ClockThứ Năm, 12/12/2013 11:15

Đi tìm làng Phỉ Tha

TTH - Có những làng cổ ở Ô Châu, được thành lập trong khoảng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, từng có danh xưng trong danh mục làng xã của sách Ô Châu cận lục, hoàn toàn không có mặt trong danh mục làng xã chép trong sách Phủ biên tạp lục và trong địa bạ triều Nguyễn được soạn từ thời Gia Long.

Các làng mất tên bởi vì làng đã biến mất do thiên tai, chiến tranh khiến dân làng xiêu tán, hoặc làng ít dân số nên chính quyền sát nhập vào làng khác, vì thế miếu khai canh, miếu thành hoàng và đình làng bị xóa. Tuy nhiên, phần lớn các làng không có tên ở danh mục làng xã trong Phủ biên tạp lục hay trong địa bộ Gia Long là vì làng đã đổi danh xưng, ví dụ làng Thụy Lôi đổi thành làng Phú Xuân, làng Cư Hóa đổi thành Cư Chánh… Trong bài viết này, chúng tôi xin thảo luận quanh sự còn hay mất của một làng cổ, có trước mốc 1558, đó là làng Phỉ Tha [ 匪 他 ]. Giới nghiên cứu lịch sử làng xã Huế, có người nghĩ rằng làng Phỉ Tha đã bị mất theo kiểu không còn dấu tích, không còn đình làng.

 Bình phong trước đình làng Phú Khê

Trong gia phả của họ Võ làng Nam Phổ có chép một vị tổ đời thứ ba là Đô Thành hầu Võ Tử Đô, tập ấm, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông, chức Võ Sĩ quan cai quản tứ vệ thành môn lực sĩ, từng có bà chánh thất là Thị Đô (người làng Phỉ Tha, sau đổi thành làng Phú Khê). Thời điểm đổi danh xưng Phỉ Tha thành Phú Khê là khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 và danh xưng Phú Khê tồn tại cho đến nay. Làng Phú Khê được chép trong danh mục làng xã của “Phủ biên tạp lục”, thời chúa Nguyễn Đàng Trong, “Huyện Phú Vang 6 tổng… Tổng Dương Nỗ 12 xã 6 phường: các xã Dương Nỗ, Nam Phổ,…, Phú Khê, Thạch Căn…”. Địa bạ thời Gia Long chép: “Phú Khê xã: Đông giáp xã Nam Phổ, có cột đá làm giới. Tây giáp xã Võng Trì (tổng Mậu Tài), xã Phổ Trì (tổng Đường Hoa), xã Thạch Căn, lấy đường làm giới. Nam giáp xã Thế Vinh (tổng Mậu Tài), có cột đá làm giới. Bắc giáp xã Dương Nỗ, có cột đá làm giới”.

Làng Phỉ Tha là một làng cổ, hầu hết là ruộng đất công, chiếm diện tích trên một trăm mẫu. Điều này chứng tỏ, làng được thành lập do quân lính và tù binh khai phá theo chủ trương “ngụ binh ư nông” của triều Lê, như các làng kế cận: Nam Phổ, Dương Nỗ, Thạch Căn… Bao quanh làng Phỉ Tha đa phần là khe hói, vì thế đến thời Nguyễn Hoàng, nhà nước đã đổi danh xưng Phỉ Tha thành Phú Khê theo ý nghĩa ngôi làng “giàu khe”. Ô Châu cận lục từng chép: “Rượu nếp xã Tân Lại thì ngon; con gái làng Phỉ Tha thì đẹp”. Đình làng Phú Khê theo kiến trúc cổ, ba gian hai chái, kiến trúc không hoành tráng nhưng rất uy nghi với 4 trụ biểu khá cao và có câu đối chữ Hán. Đặc biệt hai câu đối ở hai cột hàng hiên mở đầu là chữ 富 [PHÚ] và chữ 溪 [KHÊ]. Khuôn viên được dân làng giữ gìn sạch sẽ và vườn bao quanh cũng không bị lấn chiếm tùy tiện.

Trên đây chỉ là vài nét giới thiệu một làng cổ độc đáo, “bị” giới nghiên cứu bỏ quên. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng văn hóa, nếu quan tâm nghiên cứu sâu thì có thể phát hiện nhiều tư liệu quý ở ngôi làng Phú Khê, tức làng Phỉ Tha xưa. Cũng nhờ một chi tiết nhỏ trong gia phả của họ Võ, mới biết làng Phỉ Tha không bị xóa sổ mà chỉ đổi danh xưng, minh chứng tư liệu thư tịch còn “cất giấu” trong dân gian sẽ góp phần bổ cứu chính sử. Cho hay, nếu chỉ căn cứ vào danh xưng Phú Khê của làng thì dễ nhầm lẫn ngôi làng này thành lập vào thời chúa Nguyễn Hoàng, vì Phú Khê không có trong danh mục làng xã của “Ô Châu cận lục”. Có người bổ sung vào danh mục làng xã sách “Ô Châu cận lục” danh xưng Phú Khê cùng với danh xưng Phỉ Tha, làm người đọc tưởng rằng có hai làng Phỉ Tha và Phú Khê khác nhau, trong khi Phỉ Tha và Phú Khê là danh xưng của một làng cổ mà thôi.

Lãng Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan
Return to top