ClockThứ Sáu, 25/09/2015 15:33

Đóng góp quan trọng của khảo cổ học

TTH - Với 25 di tích quan trọng được tiến hành điều tra, thám sát, khai quật trong thời gian qua, công tác khảo cổ học tại khu di sản Huế phát huy đúng vai trò “đi trước một bước”, góp phần tích cực đưa di tích Huế vượt qua thời kỳ cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn bảo tồn và phát triển bền vững.
Đình Bát Phong sau khi được phục hồi

Tìm dấu vết nguyên gốc

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, cho biết: Từ năm 1999 đến nay, khảo cổ học đã và đang đóng góp tích cực và hiệu quả cho các dự án trùng tu, tôn tạo các công trình di tích tại Cố đô Huế bằng những cứ liệu vật chất có độ tin cậy cao. Nếu đem kết quả khảo cổ học so sánh với các nguồn sử liệu khác thì có thể thấy được những khác biệt của quần thể kiến trúc cố đô hiện nay với một kinh đô Huế thuở ban đầu. Những công trình tiêu biểu đã được trùng tu, phục hồi dựa trên kết quả thám sát, khảo cổ, gồm: Cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, hệ thống trường lang Tử Cấm thành, lăng Gia Long, hồ Tịnh Tâm, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, đàn Xã Tắc, lầu Tứ Phương Vô Sự, Hổ Quyền - Voi Ré, Quan Tượng Đài, Quốc Tử Giám, miếu Long Thuyền, lầu Tàng Thơ…
Năm 2012, phế tích Quan Tượng Đài bắt đầu được Trung tâm BTDTCĐ Huế triển khai hoạt động thám sát khảo cổ để phục hồi. Đây là một công trình vô cùng độc đáo, được coi là đài thiên văn cổ duy nhất của các vua chúa còn lại tại Việt Nam. Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, nền gốc của di tích xuất lộ một số mảng gạch Bát Tràng trong tình trạng bị dập vỡ; đình Bát Phong có cấu trúc hình bát giác, nền móng của công trình này còn khá nguyên vẹn. Vật liệu chủ yếu mà người xưa dùng để xây dựng công trình này là gạch vồ, đá Thanh (chân đá táng), gạch Bát Tràng, ngói lưu ly, vữa vôi, đá gan gà. Đình Bát Phong là một ngôi nhà hình bát giác cột bằng gỗ, mái lợp ngói ống men, không có tường bao quanh. Mái đình chia làm hai tầng theo dạng cổ lầu. Tầng trên có 4 mái, tầng dưới 8 mái… Sau khi có kết quả khảo cổ, các nhà nghiên cứu tiếp tục thảo luận để xác định đâu là tư liệu nguyên gốc để làm cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng thiết kế kỹ thuật phục hồi và tôn tạo di tích Quan Tượng Đài chính xác, khoa học, có sức thuyết phục như hôm nay.
Cần quan tâm thêm khảo cổ dưới nước
Quần thể di tích Cố đô Huế gồm nhiều loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình đã trở thành phế tích, các công trình còn lại đang trong tình trạng hư hỏng nặng nề, trong số đó có không ít di tích đã qua nhiều lần tu sửa, đôi khi đã thay đổi hiện trạng gốc. Để xây dựng hồ sơ trùng tu các công trình một cách chuẩn xác, công tác khảo cổ học phải đi trước một bước với việc điều tra, thám sát, khai quật kết hợp với công tác nghiên cứu khoa học. Qua các cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Huế, những cứ liệu vật chất đã được làm xuất lộ và được nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn thận. Nhờ đó, truy nguyên được những vết tích công trình kiến trúc, bao gồm kết cấu nền móng của các cung điện, lầu tạ, những khu vườn ngự nơi thưởng ngoạn của nhà vua, những tiểu cảnh hòn non bộ, bể cạn… kể cả các vật liệu để xây nên các công trình. Những tư liệu này đều đáng tin cậy, là cơ sở khoa học để thiết kế các dự án trùng tu phục hồi di tích, bù đắp phần nào khoảng trống về nguồn tư liệu mà sử sách không để lại, đồng thời tạo nên những bất ngờ thú vị từ lòng đất Cố đô. Theo TS. Phan Thanh Hải, kết quả khảo cổ học đem lại cho chúng ta những nhận thức mới đầy đủ hơn về tổng thể di tích kiến trúc Cố đô Huế hay từng kiến trúc đơn lẻ trong tổng thể ấy. Những tư liệu do khảo cổ học mang lại đều có thể cân đong đo đếm được, do vậy có độ tin cậy và tính khoa học cao.
Khảo cổ học dưới nước là lĩnh vực mới lần đầu tiên được đưa vào nội dung của hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 - năm 2015, được tổ chức tại Huế vừa qua. Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, khảo cổ học dưới nước là một trong những lĩnh vực mới, chưa có đội ngũ và cũng như chưa có cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, Huế lại là địa phương có tiềm năng rất lớn với điểm nhấn là sông Hương và hầu hết các khu vực di tích chính của cố đô đều gắn liền với dòng sông này.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan, người đang sở hữu bộ sưu tập “1/3 cổ vật của dòng Hương” cho rằng, một trong những việc quan trọng trong thời gian tới của Trung tâm BTDTCĐ Huế là phối hợp với các ngành chức năng để tiến hành một cách bài bản các hoạt động khảo cổ dưới dòng sông Hương. Theo ông Hồ Tấn Phan, những gì còn nằm lại trong lòng sông chính vẫn mang đậm thông điệp thời đại từ mấy nghìn năm trước của tiền nhân, là “chứng nhân” giúp hậu thế hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người xưa, thời người Việt mới tiến vào vùng Thuận Hóa. Chính vì vậy, sẽ không có cách gì hiểu lịch sử đầy đủ hơn qua những cổ vật còn lưu lại dưới dòng sông kia. Đó cũng chính là cội nguồn niềm đam mê sưu tập cổ vật dưới lòng sông Hương của ông.
Bài, ảnh: Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top