ClockThứ Hai, 28/11/2022 14:53

Dạy chữ giỏi, dạy nghề hay

TTH - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Phú Lộc đã và đang là “địa chỉ đỏ” về giáo dục và dạy nghề.

Dạy học viên chế biến món ăn

100% học viên đỗ tốt nghiệp THPT

Khi mà gần đây dư luận luôn than phiền về học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của ngành học giáo dục thường xuyên còn thấp thì Trung tâm GDNN-GDTX Phú Lộc lại nổi lên như một điểm sáng. Ba năm liền, trung tâm có 100% học viên tốt nghiệp THPT. Mới đây, năm học 2021 - 2022, trung tâm có 24 em dự thi và kết quả 100% đều đỗ tốt nghiệp, 8 trong số đó trúng tuyển vào đại học và cao đẳng.

Chất lượng giáo dục đỉnh cao của trung tâm rất ấn tượng, khi với 8 học viên dự thi học sinh giỏi toàn tỉnh năm học 2021 - 2022 đã giành được 12 giải, trong đó có 1 giải nhất. Trước đó vào năm học 2020 - 2021, học sinh của trung tâm cũng giành 9 giải học sinh giỏi. Xếp loại học tập cuối năm học 2021 - 2022, không có học sinh yếu kém, tỷ lệ khá giỏi đạt trên 35%.

Không chỉ bây giờ mà là lâu nay “đầu ra” của GDTX luôn bị ca thán và một thời ở Phú Lộc cũng thế. Không quên khi năm 2006, trung tâm có 100% học sinh rớt tốt nghiệp. Chất lượng “đầu ra” phụ thuộc rất lớn từ  “đầu vào”, nhưng lại quá thấp. Khảo sát cho thấy, 133 học viên đang theo học ở trung tâm ban đầu chỉ có 10% có học lực trung bình, còn lại là yếu kém!

Không quá bất ngờ

Năm 2017, thầy giáo Nguyễn Đức Lợi từ Phòng GD&ĐT Phú Lộc được phân về phụ trách trung tâm. Công việc đầu tiên mà thầy giáo Lợi tập trung chỉ đạo làm tốt là nâng cao chất lượng đào tạo gắn với đảm bảo số lượng, không để “hao hụt”. Hai chỉ tiêu thi đỗ tốt nghiệp THPT và có nhiều giải học sinh giỏi được đặt ra ngay từ đầu năm.

“Đầu vào” yếu kém nên đầu tiên là giúp học sinh lấy lại căn bản. Ngay từ lớp 10, trung tâm phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn, bổ trợ kiến thức bằng tổ chức tăng tiết phụ đạo trực tiếp hay qua internet. Trung tâm cũng phân công giáo viên có chuyên môn cao dạy quá tiết. Nếu dạy đạt chất lượng và hiệu quả như tốt nghiệp THPT quốc gia đạt cao, hay có nhiều giải HSG sẽ được khen thưởng.

Học sinh được học tại lớp và không có học thêm. Giáo viên phải tìm các giải pháp cơ bản liên quan đến bài học. Không dám mơ nhiều đến điểm 9 hay điểm 10, học sinh chỉ cần đạt điểm mức trung bình. Riêng lớp 12, trung tâm chia 2 ban, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên; phân công giáo viên phụ đạo, bổ trợ kiến thức xuyên suốt năm học. Thầy giáo Đặng Thân chia sẻ “Lúc đầu cũng bỡ ngỡ vì phải dạy đủ thứ. Khi dần thích nghi với môi trường và đối tượng học viên, chúng tôi cảm thấy có động lực, yêu nghề hơn”.

Đặc biệt, trung tâm gửi các em về Trường THPT An Lương Đông để ôn tập và thi thử (chung đề, chung phòng…), qua đó điều chỉnh ôn tập cho phù hợp. Kết quả 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là không bất ngờ - Giám đốc Nguyễn Đức Lợi tự tin chia sẻ: Mừng hơn khi được nhiều phụ huynh cho biết, các em từng bước đổi thay qua học tập và rèn luyện tại trung tâm.

Dạy chữ gắn với dạy nghề

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Phú Lộc là mô hình giáo dục thường xuyên (thuộc Sở GD&ĐT) và dạy nghề (thuộc Sở LĐTB&XH).

Khác với trường THPT, Trung tâm GDNN- GDTX Phú Lộc phải “săn tìm” học sinh. Theo Giám đốc Nguyễn Đức Lợi, đó là cả một hành trình. Ngay từ tháng 3, trung tâm đã xây dựng kế hoạch định hướng và phân luồng học sinh THCS, chú trọng ở khu vực 1 Phú Lộc. Giáo viên về các trường THCS để tư vấn, thăm dò, chọn sẵn những học sinh tương lai là những em có học lực trung bình và yếu, không thể vào được THPT công lập. Vào dịp hè, trung tâm lập tổ tuyển sinh, có sự liên kết với các trung tâm dạy nghề, cũng về tận nhà tư vấn, giúp phụ huynh hiểu và đăng ký vào học tại các trung tâm, vừa học văn hóa và được đào tạo nghề.

Trung tâm liên kết với trường nghề (như Âu Lạc, Cao đẳng Giao thông…) để mở các lớp vừa dạy chữ vừa dạy nghề. Thời gian qua, có nhiều lớp học đã tốt nghiệp, như tiếng Nhật, điện lạnh, bảo trì và lắp ráp ô tô… và có những lớp đang triển khai. Cùng với đó là liên kết với các doanh nghiệp, đáng nói như liên kết với các doanh nghiệp của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu công nghiệp La Sơn, trong 3 năm qua (2020 - 2022) mở được 3 lớp công nghiệp ô tô với 65 học sinh và đã có một lớp ra trường. Các em vừa học nghề vừa học văn hóa (do giáo viên của trung tâm đảm nhận).

Giám đốc Nguyễn Đức Lợi cho biết, cùng với tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, chúng tôi tự hào khi cũng có 100% học sinh của trung tâm ra trường, mãn khóa với tấm bằng trung cấp nghề. Đó là hành trang giúp các em bước vào đời một cách tự tin. Còn có thể nói, dạy chữ giỏi và dạy nghề cũng hay là lời khen xứng đáng dành cho Trung tâm GDNN-GDTX Phú Lộc.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Rồng đất cứu mạng

Thấy bài thuốc quá hay nên anh Hùng thuộc nằm lòng và bày cho nhiều người áp dụng. Anh khoe, cho đến lúc gặp chúng tôi thì anh đã bày cho 8 người, tất cả đều lui bệnh…

Rồng đất cứu mạng
Định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức

Chiều 23/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Đức tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội “Hành trang du học và định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức”.

Định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức
Một nghề cho chín...

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được định hướng phát triển theo hướng mở, linh hoạt, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu ngành, lĩnh vực, giúp người lao động vững tay nghề, chắc công việc.

Một nghề cho chín

TIN MỚI

Return to top