Thế giới

Dấu mốc 70 triệu ca COVID-19 phủ bóng đen lên Giáng sinh ở nhiều nước

ClockThứ Bảy, 12/12/2020 10:17
Dấu mốc 70 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ghi nhận sáng 11/12 thực sự đã phủ bóng đen lên không khí đón Giáng sinh ở nhiều nước, bất chấp tín hiệu hy vọng của những bước tiến trong phát triển vắcxin trên toàn thế giới.

Các nước châu Á và kế hoạch phê duyệt, sử dụng vaccine COVID-19Hàn Quốc: Một sinh viên tái chế khẩu trang thành ghế ngồi trong đại dịch COVID-19Cán cân giá nhà ở Anh giữ mức cao gần 21 nămTổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch ứng phó Covid-19 trong 100 ngày đầu tiênLos Angeles: Vi phạm quy định phong toả, 158 người bị bắt giữ tại một bữa tiệc

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 10/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Với số ca mắc trung bình tăng thêm 10 triệu trong khoảng nửa tháng, có thể nói thời tiết mùa Đông là một trong những yếu tố làm virus lây lan nhanh.

Số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chạm con số 50 triệu vào ngày 7/11, tới ngày 25/11 đã là 60 triệu và 16 ngày sau là 70 triệu.

Đáng lưu ý là các quốc gia "điểm nóng" dịch bệnh hầu như vẫn chưa kiểm soát được COVID-19.

Liên tục ghi nhận trung bình từ 200.000-300.000 ca mắc mới mỗi ngày, Mỹ hiện có hơn 16 triệu bệnh nhân, gần gấp đôi so với nước có số ca mắc nhiều thứ hai là Ấn Độ với hơn 9,7 triệu ca.

Nghiêm trọng hơn, Mỹ vừa trải qua ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ tháng Tư vừa qua khi trong vòng 24 giờ, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người.

Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người ở nước này đã tử vong do COVID-19.

Giới chức Mỹ cảnh báo số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến, trong bối cảnh hàng triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng trước, phớt lờ những khuyến cáo hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là "vùng trũng dịch COVID-19" với khoảng 200.000 ca mắc mới và hơn 4.500 ca tử vong mỗi ngày. Tổng số ca mắc ở châu Âu hiện đã trên 19,2 triệu người.

Đức vừa ghi nhận ngày có số ca nhiễm và tử vong cao nhất kể từ đầu dịch, lần lượt là 29.875 và 598 ca tử vong, buộc nhiều bang ở Đức tuyên bố siết chặt các biện pháp kiềm chế dịch trong dịp đón Giáng sinh và Năm mới.

Diễn biến dịch bệnh tại châu Á vẫn khá phức tạp, ngay cả tại những nước đã khống chế được các đợt lây nhiễm trước đó.

Giới chức Hàn Quốc đã cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ ba trong bối cảnh số ca nhiễm mới đã gần chạm ngưỡng 700 ca/ngày trong hai ngày gần đây - mức cao nhất kể từ cuối tháng Hai, do các ổ lây nhiễm tập thể mới ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc ngày 27/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng đã lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm trong ngày vượt 600 ca kể từ khi đại dịch bùng phát, cụ thể là 602 ca xác nhận trong ngày 10/12.

Đáng lo ngại là Nhật Bản và Hàn Quốc đã lâm vào tình trạng thiếu bác sỹ, nhân viên y tế, giường bệnh và trang thiết bị phòng chống COVID, nhất là ở các địa phương.

Đối với khu vực Đông Nam Á, tại Campuchia, chỉ sau 2 tuần kể từ khi xác nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, số bệnh nhân liên quan ổ dịch này đã lên tới 39 người.

Indonesia vừa ghi nhận thêm 171 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số người không qua khỏi lên hơn 18.300 người.

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 khiến thế giới đón một Giáng sinh buồn, dù giai đoạn này trong năm thường là lúc người dân các nước tưng bừng mua sắm, chuẩn bị cho những cuộc tiệc tùng và hội ngộ trong dịp lễ hội tiễn năm cũ và đón một Năm mới đang về.

