ClockThứ Sáu, 24/08/2018 09:42

Dân “mắm ruốc” nhớ nhà

TTH - Về Huế sau chục năm xa nhà, gặp nhau, chị vẫn trọ trẹ giọng Huế. Vẫn tóc ngang vai như ngày còn đi học.

Kể đoạn trường xa nhà, chị nói, nhớ nhất là món mắm ruốc. Ở nhà mâm cơm lúc nào cũng chén đọi kỉnh kỉnh mắm ruốc: Chén mước mắm mặn rắc vô chút ớt khô chấm thịt ba chỉ. Chén ruốc chấm đĩa vả xắt mỏng kèm ít lát khế chua. Chén nước mắm gừng chấm mực. Chén nước ruốc chấm rau khoai lang…

Chị về Huế đúng đầu thu, cũng là mùa mắm rò. Thứ đặc sản đầm phá ấy đúng là ăn xong, nằm mơ vẫn nhớ. Nhớ đến nỗi những tháng năm xa nhà, chị bảo, hễ có dịp là lén chồng ăn cơm mắm, ruốc.

Một lần đi siêu thị, lùng mua được hũ ruốc, chị lén ăn “vụng”. Không ngờ cái mùi ruốc đặc trưng ấy đánh thức được cả chồng- một cư dân châu Âu chính hãng, chưa một lần chộ  mắm ruốc. Nghe  trong nhà mùi lạ, chồng chị tìm mọi ngóc ngách. Cho đến khi phát hiện vợ ăn cái thứ chi có mùi “khủng khiếp” mà lại như bùn, ổng tròn mắt kinh ngạc. Sau một hồi giải thích cái nguồn cội văn hóa “mắm ruốc” quê nhà, cuối cùng, chị cũng đã thuyết phục được chồng đôi khi nếm thử một chút ruốc, dù chưa hẳn là thứ ruốc “rin” của Huế.

Về quê non hai tháng, rục rịch đi, chị ‘‘bật mí”, sẽ mua một ít bánh lọc, bánh chưng mang theo. “Mấy thứ ni bảo quản kỹ, đem qua bên là cất vào tủ đông, khi mô thèm quá  thì đem ra chiên, ăn dần”, chị thật thà.

Hóa ra, không chỉ có mắm ruốc, dân Huế đi xa còn nhớ bánh chưng. Có lẽ bởi cái văn hóa bánh chưng ngày tết đã hằn sâu trong ký ức. Đến nỗi, ở nơi xa xôi, có cái tết nhớ nhà, chị mua nếp, thịt, đậu, lá… tự gói một nồi bánh chưng. Rồi thức canh lửa. Cũng ông xã chị, với văn hóa phương Tây, một lúc lại hỏi chị bánh đã chín chưa. Và người đàn ông ấy thực sự kinh ngạc, khi có thứ bánh mà phải nấu thâu đêm suốt sáng mới chín. Ông bảo, nếu được, ông có thể trao cho nồi bánh chưng của vợ một kỷ lục.

Một người bạn khác, cùng cả nhà ra nước ngoài du học. Thỉnh thoảng liên lạc, bạn lại khoe, vừa khám phá được một món Huế ở trời Tây. Có khi, bạn cùng cả nhà đi hàng trăm  cây số, chỉ được đến thành phố Anaheim thuộc bang California –nơi có khu kinh tế Sài Gòn thu nhỏ (little Saigon)- vốn nổi tiếng với những món ăn rặt Huế. Món ăn Huế với bèo-nậm-lọc, cơm hến và nón lá, cùng những tấm biển tiếng Việt và những chị bán hàng mặc đồ kiểu Huế…  

Trong những buổi gặp mặt bạn bè hy hữu sau hàng chục năm chia tay, cũng có người thành đạt, đi công tác nước ngoài xoành xạch. Bảo sướng, được đi đây đi đó, bạn cười: Sướng nhất là được về nhà. Thèm tô bún bò, thèm tô cơm hến đến “rệu nước miếng”.

Lại có người chuẩn bị cùng cả nhà đi xa, định cư nơi đất khách. Ngày chia tay Huế, chị hối hả may cho mình và các con mấy bộ áo dài. Có lẽ bên ấy cũng không đến nỗi thiếu một bộ áo dài nếu cần. Nhưng phải là áo dài may ở Huế. Có lẽ mang theo, để thấy quê nhà luôn ở bên mình…

Tiểu Muội

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chị Vẫn mắm ruốc

Lãi ròng mỗi năm tầm 1 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hàng chục đến cả trăm lao động, là điều mà chị Trần Thị Vẫn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Phú Diên, thành viên Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi cấp tỉnh đã và đang làm được. Chị Vẫn là một trong 7 nông dân SXKD giỏi tiêu biểu, vừa được huyện Phú Vang tuyên dương.

Chị Vẫn mắm ruốc
Lắng mình

Đầu năm, bạn rủ tham gia tập thiền. Bạn nói, sao cuộc sống thật ngột ngạt, khó khăn. Có lẽ cần một chút thiền để lòng lành.

Lắng mình
Mùa khế

Mùa này, gánh hàng xén của mệ có thêm rổ khế. Mệ thường ngồi ở mé đường gần chùa Từ Đàm.

Mùa khế
Cống hiến

Và cả những dự định sẽ cống hiến được gì đó cho quê hương, từ kinh nghiệm gần chục năm làm việc ở nước ngoài, dù con đường trở về không phải bao giờ cũng được trải thảm…

Cống hiến
Cái sân đất

Một ngày gần cuối năm, chúng tôi về làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) để tìm hiểu nghề in tranh truyền thống của người dân nơi đây qua nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Cái sân đất
Return to top