ClockChủ Nhật, 06/11/2022 14:38

Cõi mộng…

Những bông lauĐứa trẻNhớ núi

Nhà số 33 có khu vườn xanh mát, vòm cổng sum suê một giàn tigôn nở hoa quanh năm. Niềm vui mỗi sáng của Lam là dậy sớm, mang thức ăn nào gạo, ngô xay, hoặc cơm nguội ra vãi trước sân cho bầy bồ câu. Lam thích nhìn chúng sà xuống đông đúc khi nghe tiếng vỗ tay của cô và xúm xít tranh giành. Giàn hoa cạnh mé cửa đang kỳ nở rộ, rụng đỏ một góc sân. Chỉn chu trong bộ đồ vest phẳng phiu màu than, bố dắt chiếc xe máy ra trước sân. Chiếc Dream cũ đã bỏ không nhiều năm nay, mấy hôm trước bố gọi thợ đến nhà, kêu họ sửa sang lại. Quay sang nhìn Lam, ông dặn:

- Nghe báo thời tiết hôm nay có mưa giông, con đi đâu nhớ mang áo mưa. Tối bố về muộn, học bài rồi ngủ sớm nhé, đừng đợi bố.

Chưa kịp để Lam nói gì, bố đã nổ máy, vặn tay ga phóng vụt đi. Nhìn Lam ăn sáng với vẻ mặt chán nản, bác Đàn ra điều lo lắng cho cô. Những câu từ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến nỗi khi rảo bước lên cầu thang về phòng, Lam vừa nghe vừa lẩm nhẩm cùng bác không sai một chữ.

Lam nhìn mình trong gương, đôi mắt thâm quầng sau gọng kính, làn môi khô nhợt nhạt. Cô miễn cưỡng chỉnh trang khuôn mặt, thoa lớp kem dưỡng da, thêm một lớp chống nắng, cuối cùng là phết một chút son đỏ lên môi. Ngày nào trước khi rời khỏi nhà, Lam cũng mở cửa phòng anh Hoàng và nhìn ngắm một lượt. Căn phòng vẫn y như lúc có anh. Mỗi tuần Lam đều dành thời gian để làm sạch tất cả. Mọi thứ bụi bặm vì vẫn có một cánh cửa được mở ra và rèm cửa được vén lên. Cái ý nghĩ anh chỉ đang đi vắng một thời gian khiến Lam thấy mình không cô độc. Nhiều năm đã trôi qua, có đôi khi Lam không nhớ nổi khuôn mặt anh, vậy mà vẫn ngô nghê như trẻ thơ, tin rằng anh sẽ trở về một ngày không xa. Cây violin đã ngừng ngân giai điệu kể từ ngày thân thể anh đau ốm, mẹ bặt tin ở bên kia biên giới. Kể ra thì, những thanh âm vốn da diết đã méo mó từ trước đó rồi. Từ những ngày bố triền miên với tiệc rượu, mẹ chờ đợi trong bóng tối, nghe tiếng mưa rả rích. Bàn tay ấm áp của mẹ không còn hiện hữu để vỗ về anh, khi chuyến hàng định mệnh mang mẹ sang bên kia biên giới và mãi vẫn chưa về được. Đã từ lâu, không còn ai hỏi thăm nhà số 33, căn nhà có giàn tigôn nở bông quanh năm. Lam vẫn sống và học tập theo guồng quay mặc định. Nhưng đi đâu, làm gì cũng lặng lẽ trong những góc thiếu ánh sáng nhất.

***

Nhà số 33 từng có bốn người. Cuộc sống khi còn nghèo thật đơn giản, người chồng trước khi đến công trường mỗi sáng đều nhận được chiếc cặp lồng cơm nóng hổi, thơm nức mùi xì dầu, kèm theo những lời động viên âu yếm. Hai đứa con đi học cách nhà hơn năm cây số, anh đèo em bằng chiếc xe đạp cũ. Người mẹ tất bật tối ngày sáng đêm với chiếc máy may đạp chân, đau cứng lưng nhưng vẫn vừa may vừa thì thầm hát. Vất vả, nhưng nhắc đến nhà số 33, người ta thấy họ hạnh phúc.

Một ngày…, người chồng từ thợ xây lành nghề lên làm chủ thầu, nhận các dự án xây dựng nhà ở, khu dịch vụ, công trình giao thông. Trong nhà dần xuất hiện xe tay ga,

ti-vi màn hình phẳng, tủ lạnh, sofa… Rồi công cuộc lập công ty tư vấn và thi công chiếm hết thời gian của anh. Chỉ vài năm sau đó, người vợ không còn còng lưng ngồi may vá nữa. Chị đã biết khoác lên mình những chiếc váy, biết uốn tóc, làm móng, điểm tô nhan sắc. Hai đứa trẻ không còn phải vất vả đạp xe vượt dốc đến trường, mà nhàn nhã trên những chiếc xe đạp điện.

