ClockThứ Sáu, 11/06/2010 18:11

Còn đó làng nghề đúc đồng ở xứ Huế

TTH - Cứ nhìn sản phẩm của làng đúc Phường Đúc đã và đang sống mãi cùng năm tháng ở Huế, những cửu vị thần công (1803-1804) bên cạnh cửu đỉnh (1835-1837) ở Đại Nội; chuông chùa Thiên Mụ (1710) và Diệu Đế (1864); cách nay không xa là tượng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu hay mới đây nhất là những đại hồng chung... mới thấy và cảm nhận được tài năng và tiếng tăm của một làng nghề trên đất Cố đô.

Cửu đỉnh

 Festival nghề truyền thống lần thứ 2 với chủ đề “320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - bản sắc và phát triển” đã có dịp giới thiệu những đôi tay vàng của nghề đúc đồng Huế với cuộc trưng diễn sinh động ngón nghề tuyệt kỹ, những kỹ thuật tinh tế, sắc sảo. Người ta cũng đã cố gắng kết hợp, lồng ghép để hình thành nên tour du lịch- làng nghề.
 

Cửu đỉnh
 
Lâu nay người ta nói nhiều về tiếng tăm của nghệ nhân, sản phẩm độc đáo của những ngành nghề truyền thống ở Huế, trong đó có nghề đúc đồng mà quên rằng, vẫn còn đó nhiều khó khăn tiềm ẩn.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông khi khảo sát về làng nghề đúc ở Huế đã đưa ra 5 vấn đề mà ông cho rằng người thợ đúc ở đây đang thực sự đối diện. Lần lượt đó là vốn- thị trường- nhân lực- nguyên liệu- sản phẩm. Theo ông Thông, sản phẩm là yếu tố nhạy cảm nhất, phản ánh mức độ tiếp cận thị trường của người thợ. Sản phẩm đúc ngoài những mặt hàng truyền thống cho thấy sự đơn điệu, nghèo nàn, thiếu năng động còn là sự suy giảm về mặt chất lượng, sự tinh tế, tính thẩm mỹ, trong khi nhu cầu luôn thay đổi, sự phân hóa nhu cầu đang ngày càng mạnh mẽ theo hướng đa dạng hóa.
 
Bên cạnh đó, sự liên kết nghề nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ sở sản xuất lại là điều không tưởng. Một số chủ cơ sở thú nhận cách quản lý theo kiểu gia đình vẫn là hợp lý nhất và hiệu quả. Theo đó, mỗi lò đúc là một tổ sản xuất trọn vẹn, dưới sự điều hành của người cha hay ông trong mối quan hệ huyết thống.
 

Một công đoạn của nghề đúc đồng
 
 
Việc xây dựng đi đến hình thành nên một thương hiệu có ý nghĩa như lời giải cho bài toán bảo tồn nghề đi đến hội nhập và phát triển sản phẩm cho cả làng nghề đúc hiện nay. Tất nhiên, công việc sẽ không thể chỉ dừng lại ở tấm lô-gô đơn giản mà hơn thế phải tiến đến yêu cầu cao hơn là thay đổi nhận thức của người thợ, của cả làng nghề.
 
Nghề đúc đồng ở Huế nói chung, ở Phường Đúc nói riêng đang thực sự cần một “cú hích”. Một kết quả khảo sát mới đây cho thấy, hầu hết các nghề thủ công tồn tại và phát triển được đều phải thay đổi rất nhiều trong kỹ thuật, quy trình, nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm sản xuất...Nghĩa là, để sống được cần có sự chuyển đổi (tất nhiên không phải chuyển đổi nào cũng thành công) với sự góp mặt của “4 nhà”: chính quyền- chủ đầu tư- nhà khoa học- người sản xuất trong việc thiết lập, tìm giải pháp, lối ra cho làng nghề, đặc biệt là những dự án liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội với bảo tồn văn hóa.
 
Vẫn còn đó không ít những khó khăn nhưng rõ ràng, với một thành phố đang chọn hướng phát triển dựa trên ngành công nghiệp không khói như Huế, việc ưu tiên phát triển hàng thủ công mỹ nghệ là đặc biệt quan trọng. Có bề dày lịch sử và những tác phẩm bất hủ vượt thời đại của mình, Phường Đúc xứng đáng là một địa chỉ thú vị cho khách du lịch và những nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn du lịch với nghề làm nón lá

Trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, nón lá được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản văn hóa “nón bài thơ”. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong hình ảnh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.

Gắn du lịch với nghề làm nón lá
Muối nung Phước Tích

Ngoài nhà rường cổ, nghề gốm nổi tiếng khắp nước, ngôi làng cổ Phước Tích còn có một nghề muối nung ít người biết.

Muối nung Phước Tích

TIN MỚI

Return to top