ClockThứ Tư, 25/04/2012 21:15

Đi tìm tác giả Đế hệ thi

TTH - Từ một bài viết của ông Đinh Văn Niêm, hậu duệ dòng họ Đinh ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An gửi cho Tạp chí Nghiên cứu Huế, một Châu bản chữ Hán mang tính phát hiện quan trọng về triều đại nhà Nguyễn đã được tìm thấy.

Đó là bài thơ Đế hệ thi và mười bài Phiên hệ thi bằng các mỹ tự dùng để đặt tên theo hình thức song danh(*) cho con cháu trực hệ của nhà vua (đế hệ) cùng con cháu của mười hoàng tử anh em (phiên hệ). Từ trước đến nay, sử sách, giới nghiên cứu văn hóa lịch sử đều cho rằng, tất cả do chính vua Minh Mạng định ra. Thế nhưng Châu bản vừa được tìm thấy lại chứng minh rằng, tác giả đầu tay của 11 bài thơ quan trọng này là của Đinh Nguyễn Phiên, người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn. 

Nhiều chữ thay đổi
 
Sau khi nhận được bài viết “Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên (1764-1833), tác giả Đế hệ thi và Phiên hệ thi” của Đinh Văn Niêm, Ban biên tập sách Nghiên cứu Huế đã “phát hiện” trong “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” của Viện Đại học Huế xuất bản năm 1962, ở tập 2 triều Minh Mạng một bản tâu có nội dung liên quan. Tổng mục ghi: “Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên tâu chỉ soạn các chữ Ngọc phổ, tất cả 11 bài, mỗi bài 4 câu 20 chữ, tổng cộng 220 chữ”, đề ngày 29/11, năm Minh Mạng thứ nhất (1820). Từ sự gợi ý này, tác giả Đinh Văn Niêm đã “gõ cửa” Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội, và được nhận bản sao in màu Châu bản quý giá.
 

Mr Niem: Ông Đinh Văn Niêm (Hà Nội) và châu bản Đế hệ thi "đồng tác giả
của cụ tổ ông là Đinh Nguyễn Phiên và vua Minh Mạng. Ảnh: Việt Dũng

 
 
Châu bản gồm năm trang, đề ngày 29 tháng 11 năm Minh Mạng thứ nhất, trong đó gồm phần chữ mực đen là của Đinh Nguyễn Phiên, và phần chữ mực đỏ là của vua Minh Mạng (châu phê). Phần Đinh Nguyễn Phiên viết rõ: “Đông các học sĩ thần Đinh Nguyễn Phiên khể thủ đốn thủ bách bái cẩn tấu vi: tư phụng chỉ kiểm nghĩ ngọc phổ chư tự. Khâm thử. Cẩn thứ vi thập nhất chương tứ cú nhị thập tự. Hợp nhị bách nhị thập tự. Cung trần vu thứ phục hậu thánh tài. (Tạm dịch: Bề tôi Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên cứu đầu rập đầu trăm lạy kính tâu về việc: nay kính vâng chỉ kiểm soạn các chữ trong ngọc phổ. Kính cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, cộng 220 chữ kính trình bày theo thứ tự. Kính chờ thánh thượng xét đoán).
 
Bài 1: Miên hồng khai bửu tộ/ Bảo định ứng trinh tường/ Toản tự di nhân viễn/ Gia hy tích dận trường. Bài 2: Tế mỹ duy phiên tráng/ Liên huy vĩnh thế xương/ Lệnh nghi sùng tốn thuận/ Vỹ vọng biểu khiêm quang. Bài 3: Hữu đắc giai lương quý Du hành suất nghĩa phương/ Dung di tương thức hảo/ Bính diệu trác vi chương. Bài 4: Nhã hoài ưng quyến ái/Kế thiện mậu thanh hoa/ Nghiễm khác do trung đạt/ Trung hiền tập cát đa. Bài 5: Hội thích phong hanh hợp/ Kỳ phùng thái lãng nghi/ Tuấn nguyên lưu hậu trạch/ Diễn khách thiệu phương huy. Bài 6: Lý tín hằng tư chính/ Tồn thành lợi khả trinh/ Túc cung toàn hữu nghị/ Tôn hiển tập vinh danh. Bài 7: Tác dụng thường tuần lý/ Văn tri tại mẫn cầu/ Ngưng hòa tuân chí lạc/ Địch đạo doãn phu hưu. Bài 8: Phụng lân trưng xiển thụy/Kim ngọc trác tiêu kỳ/ Điển học kỳ tính chí/ Đôn di khắc tự trì. Bài 9: Khải hựu tuân minh huấn/ Lâm trang túy thịnh dung/ Thận du tư tiến đức/ Tăng ích mậu tân công. Bài 10: Tĩnh ôn khâm ý phạm/ An chỉ toại hoằng quy/ Nguyên khải đằng tài dự/ Diên ninh hưởng thọ kỳ. Bài 11: Dục tú dương quỳnh cẩm/ Chiêu văn hoán bích khuê/ Tuy tương thùy dĩ dực/ Du cửu thực xứng tề.
 
Minh Mạng nguyên niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật. Thần Đinh Nguyễn Phiên”, kèm ấn tín.
 