Căn nhà cũ chật hẹp được phá tung, những mảng tường loang lổ trò chơi thầy cô giáo của hai anh em đã thay bằng bức tường láng mịn màu xanh da trời. Cánh cổng bằng gỗ ghép kêu ọt ẹt giờ là những song sắt chắc chắn. Căn biệt thự hiện đại hoàn thành chỉ chưa đầy nửa năm. Mọi thứ thay đổi nhờ những hợp đồng người đàn ông ký được trên bàn ăn, trong quán hát... Gia đình ấy dần có nhiều khách, là những mối liên kết cùng nhau trong xây dựng, có người chuyên về gạch, người thì sắt thép, sơn, thạch cao… Những món quà của họ đem đến dần trở nên thừa thãi, đến nỗi hai anh em chẳng thèm đụng đến. Mẹ xót của nên thường chia sẻ cho lũ trẻ khu lao động trong con hẻm đối diện. Ở đó rất nhiều người là khách hàng và là bạn bè thân thiết khi xưa của mẹ.

Mẹ giao du rộng rãi hơn trước và thường xuyên vắng nhà với những cuộc hẹn cà phê, làm đẹp, mua sắm… Một tuần bảy ngày thì mất năm ngày bố về nhà muộn trong tình trạng liêng biêng. Mẹ có chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Trung Quốc. Khi về thì hân hoan kể, rằng có mấy bà bạn rủ nhau hùn vốn buôn bán, lợi nhuận cao, được chia phần khá lắm. Rồi chuyến thứ hai, thứ ba… Ban đầu mẹ chỉ đi ba ngày, một tuần, về sau có bận kéo dài đến cả mười ngày, nửa tháng. Mẹ phó thác chuyện chăm sóc con cái cho người giúp việc. Những lần mẹ con trò chuyện hầu như mất hẳn. Thứ bà cho anh Hoàng và Lam chỉ là tiền. Bố đã không còn thói quen hỏi han việc học hành của anh em Lam, không kiểm tra xem các con ngủ nghê thế nào như trước nữa. Nhiều đêm, Lam thức chờ đợi và hồi hộp khi nghe tiếng bước chân bố lảo đảo lên cầu thang. Nhưng ông đi qua phòng Lam, bước chân không chút ngập ngừng. Hơi rượu đang cho ông những giấc mơ hào nhoáng, tiền và danh vọng. Lam dần chấp nhận sự thật rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, và bố cũng thế.

Nhà số 33 nằm cạnh một bệnh viện tư nhân, phía đối diện là khu người lao động nghèo. Thỉnh thoảng Lam giật mình khi nghe tiếng còi cấp cứu rú lên nửa đêm, mùi thuốc sát trùng phả sang khiến đầu Lam ngây ngả. Ở khu lao động, những đứa trẻ thường rủ nhau chơi bóng mỗi chiều khi đợi bữa cơm mẹ chúng đang tất bật. Thú vui rộn ràng của lũ trẻ là cùng nhau đạp xe và đọc truyện. Có khi Lam thấy chúng giành nhau xem một cuốn truyện tranh. Mấy lần định bụng mang những bộ truyện của anh Hoàng xuống cho chúng nhưng lại ngần ngại. Những thứ của anh để lại quan trọng biết bao, chúng cho Lam cảm giác bình an để bước tiếp chuỗi ngày dài u ám, những đêm dài bải hoải trong ngôi nhà này. Có lần bố cùng bác Đàn gom đống sách cũ trong phòng anh tính đem bỏ, Lam đã hốt hoảng lao ra cửa giằng lấy nó từ tay người lao công rồi lại lụi cụi sắp chúng lên kệ. Lần ấy, Lam như thấy anh đang cười, kéo bản violin quen thuộc một cách say sưa.

Mùa đông, căn nhà số 33 vắng người thật lạnh lẽo. Anh Hoàng và Lam thường lặng lẽ ăn cơm cùng nhau. Mỗi tối trước khi đi ngủ, anh thường sang phòng Lam một lúc, hỏi xem có bài toán nào cần giải giúp. Có hôm khuya khoắt vẫn thấy phòng anh sáng đèn. Lam ghé qua, thấy anh ngồi lặng, đôi mắt dán vào tường bất thần như tượng gỗ. Có gì đó u uất trong lòng mà anh chẳng thể nói ra. Những ngày ấy, mẹ vắng nhà. Sau đó, thỉnh thoảng Lam bắt gặp vẻ mặt anh hốt hoảng khi nghe điện thoại, nhưng vừa nhìn thấy cô, anh đã lại cười tươi và rủ la cà ăn quà vặt. Chuyến hàng ấy mẹ nói chỉ đi 5 ngày, thế mà một tuần sau vẫn chưa thấy tin tức. Anh Hoàng trấn an Lam rằng mẹ đang gom hàng, chắc phải thêm mấy ngày nữa. Nhưng rồi một tuần nữa trôi qua, mẹ vẫn không xuất hiện. Anh Hoàng lại bảo mẹ gọi cho anh, mặt hàng đang gặp chút sự cố nên chưa biết khi nào về được.

