ClockThứ Sáu, 24/07/2015 15:35

Đặc sản làng

TTH - Mỗi khi nhớ làng, mình lại tìm đến chợ. Những ngôi chợ trong thành phố vẫn còn đâu đó vài góc riêng của làng, bày chục qủa trứng gói ghém trong vỏ trấu, ít lon đỗ, một rá nghệ, vài bó sả, vài lon ném… Có khi là ít bó đọt bí, vài ký khoai lang…Gần thì các o quang gánh về từ miệt vườn Kim Long, Thủy Biều. Xa hơn thì đèo xe đạp, xe máy từ Hương Sơ, Diên Đại… của mạn Hương Trà, Phú Vang. Những bó rau thật mộc với dây chuối hay sợi lạt mềm, không lẫn với hàng xe (hàng từ các tỉnh khác đến, đều được buộc bằng dây cao su).

Một lần về quê, đến nhà người bạn chơi. Mùa giáp hạt khó khăn, mâm cơm trưa bạn dọn chỉ có một đĩa ngồng cải to chấm mắm nêm. Ngồng cải tận thu từ vườn cải quá lứa bắt đầu ra hoa. Một chút hăng, một chút ngọt, một chút cay nhẹ. Lạ miệng nên ăn cứ nhón nhén. Vừa ngậm, vừa nghe. Thế mà sau bữa ấy, hễ ra chợ, mình cứ ngóng xem có bó ngồng cải nào không. Vì ghiền…

Hè này, mấy người bạn ở Sài Gòn ra chơi. Đến nhà ăn cơm, mình đãi bạn một bữa cơm quê. Có rau muống luộc ăn với cà pháo muối cắn nghe đôm đốp. Có cá rô kho ném… và nồi khoai Diên Đại luộc. Rứa mà hết nồi cơm to. Bạn bảo bây chừ ăn gì cũng sợ nên có dịp về quê là mua đủ thứ. Vài chục ký gạo ruộng, vài chục lon đậu. Dăm lon ớt… Bạn bảo về quê, ghiền nhất là món ném. Cái chi thêm tý ném cũng ngon, từ nồi gà kho đến bát cháo trắng cho nhiều ném và tiêu. Đến nỗi, bạn ấp ủ sẽ mở một quán ném ở phố, từ cháo cá ném, chè ném, canh cá khoai lá ném… cho đến chiếc vòng cổ đeo cho trẻ con bằng ném để trừ gió. Ấp ủ mãi bởi cái khó nhất là không biết mua ném ở đâu. Nên bạn tính, có thể sẽ về quê, làm một vườn ném, rồi mở quán.

Đi nhiều, biết nhiều, nghệ nhân ẩm thực Hoàng Anh bảo, không ở đâu có rau củ quả ngon như ở Huế. Nhiều cay cực bởi nắng mưa trái tính nên thứ gì ăn cũng ngon đến mức phải “ngậm mà nghe”, để thấm cái vị đậm đà, bùi béo, thơm ngọt…

Mỗi vùng quê một đặc sản: Dâu Truồi, thanh trà Thủy Biều, quýt Hương Cần, măng cụt Kim Long cho đến củ khoai Diên Đại. Cũng là khoai nhưng khoai ở Diên Đại lại khác, được trồng trên thứ cát trắng tinh dùng đổ lư hương, nghĩa là cát cực sạch. Củ chỉ to bằng nắm tay, vỏ đỏ tía. Khi chín tới, lớp vỏ nứt bung, lộ màu trắng mịn, ăn bùi, mằn mặn và mát tan nơi đầu lưỡi.

Hay tin bông lý, ném, cam dòng Thiên An, quýt Hương Cần… đang được tỉnh và các ban ngành chức năng xúc tiến vào tiêu thụ ở siêu thị, hẳn như mình, nhiều người sẽ mừng. Khi ấy, thay vì trôi nổi, bấp bênh đâu đó bên lề chợ, đặc sản của làng sẽ được gắn địa chỉ, tên tuổi hẳn hoi, chen vai, thích cánh bên bao nhiêu thứ hàng hóa khác. Sự chính danh ấy-bắt đầu từ đầu ra-hy vọng sẽ giải tỏa được phần nào nỗi trăn trở trước câu hỏi: Vì sao Huế lại mất dần những đặc sản từng nức tiếng, thay vì xây dựng và phát triển chúng thành thương hiệu có một không hai?

Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top