ClockThứ Sáu, 03/01/2020 06:30

Đơn điệu dịch vụ ban đêm

TTH - Đến cuối năm 2019, dịch vụ du lịch ban đêm ở Huế vẫn còn khá đơn điệu. Làm gì để thu hút và giữ chân khách ở sẽ còn là bài toán khó của ngành du lịch Huế.

Sức hút từ phố đi bộBị động về chính sách giá trong du lịch

Không gian Đông Khuyết đài mới đưa vào khai thác chưa được nhiều du khách lựa chọn, nhất là vào ban đêm

 

Thiếu sống động

Câu chuyện Huế đơn điệu, thiếu dịch vụ vào ban đêm không chỉ mới được đề cập, mà luôn là chủ đề “nóng” được đưa ra mổ xẻ, nhất là vào các dịp cuối năm, khi tổng kết, đánh giá lại một năm hoạt động. Trong năm 2019, gần như ở Huế chưa có thêm điểm nhấn nào vào ban đêm. Nhìn chung, ban đêm ở Huế vẫn chỉ có phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu hoạt động 3 đêm cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với cầu đi bộ trên sông Hương, ca Huế trên sông Hương mà thôi.

Việc đơn điệu dịch vụ kéo theo hai yếu điểm của du lịch Huế là khách ở lại ít và mức chi tiêu của khách vẫn chưa tăng. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn, bài toán dịch vụ ban đêm vẫn chưa được giải một cách hiệu quả, nhìn chung các sản phẩm chưa được khai thác nhiều, nhất là những sản phẩm có thể tạo đột phá. Với tốc độ này, khoảng 2 - 3 năm tới, nếu không có sự thay đổi, dịch vụ về đêm vẫn chưa được giải quyết một cách tốt nhất.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, các doanh nghiệp (DN) đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá mỏng, quy mô chủ yếu là nhỏ, dẫn đến năng lực khai thác còn hạn chế về thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới. Bởi, chỉ có những nhà đầu tư, DN lớn vào mới giúp Huế có sự thay đổi rõ rệt hơn. Nhưng mời gọi mãi, đến nay vẫn chưa có những nhà đầu tư tầm cỡ để phát triển các dịch vụ, nhất là giải trí về đêm.

“Huế có Festival, nhưng cũng chỉ đọng lại trong mấy ngày rồi kết thúc. Vì vậy ngành du lịch đã đề xuất kéo dài những đêm sôi động bằng cách tổ chức thêm một số lễ hội khác. Hai năm qua, đã bắt đầu manh nha một số lễ hội, như Ngày hội Lân bước đầu có thành công. Đúng là có lễ hội làm tốt, lễ hội chưa, nhưng nếu không làm sẽ không có cái mới”, ông Lê Hữu Minh cho biết.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên Thừa Thiên Huế thông tin, hiện khách đến Huế chia làm hai nhu cầu khác nhau, với khách nội địa và một số thị trường như Thái Lan và Hàn Quốc, thích các dịch vụ giải trí, sôi động, nên họ đánh giá Huế là điểm đến thiếu hấp dẫn về đêm. Còn với khách châu Âu và Bắc Mỹ, thích sự yên bình hơn, những sản phẩm theo xu hướng nhẹ nhàng, đẳng cấp, hưởng thụ văn hóa bản địa. Muốn làm hài lòng cả hai nhu cầu của khách, Huế cần có hơn những gì đang khai thác.

Tìm lời giải

Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế về đêm phải là giải trí và mua sắm, về đêm không thể là tham quan, nghiên cứu. Huế có kế hoạch phát triển không gian nghệ thuật phục vụ nhu cầu giải trí ở đường Lê Lợi, từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân kết hợp với phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhưng đến nay, hệ thống bảo tàng, các dịch vụ giải trí hỗ trợ khác lại không mở cửa, ít hoạt động vào ban đêm. Đó là sản phẩm mà Huế cần triển khai sớm hơn.

Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, du lịch cũng là kinh tế thị trường, được quyết định từ nhu cầu. Các dịch vụ ban đêm, dịch vụ vui chơi giải trí không chỉ cho khách du lịch, trước hết phục vụ địa phương, vì người dân Huế cũng đang rất cần. Khi có các dịch vụ sẽ tạo ra tập quán tiêu dùng cho người Huế, tiến đến trở thành thành phố tiêu dùng năng động.

Ông Lê Hữu Minh khẳng định, giải pháp để giữ chân du khách vào ban đêm không phải là không có. Về tầm vĩ mô, khách chủ yếu đến Huế là châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan… nhưng thời gian miễn thị thực chỉ 15 ngày, trong khi đó, các điểm đến phát triển nhanh, với 15 ngày mà giữ du khách cho Huế nói riêng và mỗi địa phương nói chung là rất khó. Điều này ngành sẽ có những kiến nghị, đề xuất với các cấp cao hơn.

“Vừa qua, có một DN đến nghiên cứu tổ chức show diễn tại cồn Dã Viên, hy vọng sẽ thực hiện được để tạo ra một chương trình đột phá cho Huế. Ngành du lịch cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển. Đồng thời, nâng cấp chất lượng các sản phẩm, làm mới các dịch vụ văn hóa, di sản đã khai thác lâu nay”, ông Minh cho hay.

Quan trọng với Huế vẫn là thu hút được DN lớn vào đầu tư, xây dựng sản phẩm. Cần có một "nhạc trưởng" để giúp Huế tạo ra ít nhất một sản phẩm đột phá.

Theo ông Vũ Hoài Phương, khi phát triển các sản phẩm cần phải tính toán về không gian, kết nối, tạo thuận lợi cho du khách. Chẳng hạn ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hiện chưa có bãi đỗ xe, buộc khách phải đi bộ, sự kết nối bên ngoài khá khó khăn khiến nguồn khách chưa như kỳ vọng. Bên cạnh đó, các dịch vụ vẫn khá đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp nên chưa tạo ra lợi thế thu hút khách về đêm.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Return to top