ClockChủ Nhật, 15/03/2020 16:47

Đóng cửa di tích là cần thiết để tránh dịch lây lan

TTH.VN - Ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tạm thời không đón khách tham quan, tất cả các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đều đã đóng cửa.

“Xa xỉ phẩm” thời COVID-19

Sáng 15/3, nhiều du khách chưa cập nhật thông tin đóng cửa di tích vẫn đến tham quan Đại Nội

Theo ghi nhận của PV vào sáng 15/3, Đại Nội không còn tấp nập khách du lịch nhưng vẫn có nhiều du khách nước ngoài chưa nắm được thông tin đến tham quan. Không vào được bên trong, nhiều du khách đành đứng ngắm từ bên ngoài, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hệ thống Kinh thành, dạo quanh khu vực Đại Nội chụp ảnh lưu niệm rồi rời đi.

Một đoàn khách gần 20 người mang khẩu trang chỉnh tề tỏ ra bất ngờ khi điểm đến tham quan không còn mở cửa đón khách. Tuy vậy, họ thông cảm và vui vẻ ra về sau khi nghe nhân viên ở quầy vé giải thích.

Bà Laura, một du khách người Pháp, bày tỏ: “Mặc dù hơi hụt hẫng khi không được vào tham quan nhưng chúng tôi đồng cảm, ủng hộ việc đóng cửa di tích để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Trong tình hình nghiêm trọng, chúng ta cần phải hành động như vậy”.

Trên màn hình led trước quầy vé và trước cổng vào Đại Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tạm dừng phục vụ tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế kể từ 17h ngày 14/3. Thời gian mở cửa phục vụ trở lại trung tâm sẽ thông báo sau. Xin cáo lỗi vì sự bất tiện này”. Ở quầy vé, vẫn có nhân viên túc trực để hỗ trợ khách trả lại vé.

Thông báo dừng đón khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho hay: “Trung tâm dừng đón khách ảnh hưởng đến nguồn thu, ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, nhân viên nhưng là việc cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trong những ngày ngừng đón khách, chúng tôi tập trung tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng kháng khuẩn và làm nhiệm vụ chuyên môn. Khi nào mở cửa trở lại, trung tâm sẽ triển khai các chương trình kích cầu”.

Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế… đều đã đóng cửa. Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cho biết: “Đây là mùa khách quốc tế nên du khách nước ngoài đến tham quan bảo tàng khá đông. Dù rất cẩn trọng triển khai các biện pháp phòng dịch nhưng chúng tôi vẫn lo lắng. Bảo tàng là không gian trong nhà nên nguy cơ lây lan cao nếu có vị khách nào nhiễm bệnh. Vì thế, đóng cửa khiến chúng tôi yên tâm hơn”.

Tìm hiểu một số đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp tỏ ra thấu hiểu, chấp nhận với giải pháp này. Công ty CP Đào tạo & Dịch vụ du lịch Huế (Huetourist) đã ngừng nhận tour và tạm dừng các dịch vụ, như: tour du lịch Thủy Biều, tour con đường di sản miền Trung.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huetourist, nói: “Việc đóng cửa di tích, bảo tàng và danh lam thắng cảnh là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình, chịu thiệt hại kinh tế để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Nhân viên quầy vé ở Đại Nội hỗ trợ khách trả lại vé

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, bối cảnh hiện nay mọi người đều hiểu nên các đơn vị lữ hành đồng thuận với quyết định đóng cửa di tích của tỉnh. Ngoài các đoàn khách tour, khách tự do khi đến các điểm tham quan mới thấy thông báo sẽ không tránh khỏi hụt hẫng.

Sở Du lịch đã thông báo đến các đơn vị lữ hành và du khách để khách thông cảm đây là tình huống bắt buộc. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quản lý, theo dõi và hướng dẫn cho du khách về các biện pháp phòng dịch.

Trước đó, chiều 14/3, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tạm thời không đón khách vào tham quan tại các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn từ 17h ngày 14/3 cho đến khi có thông báo mới, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Return to top