Không khí Giáng sinh năm nay thực sự ảm đạm... Thậm chí, các chuyên gia y tế còn cảnh báo số ca bệnh sẽ tiếp tục gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ này, nếu các chính phủ không có biện pháp kiểm soát thích hợp.

Pháp đã quyết định thay thế lệnh phong tỏa quốc gia bằng biện pháp giới nghiêm từ 20 giờ đến 6 giờ, bắt đầu từ ngày 15/12.

Lệnh giới nghiêm sẽ được duy trì trong đêm giao thừa 31/12, dưới sự "kiểm soát nghiêm ngặt" và người vi phạm sẽ phải chịu khoản tiền phạt 135 euro (164 USD). Chỉ có một ngoại lệ là đêm Giáng sinh 24/12, nhưng người dân không được tụ tập cùng lúc quá 6 người trong buổi tiệc mừng Noel.

Chính phủ Cộng hòa Séc đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 23/12 tới, trong khi Thủ  tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc trong dịp Giáng sinh và để ngỏ khả năng đề nghị quốc hội xem xét việc phong tỏa trên diện rộng sau Giáng sinh, ủng hộ việc đóng cửa các trường học và cửa hàng đến hết ngày 10/1/2021.

Đức cũng phải hoãn Hội nghị An ninh Munich thường niên, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2021, trong khi một số bang ở Đức đã quyết định có bước đi riêng, siết chặt các biện pháp phong tỏa tới đầu tháng 1/2021.

Hà Lan, Thụy Điển hay Hy Lạp đều phải kéo dài các hạn chế xã hội đến hết dịp lễ Giáng sinh và Năm mới.

Trong bối cảnh dịch bênh chưa được kiểm soát, những bước tiến về vắcxin tiếp tục gieo hy vọng cho cộng đồng quốc tế.

Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắcxin do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà vắcxin này. Sau Anh, Bahrain và Canada cũng đã phê chuẩn vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Loại vắcxin này đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% khi tiêm đủ 2 mũi trong thời gian cách nhau 3 tuần, với giá 1 liều dự kiến là 20 USD.

Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cũng thông báo vaccine thử nghiệm của hãng đã phát huy hiệu quả tới 94,5% với 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần, với giá từ 32-37 USD/mũi.

Trong khi đó, với hiệu quả có thể đạt tới 90% chỉ với một liều sử dụng, Anh thông báo sẽ đưa vắcxin do liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển vào tiêm chủng đại trà trước mùa Xuân năm tới.

Nga cũng đã triển khai đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên ở nước này từ ngày 5/12.

Vắcxin Sputnik V do Nga chế tạo (2 liều) sẽ được ưu tiên tiêm cho các bác sỹ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội, là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Mexico... đều đẩy nhanh các bước chuẩn bị để có thể sẵn sàng triển khai tiêm chủng vắcxin.

Việt Nam ngày 10/12 cũng đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắcxin Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển.

Theo kế hoạch, sau khi tuyển được 60 người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1, ngày 17/12 sẽ tiến hành tiêm mũi vắcxin đầu tiên cho người tình nguyện.

Theo giới chức y tế, điểm mạnh của vắcxin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắcxin của một số hãng phải bảo quản ở nhiệt độ âm 75 độ, khá khó khăn trong công tác vận chuyển.

Theo Bộ Y tế, nếu mọi việc thuận lợi, phải đến quý 2/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắcxin COVID-19.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc tìm ra vắcxin giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch.

Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở London, Anh, ngày 8/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo chỉ riêng việc tiêm phòng vắcxin sẽ không thể đẩy lùi được COVID-19, việc có vắcxin và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.

Điều đó có nghĩa thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vắcxin mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

Người đứng đầu WHO nêu rõ thế giới sẽ tiếp tục phải chiến đấu với đại dịch thêm một thời gian dài nữa và tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo, cũng như người dân đưa ra trong những ngày tới.

Trong bối cảnh COVID-19 buộc thế giới phải đón một Giáng sinh chưa thực sự an lành, một tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh" vào ngày 27/12 hằng năm.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh.

Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể nói chính tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng quốc tế thay đổi nhận thức về việc phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh hiện tại, cũng như phòng ngừa và chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Return to top