu, cả hai đều đi vắng. Mùa này là mùa thu hoạch điều nên cả nhà cắm chốt hàng tháng trời trong rẫy. Tôi vội chạy ra chợ tìm đứa em chú bác ruột. Cô bé Hường năm nay chưa tới 35 tuổi. Nhớ cách nay chừng 15 năm, ở quê khổ quá em Hường khăn gói ra đi. Tiền dành dụm chỉ đủ tiền mua vé xe. Vậy mà giờ đây, em đã là một bà chủ lò mổ tiếng tăm ở chợ Đồng Xoài, con cái đề huề, đất đai ba bốn thửa, có đến mấy chiếc ô tô tải, vốn liếng cả chục tỷ đồng. Gặp tôi, nơi đất lạ xứ người, Hường cứ hét toáng lên. Còn tôi chỉ biết mừng cho em. Hường đã chọn được nơi đất lành để an cư và lạc nghiệp.
Có người đã làm thống kê và khẳng định như đinh đóng cột, rằng ở nước Nam ta, 3 xứ có đông người di dân nhất là Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế. Tôi cũng từng đến nhiều nơi có đông dân Huế sinh sống, chiếm đa số trong thành phần cư dân, như Chư Sê (Gia Lai), Buôn Hồ (Đắc Lắc) và Đồng Xoài (Bình Phước). Không như nhiều nơi khác có một bộ phận lớn xa quê từ trước giải phóng, cộng đồng người Thừa Thiên Huế mình ở Đồng Xoài chủ yếu bắt từ sau ngày giải phóng, gắn với phong trào đi kinh tế mới. Vậy nhưng cái chất Huế cũng đã thấy đậm đặc khi đa phần đều sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, kinh doanh buôn bán; tiếp theo là 2 nghề giáo viên và bác sĩ. Và rồi, dẫu tứ tán, dẫu tha hương nhưng vẫn đau đáu một nỗi nhớ quê, vẫn khát khao ngày trở về, trở về để rồi lại ra đi. Ví như chuyện của dì ruột tôi. Mấy năm nay, tuổi cũng đã lớn, hằng năm dì đều cố gắng về thăm quê, có khi ở hẳn cả tháng ròng. Có cậu con trai út, sinh ra ở Đồng Xoài, dì đã rất khéo léo, để rồi cưới cho cậu ta một cô vợ Huế chính tông ở ngay quê nhà. Lễ cưới được tổ chức cả hai nơi là Huế và Đồng Xoài.
Đám kỵ ông bà ngoại tôi năm nào cũng thế, được tổ chức ở Huế và Đồng Xoài. Ngoài này, mẹ tôi và mấy dì cùng bà con cháu chắt bao giờ cùng chờ đợi cú điện thoại của cậu tôi từ Đồng Xoài, thăm hỏi bà con xóm giềng và cũng phối hợp để cả hai cũng làm lễ một lượt cho ấm áp. Những lúc đó, cũng như nhiều người, tôi đã nghĩ đến một Đồng Xoài đậm đà chất Huế và máu thịt. Và tôi cũng như hiểu hơn, có một tâm thức Huế vẫn thức trong mỗi người Huế xa quê ở tận Đồng Xoài cùng nhiều nơi khác nữa... Ly hương nhưng bất ly tổ. Nó làm nên một đặc trưng Huế không thể lẫn lộn được.
 Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
“Phố homestay” sáng đèn ở vùng cao A Lưới

Nằm cách trung tâm huyện A Lưới chừng 4km về phía tây bắc, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khu du lịch sinh thái A Nôr (xã Hồng Kim) giờ đây đã trở thành một “khu phố” homestay, farmstay sáng đèn nơi vùng cao.

“Phố homestay” sáng đèn ở vùng cao A Lưới
Return to top