Mấy ngày liền anh Hoàng đau đầu và sốt cao, ăn không được mà hay nôn mửa. Lam và bác Đàn nhủ đi bệnh viện, anh cười bảo chỉ cảm xoàng thôi, uống thuốc vài hôm là khỏi. Ngày nọ sau khi dứt cơn sốt, anh mang sang phòng Lam một giò phong lan trắng và treo nó lên cửa sổ, dặn dò Lam cách chăm sóc. Ánh mắt mỏi mệt nhìn Lam, anh bảo: “Chờ mẹ về, em nói mẹ đừng đi nữa. Nếu lâu nữa mà mẹ chưa về được, anh lại có việc phải đi xa, Lam phải tự chăm sóc mình nhé”.

Lam nhớ ấy là một buổi trưa, gió nhẹ, mưa bụi lất phất. Về nhà sau buổi học, thấy cửa nhà mở toang, người ra vào vội vã. Bố ngồi thụp dưới nền, ghì chặt bức ảnh anh Hoàng vào lòng và khóc. Lần đầu tiên Lam thấy ông khóc nhiều như thế. Lam chỉ kịp thấy anh Hoàng trong khuôn hình đang chăm chú nhìn cô với nụ cười hiền khô quen thuộc, rồi cô ngất đi. Sau thì Lam biết, khi bố về nhà và hoảng hốt phát hiện ra anh không bị cảm xoàng mà là sốt xuất huyết, thì đã quá muộn rồi.

Đêm nao, Lam thấy mẹ về. Bà gầy quá, khuôn mặt ướt lạnh tái nhợt. Một lúc sau có mấy người mặc đồng phục cảnh sát bước vào, đọc lệnh bắt giam. Mẹ đánh rơi ly nước chưa kịp uống, nước mắt rơi lã chã. Bố về, chẳng nói câu nào, vẻ mặt đau khổ nhìn mẹ đưa tay tra vào chiếc còng sắt lạnh buốt. Lam hốt hoảng gào khóc, cố chạy theo gọi mẹ. Nhưng chiếc xe đợi sẵn ngoài cổng đã lao đi, mất hút trong đêm. Bố giữ chặt Lam trong vòng tay, giọng nói như van nài:

- Đừng khóc, chỉ là con đang mơ, đừng sợ!

Năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, Lam không đỗ đại học. Cô dường như bỏ bê bản thân, chẳng có lý tưởng hay mục tiêu gì cho tương lai. Nhưng Lam tò mò và hay mường tượng về một thế giới trẻ trung, nhiệt huyết bên trong cánh cửa trường đại học. Có một sự cứu rỗi nào đó dành cho Lam ở nơi ấy chăng? Lam chuyên tâm đến lò luyện thi, học ngày học đêm. Rất lâu rồi Lam không nghe chuyện gì về mẹ nữa. Nhưng bố con Lam vẫn chẳng có nổi mươi phút trò chuyện mỗi ngày. Lam ngày càng câm lặng trong chính ngôi nhà mình. Giấc mơ gặp mẹ, tiếng ly vỡ và đôi mắt dớn dác kiếm tìm cứ xoáy vào đầu Lam.

Đó chẳng phải giấc mơ.

Đêm buông, ngoài trời mưa xối xả. Bác Đàn đã về quê từ trưa vì nhà có việc. Khi chiều Lam đã mang cho lũ trẻ khu lao động mấy tập truyện của anh Hoàng, chúng đã rất vui mừng và thích thú. Lam thấy người rệu rã, vừa đặt mình xuống giường là đã ngủ mê mệt. Hình như có ai đó gọi cửa, cách bấm chuông nghe rất quen, lần đầu một cái, lần hai sẽ là hai cái. Nhưng Lam đã ngủ say và sâu đến mức không còn có thể ngồi dậy mở cửa. Mưa mỗi lúc một lớn, hạt mưa đáp mạnh xuống mặt đường như đá răm. Những bông tigôn mỏng manh bị gió quật rơi xuống nền đau đớn. Trước cánh cổng cao kiên cố, có một người đàn bà đứng co ro, ngước nhìn lên cửa sổ phòng Lam đứng đợi… Còn Lam, trong vô thức vẫn mơ hồ nghe tiếng mưa, nhưng giấc ngủ đã không còn mộng mị.

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top