ClockThứ Năm, 31/08/2017 13:59

Để người khuyết tật dễ tham quan Huế

TTH - Đã đến lúc cần chủ động triển khai các giải pháp, tạo điều kiện cho người khuyết tật dễ dàng tham quan khi đến du lịch, xứng danh là điểm đến an toàn, thân thiện và đầy nhân văn.

Cần chủ động các giải pháp để hỗ trợ du khách bị khuyết tật

Vào Đại Nội, chúng tôi chứng kiến cảnh hai phụ nữ nước ngoài, một người bình thường, người còn lại phải đi bằng xe lăn. Từ cửa Ngọ Môn vào cho đến đoạn trước sân điện Thái Hòa, hai người đi bình thường bởi có sự giúp đỡ của hướng dẫn viên. Nhưng khi đến sân điện Thái Hòa, không có lối đi dành cho xe lăn nên bắt buộc phải bưng người phụ nữ ngồi trên xe lăn lên các bậc cấp. Một mình không thể thực hiện nhiệm vụ, anh hướng dẫn viên phải nhờ thêm một du khách nam gần đó giúp mới có thể bưng chiếc xe lăn lên. Để đi tham quan hết trong Đại Nội, người phụ nữ và chiếc xe lăn phải lên xuống các bậc cấp bằng hình thức tương tự vì tất cả đều không có lối đi cho xe lăn. Anh hướng dẫn viên bảo: “Đúng là vất vả thật”.

Bảo vệ tại Đại Nội cho biết, thỉnh thoảng mới có người khuyết tật vào tham quan, do chưa có phương tiện hỗ trợ nên cách duy nhất để đưa các chiếc xe lăn lên các bậc cấp là bằng sức người. Thường, những người khuyết tật đi với đoàn nhiều người, nên được các thành viên hỗ trợ lúc lên bậc cấp thuận lợi. Nhưng cũng có những vị khách chỉ đi hai người, những lúc đó bảo vệ cùng tham gia để đưa họ lên.

Ông Hoàng Đắc Huynh, Giám đốc Công ty TNHH AV Huế Travel cho biết, qua quá trình làm các tour, người khuyết tật có xu hướng đi du lịch ngày càng nhiều. Chủ yếu họ đi cùng với gia đình, dù thế, các công ty luôn cử thêm người đi cùng với nhiệm vụ hỗ trợ.

Từng dẫn đoàn khách có người khuyết tật, hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên cho biết, hầu hết các phương tiện giao thông, các điểm du lịch ở Huế nói riêng và cả nước nói chung đều chưa thiết kế và chưa có nhiều công trình dành cho người khuyết tật. Như khi đưa người khuyết tật lên xe khách thì phải bưng, trong khi đó, cửa xe lại nhỏ nên rất khó khăn. Ngay cả khi vào Đại Nội, đi xe lăn trên các con đường cũng khó vì đường làm bằng gạch, có các khe hở và có độ chênh giữa các viên gạch. Hiện tại, chỉ có các khách sạn là có thể phục vụ tốt người khuyết tật.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho hay, không riêng gì Huế mà ở Việt Nam, các điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư các công trình riêng để phục vụ cho người khuyết tật. Để giải quyết tạm khó khăn, các hãng lữ hành phải thiết kế thêm người đi để phục vụ. Vấn đề này được ngành du lịch nhiều lần bàn đến, nhưng thực tế là rất khó. Để đầu tư một công trình nào đó phải có sự đồng bộ, mà như thế thì kinh phí sẽ rất lớn; trong khi đó, hoạch toán lại lượng khách khuyết tật đi du lịch là có, song số lượng vẫn chưa được nhiều.

Cần chủ động giải pháp

Kinh phí đầu tư các công trình nhiều, nhưng không phải vì thế mà Huế không triển khai các biện pháp để tạo điều kiện cho người khuyết tật. Điều này càng cần được tính đến sớm hơn khi Huế được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận: “Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn của điểm đến, đúng với định hướng phát triển của tỉnh nhà”.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, ở Đại Nội đã có một số phương án được tính đến trước đây. Chuyên gia người nước ngoài tư vấn hình thức xây dựng các công trình hỗ trợ, đưa ra một số định hướng, như phải quy hoạch từ của Ngọ Môn vào các điểm bên trong Đại Nội có lối đi riêng cho người ngồi xe lăn, kể cả dành cho người khiếm thị. Hay ở Ngọ Môn, từng lập phương án cầu đi bộ bằng gỗ và sắp xếp theo hình dích dắc, để người bình thường và cả người ngồi xe lăn cũng đi được. Phương án này nhìn bên ngoài rườm rà và thiếu thẩm mỹ; vật liệu được thi công phải nhẹ, có thể bằng gỗ, nhưng đơn vị thiết kế đề xuất bê tông giả gỗ nên không phù hợp.

Theo Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di  tích  Cố đô Huế, khó nhất là khi triển khai công trình đều vướng phải di tích. Như ở bậc cấp lên sân điện Thái Hòa, nếu thi công chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Hay đường lên Ngọ Môn cũng sẽ đụng đến các khu vực xung quanh. Trong khi đó, những tác động ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích thì không được phép. Muốn làm thì phải có sự cho phép Bộ Văn, Thể thao và Du lịch và có phương án thật cụ thể.

Hiện tại, ở Đại Nội đã có các nhà vệ sinh được xây phòng riêng và lối đi riêng cho du khách khuyết tật. Riêng để xây dựng các công trình khác thì theo ông Nguyễn Văn Phúc phải có đơn vị có chuyên môn về vấn đề này để tư vấn, tiếc là ở Việt Nam chưa có đơn vị chuyên về mảng này. Thời gian đến, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các bên liên quan tìm giải pháp tối ưu về phương tiện hỗ trợ, các lối đi có kẻ đường riêng và sắp xếp các bảng biển để hướng dẫn; tiến đến đầu tư xe lăn chuyên dụng phục vụ cho người khuyết tật hoặc cả người già cũng có thể sử dụng; thiết kế những lối phụ bằng vật liệu phù hợp; ở các bậc cấp thì có dụng cụ chuyên dụng kéo các xe lăn lên…

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Return to top