Đáng chú ý là phần chữ của vua Minh Mạng (màu đỏ) nhiều đoạn sửa đi sửa lại, thay đổi nhiều chỗ, đảo tới đảo lui, có chỗ thay đổi rồi dùng lại… Trước khi có bài Đế hệ thi chính thức (Miên hồng ưng bửu vĩnh/Bảo quý định long trường/Hiền năng kham kế thuật/Thế thụy quốc gia xương), thì đã từng có bài sửa của nhà vua: “Miên hồng ưng bửu vĩnh/Long quý định bảo trường/Hiền năng kham kế thuật/Gia thụy quốc đồ xương”. So với bản của Đinh Nguyễn Phiên, bản chính bài thơ Đế hệ thi được nhà vua dùng lại bảy chữ (bốn chữ giữ nguyên vị trí), dùng thêm tám chữ ở các bài Phiên hệ thi. Nhà vua thêm vào năm chữ long, năng, kham, thuật, quốc… Riêng phần mười bài Phiên hệ thi, ở những bài đầu thì nhà vua có chỉnh sửa, thêm bớt và hoán đổi tương đối nhiều chữ. Những bài sau, sự thay đổi ít dần và bài cuối thì không còn thấy chữ của nhà vua trên văn bản nữa. Đối chiếu với bản chính khi vua ban sau này, có sự thay đổi khá nhiều, chứng tỏ đây chưa hẳn là văn bản cuối cùng trước khi ban hành.
 
Đinh Nguyễn Phiên là ai?
 
Theo Gia phả họ Đinh Văn ở làng La Giáp (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) do ông Đinh Văn Niêm cung cấp, thì Đinh Nguyễn Phiên (1764-1833) thuộc đời thứ 9: “khi đầu tên là Giáp, sau đổi tên là Nguyễn Phiên, lại sau nữa… gọi là Hồng Phiên”. Ở khoa thi năm 1783, thời Cảnh Hưng, ông đậu hương cống (cử nhân), được cấp ruộng và ban tước Khê Đình Hầu. Ngoài Đế hệ thiPhiên hệ thi, gia phả còn ghi, chính ông là tác giả câu thơ Nôm “mai hạc” nổi tiếng: “Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ hạc là người quen” mà bấy lâu nhiều người vẫn cho là của đại thi hào Nguyễn Du và một số tập thơ văn Hán Nôm khác.
 
Lần lại lịch sử, sách Đại Nam thực lục, vào tháng tư năm Minh Mạng thứ 4 (1823), sách bằng vàng ngự chế về đế hệ dành cho trực hệ của vua và sách bạc về phiên hệ dành cho con cháu các anh em của vua làm xong. Lễ tuyên đọc và ban sách được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Nhà vua nói với các hoàng tử rằng: “Trẫm nghĩ tôn thống là quan trọng, muốn thực hiện chí của tiên hoàng, bèn soạn 20 chữ hay, lưu để cho người nối ngôi về sau, chia ra dòng đế, dòng phiên để phân biệt thân sơ… Trẫm chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn sẽ được hưởng 500 năm, hưởng đời hơn 20 đời. Cũng không dám mong nhiều đâu…”.
 
Từ trước đó, vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ nhất (1820), nhà vua sai Tả thống chế Tôn Thất Dịch và Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng làm Ngọc phổ. Đây cũng cùng thời điểm với bản tâu của Đinh Nguyễn Phiên có châu phê của vua Minh Mạng. Theo các nhà nghiên cứu, trong thời gian đó, nhiều khả năng sẽ có nhiều bản của các vị quan lại có phận sự soạn tâu, và bản của Đinh Nguyễn Phiên vì một lý do nào đó (như chữ hay chẳng hạn), đã được chọn lựa để tham khảo.
 
Riêng về Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên, sách Đại Nam thực lục, ghi vào tháng 5 năm Gia Long 14 (1815) theo lệnh của triều đình “lấy hương cống triều Lê là Đinh Phiên làm đốc học Quảng Nam”. Đến tháng 3 năm Gia Long 18, được thăng Đông các học sĩ. Đầu triều Minh Mạng năm 1820, ông được phái cùng Cần Chính điện học sĩ Nguyễn Xuân Tình đi sứ nhà Thanh. Sau đó được vua sai định khuôn mẫu, thể thức các cáo sắc cho triều đình. Đến tháng 5-1821, ông được chọn làm toản tu, trong nhóm biên soạn sách Liệt thánh thực lục (các đời vua trước trong dòng họ), rồi làm Thị trung trực học sĩ (tức hầu cận cho nhà vua liên quan đến vấn đề từ chương). Đến tháng 6 làm thêm công việc ở Bộ Lại. Cuối năm 1821, ông là giám thi kỳ thi Hương ở kinh đô và nhiều tỉnh khác, và là người lo việc thi Hội ở khoa thi đầu của triều Nguyễn vào năm 1822. Ông cũng là người được giao chăm lo việc lễ lạt ở Bộ Lễ… Trong thời gian làm quan, Đinh Nguyễn Phiên chứng tỏ là người có trình độ cao và được vua tin cậy giao nhiều công việc liên quan đến từ chương, chữ nghĩa, được giữ nhiều chức vụ khá quan trọng trong triều… Đến cuối đời, ông trở thành tội thần vì bị cho có liên quan đến vụ Lê Văn Khôi. Ông chết trên đường bị giải về kinh đô.
 
Thái Lộc
 
(*) Sau họ Nguyễn Phước là tên hai chữ, chữ đầu lấy trong bài thơ vua ban và đặt thêm chữ sau.
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top