ClockThứ Ba, 18/07/2017 14:02

Đến Huế thăm lăng

TTH - Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi Huế là xứ sở của “lăng miếu trùng vây”. Ngày nay, đặt chân tới Huế du lịch và tham quan, ít ai lại không một lần thăm viếng lăng tẩm nhà Nguyễn. Và hơn thế, Huế vẫn còn những di sản lăng mộ chưa được khai thác để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Du khách tham quan lăng Khải Định

Tồn tại khoảng chừng 150 năm, ở Thừa Thiên Huế hiện có tới 7 khu lăng tẩm vua Nguyễn nổi tiếng và tất cả đều còn lại khá nguyên vẹn với lối kiến trúc riêng, độc đáo. Chưa kể, Thừa Thiên Huế còn có khu lăng mộ các chúa Nguyễn, dù chỉ là những lăng mộ cải táng nhưng được quy hoạch gọn gàng và đầy ấn tượng ở xã Hương Thọ (Hương Trà).

Ngay tại trung tâm TP. Huế, ở dốc Bến Ngự có khu di tích, trong đó có lăng mộ của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ngược ra phía bắc có khu lăng mộ của danh tướng Nguyễn Tri Phương ở làng Chí Long (Phong Điền), miếu thờ và lăng mộ của Đặng Hữu Phổ nổi tiếng trong phong trào Cần Vương ở làng Bác Vọng (Quảng Điền). Hay xuôi về phía nam có khu mộ của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành ở làng Dạ Lê Thượng (Hương Thủy); của Nguyễn Cư Trinh, vị đại quan có công đầu trong hành trình mở cõi về phương Nam thời chúa Nguyễn.

Nếu du lịch Bắc Kinh (Trung Quốc) tự hào với Thập Tam Lăng, lăng mộ của 13 trong số 16 hoàng đế triều Minh thì 7 khu lăng tẩm vua Nguyễn xứng đáng là điểm nhấn đặc biệt của du lịch Cố đô Huế. Đáng nói là vào thăm lăng tẩm ở Huế, người ta không hề gặp bắt gặp những hình ảnh gây ấn tượng chết chóc, sợ hãi và lạnh lùng như vào viếng Thập Tam Lăng, hay cũng không cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, bị áp lực nặng nề và bị “dọa nạt” khi đứng trước những kim tự tháp quá đồ sộ của các pharaon Ai Cập. Trong lăng tẩm Huế, con người vẫn là chủ thể của kiến trúc và thiên nhiên.

Khai thác giá trị của các lăng tẩm đưa vào phát triển du lịch là điều đáng ghi nhận ở Thừa Thiên Huế. Trong các tour du lịch khám phá Huế, các khu lăng tẩm nổi tiểng như Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... là những điểm đến không thể bỏ qua. Mới đây, Công ty du lịch My Way ở Hà Nội đã có hẳn tour du lịch mang tên “Về Cố đô Huế, thăm di sản và lăng mộ”. Hành trình gồm có 3 ngày, các du khách đến Huế từ thủ đô chủ yếu được thăm các lăng vua, gồm Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định và cả khu lăng mộ của các thái giám triều Nguyễn nằm trên ngọn đồi Dương Xuân ở chùa Từ Hiếu.

Ngoài các lăng tẩm vua Nguyễn, tiềm năng về du lịch lăng mộ ở Huế vẫn chưa được khai thác và phát huy các giá trị vốn có. Đáng tiếc là khu lăng mộ 9 vị chúa Nguyễn. Không thật đặc biệt về kiến trúc nhưng lại gây ấn tượng bằng cảnh trí thiên nhiên huyền ảo của một vùng đất nằm ở đầu nguồn sông Hương. Rõ ràng, có thể đưa khu lăng chúa Nguyễn vào điểm đến trong hành trình khám phá thượng nguồn sông Hương độc đáo gắn liền với các di tích nổi tiếng, như chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén hay cả lăng vua Minh Mạng gần ngã ba Bằng Lãng, là nơi hội tụ của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương.

Gần đây, nhất là sau chuyến thăm Huế của Nhật Hoàng, khu di tích có cả lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nổi tiếng với phong trào Đông Du là cụ Phan Bội Châu đã trở thành điểm nhấn dành cho những ai muốn khám phá Cố đô Huế. Nét đặc sắc của khu di tích này là lối kiến trúc khá mới lạ. Tiêu biểu như khu từ đường được xây dựng từ tháng 4/1955 đến năm 1956 là ngôi nhà ngói lớn, mái lợp ngói âm dương, mặt quay về lăng mộ cụ Phan, do cụ Tôn Thất Sa thiết kế. Ngay cả ngôi mộ của cụ Phan cũng được xây dựng đơn giản mà ấn tượng, tạo nên sự đa dạng văn hóa.

Hiện nay, đối tượng tham gia du lịch đa số còn rất trẻ và đều có xu hướng hướng tới các loại hình du lịch vui chơi giải trí. Để thu hút du khách đến với loại hình du lịch tham quan di sản, trong đó có các lăng mộ, các doanh nghiệp và những cá nhân làm du lịch cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá. Trước hết phải giúp du khách hiểu về thân thế và sự nghiệp của những người đang nằm dưới các lăng mộ kia để họ hiểu rõ và cảm kích, từ đó có sự khao khát được đến thăm. Cũng cần phải sự ghép nối hợp lý giữa các điểm đến khi tham quan khám phá du lịch, trong đó các lăng tẩm như một khoảnh lặng trong tâm hồn du khách. Cuối cùng, tại các điểm tham quan du lịch lăng mộ cần tổ chức các dịch vụ kèm theo, tạo thành một quần thể du lịch có khả năng lôi cuốn và hấp dẫn du khách. Đó là những vấn đặt ra khi khai thác các giá trị văn hóa của di tích lăng mộ trong phát triển du lịch Huế hiện nay.

Lên ngôi lúc mới 20 tuổi, đến năm 1864 vua Tự Đức đã lo xây lăng cho mình và được hoàn thành 3 năm sau đó. Vua Tự Đức băng hà vào năm 1883, nghĩa là sau khi xây lăng xong, vị vua Nguyễn này còn sống thêm 16 năm nữa. Khu lăng mộ vì thế là hoàng cung thứ hai và vua Tự Đức đã gọi đó là “ngôi nhà lâu đài của trẫm”. Chuyện xưa kể rằng, mỗi lần mệt mỏi vì công việc ở kinh thành, nhà vua đã tìm lên nơi đây để thư giãn. Trong thực tế, lăng Tự Ðức được người đời đánh giá là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một “hồn êm thơ mộng” (une douce rêve). Còn trong thực tế, chính sự khác lạ của di tích lăng mộ ở Huế mà tiêu biểu là lăng Tự Đức đã khiến cho loại hình du lịch này trở thành đặc sản, không nơi nào có được ngoài Huế.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top